Lễ khai mạc "Việt Nam ước mong" - chuỗi hoạt động vì trẻ yếu thế - diễn ra tại chùa Giác Ngộ, TP HCM, chiều 5/8, trực tiếp trên Fanpage VnExpress và Fanpage chùa Giác Ngộ. Chương trình gồm ba phần: tuyên bố khai mạc; tọa đàm "Nuôi dưỡng trẻ với trái tim tỉnh thức và hiểu biết"; trò chuyện với các khách mời đặc biệt.
Điểm nhấn sự kiện là phần hai. Thầy Quảng Tịnh - MC tọa đàm - đặt vấn đề có rất nhiều trẻ gặp khủng hoảng, nhất là trong bối cảnh Covid-19. MC dẫn lại lời phát biểu của Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Kim Sơn tại Gala "Vì một Việt Nam tất thắng" năm ngoái: "Đối với trẻ em bình thường, có thể học tập tốt trong bối cảnh hiện nay là rất khó. Để các bệnh nhi, trẻ mồ côi, trẻ yếu thế... có thể học tập tốt là điều vô cùng khó khăn".
Trước câu hỏi nguyên nhân sâu xa dẫn đến khủng hoảng trẻ thơ, Thượng tọa Thích Nhật Từ - chủ trì chùa Giác Ngộ - chỉ ra một phần do phụ huynh thiếu quan sát biến đổi tâm sinh lý, không nhìn thấy nỗi khổ của bé, trong khi con vốn chưa biết cách giãi bày và không đủ can đảm bộc bạch suy nghĩ, băn khoăn với cha mẹ. Chỉ cần sát sao, quan tâm con nhiều hơn, người lớn sẽ dễ dàng nhìn thấu ưu phiền và kịp thời vỗ về, giúp trẻ đi đúng hướng, hồn nhiên đúng lứa tuổi.
Không đủ kinh tế, thiếu thốn vật chất, thiếu kiến thức về dinh dưỡng... cũng là một trong những lý do khiến trẻ không trưởng thành về thể chất. Bên cạnh đó, rất nhiều phụ huynh chưa quan tâm đúng mức về giáo dục tỉnh thức, giúp con làm chủ cảm xúc, nhận thức hành vi, thói quen sống...
Ngoài bị ảnh hưởng bởi cảm xúc, sự ép buộc của cha mẹ, tác động bởi điều kiện sống... sự khủng hoảng còn đến từ nội tại, cá tính mỗi trẻ. Chủ trì chùa Giác Ngộ cho rằng cha mẹ cần sớm khoanh vùng nguyên nhân dẫn đến khổ đau của con, dành nhiều thời gian đồng hành trẻ vượt qua khó khăn, hướng dẫn con xử lý các tình huống khó... và "gieo" những hạt giống tích cực, tính cách tốt trong trẻ, từ đó triệt tiêu mầm mống tiêu cực.
Hiện chùa Giác Ngộ tổ chức nhiều khóa tu học mỗi thứ 7 hàng tuần (13h45-16h30), khoảng 400 trẻ 7-12 tuổi, 100 cháu 3-6 tuổi cùng sinh hoạt. Cụ thể, trẻ sẽ trải qua 5 phút ngồi thiền để làm quen với kỹ năng quản lý cảm xúc; 7-8 phút đọc lời dạy của Đức Phật; sau đó tham gia ca hát, múa; cuối cùng được giáo dục các kỹ năng (thể chất, đạo đức, tri thức, mục đích sống và giá trị sống, giáo dục tâm linh... Khóa tu phần nào giúp trẻ gom góp những hạt mầm tốt, ngoan ngoãn, tự lập hơn, không cần cha mẹ phải nhắc nhở những việc nhỏ nhất, từ ăn, ngủ đến học hành.
Đại đức Thích Minh Niệm cũng đồng quan điểm với Thượng tọa Thích Nhật Từ. Từng có thời gian dài tiếp xúc với trẻ mất sự kết nối với cha mẹ, các bé mất phương hướng trong cuộc sống, trẻ bị tổn thương tâm lý (rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, tự kỷ)... , do đó sư Minh Niệm kỳ vọng mỗi gia đình, cộng đồng, xã hội quan tâm nhiều hơn nữa với trẻ yếu thế.
"Nếu có thời gian quan sát, nhìn sâu, cha mẹ và mọi người có thể phát hiện nhiều điều bất thường của trẻ", sư Minh Niệm nói và lý giải có nhiều cách chia sẻ, nâng đỡ, dìu dắt các em, hoặc nếu không thể, chúng ta có thể lên tiếng nhờ các chuyên gia, người có chuyên môn giúp sức.
