Dù đã trưởng thành thì những bài học của cha mẹ ít nhiều ảnh hưởng đến chúng ta trên mọi khía cạnh và quản lý tiền nong là một trong số đó.
Đơn cử như trường hợp của Thanh Huệ (SN 1999) vừa mới ra trường đã có quỹ tiết kiệm lớn và vài ba chỉ vàng để lập nghiệp. Tất cả đều nhờ cô tin tưởng giao gần hết số tiền kiếm được trong suốt 8 năm cho phụ huynh để gửi tiết kiệm và đầu tư sinh lời. Quan trọng hơn, nhờ cách dạy con đúng đắn của bố mẹ, cô đã tìm ra cách hiệu quả để đầu tư và tiêu tiền thông minh sau khi trưởng thành.
22 tuổi có sổ tiết kiệm 120 triệu và 5 chỉ vàng
“Bố mẹ luôn nói với mình, ra trường, đi làm thì mới thấy đồng tiền kiếm ra khó khăn như thế nào. Càng tích lũy tiền bạc từ sớm, con càng có một khoản phòng ngừa rủi ro cho tương lai, cũng như càng làm chủ được cuộc sống.
Không bao giờ được phép tiêu hết số tiền kiếm được là nguyên tắc mà bố mẹ dạy mình từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, tích lũy tiền bạc mà bố mẹ dạy không chỉ đơn thuần là tiết kiệm. Tức là mình không nên chắt bóp quá chi li hay kiếm được tiền nhưng không dám tiêu xài vào bất kỳ khoản chi tiêu nào.
‘Tích lũy' tiền bạc ở đây là phải biết chia tiền thành 3 khoản, một khoản là cho cuộc sống cá nhân, một khoản là tiết kiệm và một khoản mang đi đầu tư", Thanh Huệ chia sẻ về cách bố mẹ dạy cô về tiền nong.
Ảnh minh họa
Thanh Huệ cho biết, ngay khi còn nhỏ, cô đã được bố mẹ chia sẻ thẳng thắn về cách quản lý tài chính cá nhân. Nói ra nghe to tát, nhưng thực tế các bài học này tương đối đơn giản, gói gọn trong 2 nguyên tắc: “Không bao giờ để tiền nằm im" và “Không tiêu hết số tiền mình kiếm được".
“Bố mẹ mình không phải chuyên gia về tiền nong. Có lẽ bố mẹ còn không hiểu hết về khái niệm ‘tài chính cá nhân', nhưng nhờ những điều họ dạy, lớn lên mình biết chủ động tìm hiểu về tiền và học hỏi đầu tư từ sớm", Thanh Huệ nói thêm.
Cụ thể, những lời dạy về tiền của bố mẹ mà ảnh hưởng nhất tới Thanh Huệ như sau:
- Luôn có 2 quỹ tiết kiệm và đầu tư
Từ năm lớp 8, tức 14 tuổi, Thanh Huệ được bố mẹ dặn bất kỳ khoản tiền nào có được, gồm tiền khen thưởng từ cuộc thi trong nhà trường, lì xì và tiền được họ hàng cho đều không bao giờ được tiêu hết. Thay vào đó, Thanh Huệ được bố mẹ dặn cất riêng một khoản để đi gửi tiết kiệm và mua vàng.
“Cho đến khi tốt nghiệp Đại học, mình nhận được thành quả tích lũy tiền bạc của mình sau 8 năm, đó là một cuốn sổ tiết kiệm 120 triệu đồng và 5 chỉ vàng. Dù không quá nhiều so với các bạn cùng tuổi, nhưng mình thấy vui lắm sau khi nhận được ‘tài sản' của bản thân.
Bố mẹ mình nói, nếu có tiền thì không để nguyên một chỗ vì sẽ không thắng được lạm phát. Do đó, bố mẹ đã dùng tiền tích luỹ của mình đi mở sổ tiết kiệm và mua vàng”, Thanh Huệ nói.
Ảnh minh họa
- Sống trong mức khả năng của bản thân
Từ nhỏ, Thanh Huệ đã được bố mẹ dạy cần tiết kiệm tiền, “làm 10 đồng thì phải bỏ lại ít nhất 2-3 đồng để còn lo cho tương lai". Quan trọng không phải số tiền kiếm ra bao nhiêu, mà là bạn học được cách chi tiêu như thế nào với số tiền đang có.
Cô học cách cân đối dòng tiền có được như sau: Từ nhỏ, Thanh Huệ đã được gia đình bắt đi chợ mua đồ nấu ăn, tính toán giá cả rồi cân đối chi phí để có bữa ăn. Từ năm lớp 8, với số tiền có được từ những người xung quanh và giải thưởng khi đi học, cô luôn được bố mẹ cho giữ một khoản tiền để tiêu xài cho sở thích cá nhân như đi xem phim cùng bạn bè, ăn vặt trước cổng trường,...
Đến năm lớp 11, khi được về quê chơi, cô còn được bố mẹ cho đi làm thêm ở quán cafe trong 2 tháng, như một cách vừa mở khả năng giao tiếp mà còn tiếp cận sớm với việc kiếm tiền.
“Những trải nghiệm này giúp mình học được thói quen tiết kiệm và sống trong mức khả năng của bản thân. Khi lớn lên, mình cũng tự chủ hơn, biết cách sắp xếp quản lý chi tiêu và ít khi bị rơi vào khủng hoảng”, cô bạn chia sẻ.
Tiết kiệm thôi là chưa đủ, cần tiêu tiền một cách hiệu quả
Thanh Huệ tốt nghiệp và bắt đầu đi làm vào năm 2021. Từ đó đến nay, cô đã tự nghiên cứu và đầu tư bằng tiền lương kiếm được trên đa dạng nền tảng. Thanh Huệ cho biết, cô nàng vẫn chưa dùng đến sổ tiết kiệm và 5 chỉ vàng, bởi muốn để dành tiền cho trường hợp cần thiết trong tương lai.
Ảnh minh họa
“Mình làm trong mảng Tài chính nên luôn nghĩ cất tiền để một chỗ sẽ rất nguy hiểm. Do đó, mình dựa vào kiến thức bản thân để đầu tư cả cổ phiếu, vàng, chứng chỉ quỹ và một số khoản đầu tư nhỏ khác.
Một trong những lý do khiến mình chia nhỏ số tiền để đầu tư vì muốn linh hoạt dòng tiền chảy qua các khoản đầu tư sinh lời nhanh chóng. Ngoài ra ‘không bỏ hết trứng vào cùng một giỏ’ sẽ giúp danh mục đầu tư an toàn hơn, không chịu cảnh mất trắng. Hàng tháng, nếu có lãi mình sẽ trích 2-5 triệu đồng để chuyển vào tài khoản tiết kiệm”.
Danh mục đầu được cô phân chia như sau: Cổ phiếu (10% thu nhập), vàng (5-10%) thu nhập, chứng chỉ quỹ (5% thu nhập), các loại hình đầu tư khác (5% thu nhập, hoặc có tháng cô sẽ không bỏ tiền vào khoản đầu tư này để phòng ngừa rủi ro).
Thanh Huệ cho hay, sau 2 năm gần như chỉ để thực hành đầu tư và sinh lời rất ít từ thị trường thì đến nay lợi nhuận của cô đã đạt mức tăng trưởng 20%/năm.
“Nhìn mức lương văn phòng hiện tại, mình biết bản thân không thể dư dả nếu chỉ trông cậy vào một nguồn thu nhập. Ở tuổi 25, mình thấy may mắn vì đã nhận ra điều này từ sớm. Với mình, tiết kiệm tiền là không đủ, mà cần tiêu tiền một cách hiệu quả để ‘tiền đẻ ra tiền’”, cô bạn bày tỏ.