Trẻ yếu thế là đối tượng mong manh, dễ vỡ, nếu được xếp vào danh sách quan tâm hàng đầu, xem đó là bổn phận, ai cũng có thể giúp trẻ vượt khủng hoảng. Đôi khi chỉ cần người lớn chịu lắng nghe, động viên và khích lệ, có thể phần nào giúp các bé xoa dịu nỗi khổ, niềm đau...
"Khi cảm nhận, nhìn thấy được, rung động thật sự, ta mới đi tiếp được bước thứ hai: hành động", sư Minh Niệm nói và liệt kê những điều cha mẹ cần làm: bớt bận rộn, bớt căng thẳng, muộn phiền. Trẻ con vốn nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng bởi lời nói, thái độ của cha mẹ... Chỉ khi phụ huynh an ổn, bình an, mang trong mình năng lượng tích cực, có trái tim yêu thương... mới có thể đến gần con, cùng bé trải qua tháng ngày hạnh phúc.
Nhiều khách mời xúc động khi sư Minh Niệm nhấn mạnh ý: hãy để con là ưu tiên hàng đầu, đừng đợi khi bé xảy ra chuyện, lìa xa mình rồi mới khóc lóc, hối hận.
Bên cạnh đó, trách nhiệm của phụ huynh và xã hội là tạo ra nhiều môi trường an lành cho con, đưa bé đi chơi công viên, kết hợp các gia đình cho con đi phượt, cắm trại, trải nghiệm nhiều hoạt động lý thú... Các cha mẹ có con rối loạn lo âu, tự kỷ.... cần liên kết để trao đổi, học hỏi, nâng đỡ tinh thần nhau, từ đó có thái độ, đối xử bé đúng mực, không gây thêm tổn thương cho trẻ.
Theo sư Minh Niệm, chăm sóc đời sống tinh thần cần được đẩy mạnh, thậm chí vượt qua cả kinh tế. Đời sống tinh thần thoải mái sẽ ảnh hưởng tích cực đến con. Khi tâm hạnh phúc, nhìn đâu bạn cũng thấy niềm vui, khi trái tim đau khổ, nhìn gì cũng thấy muộn phiền.
Với những trẻ cá tính khác biệt, thầy cho rằng những gì ta thấy chỉ là hiện tượng, chưa nhìn được bản chất vấn đề, nguyên nhân sâu xa. Cha mẹ có thể thay đổi môi trường sống, trò chuyện, quan tâm bé nhiều hơn. Ngoài ra, không nên áp đặt trẻ những điều chúng không muốn, không ép con học quá nhiều theo kiểu nhồi nhét kiến thức... Thành tích thực sự không quan trọng và nó không phải là thước đo giúp con hiểu bản thân, làm chủ cảm xúc, hiểu sứ mệnh của mình trước khi vào đời.
"Thời gian trưởng thành của bé không phải trong trường học mà là ở ngoài đời", đại đức Thích Minh Niệm nói.
Trong giai đoạn kinh tế bùng nổ và công nghệ lên ngôi, cha mẹ luôn bận rộn, mệt mỏi và đòi hỏi con mình phải phải thế này, thế khác mà không lắng nghe, dẫn đến trẻ nổi loạn, tiêu cực... Nếu người lớn trong nhà không thay đổi lối sống, thái độ ứng xử, cách nhìn mà chỉ chăm chăm chỉ trích những khuyết điểm, yếu kém của con, trẻ sẽ không thể nào vượt qua khó khăn, thậm chí khó quay đầu.
"Đôi khi cha mẹ phải thay đổi nhiều hơn cả con trẻ. Đừng để ai lạc lõng, đau khổ trong cuộc đời. Nếu bạn đang hạnh phúc, hãy sẻ chia với người khác, hãy lắng nghe, yêu thương nhiều hơn nữa", sư Minh Niệm nói thêm. Phần chia sẻ của Thượng tọa Thích Nhật Từ, Đại đức Thích Minh Niệm nhận tràng pháo tay dài của khán giả.
"Việt Nam ước mong" diễn ra từ 22/7 đến 31/8, gồm các hoạt động: triển lãm tranh (tại chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Giác Ngộ); Lễ cầu siêu cho trẻ không may mắn; chuỗi talkshow xoay quanh chủ đề chữa lành tâm hồn, thể xác. Toàn bộ tiền thu được sẽ hỗ trợ bệnh nhi ung thư, trẻ mồ côi, cơ nhỡ hoặc mắc bệnh hiểm nghèo.
Hoạt động do chương trình Ông Mặt trời (do ông Minh Nhân sáng lập) phối hợp Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel), Trường Đại học Ngoại thương, Quỹ Hy Vọng, Quỹ Mái ấm hạnh phúc, Truyền hình Quốc hội, tổ chức.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Độc giả có thể xem thông tin về chương trình tại đây. |