Kỹ năng sống

Giữa lúc nhiều ĐH tăng học phí, sinh viên 1 trường đi học không mất tiền, lại còn được nhận thêm trợ cấp mỗi tháng, ra trường không lo việc làm

Mới đây, nhiều trường ĐH trên cả nước đã chính thức công bố học phí cho năm học 2024-2025. Theo đó, ở năm học mới này, học phí của nhiều trường đã tăng.

Các trường ĐH thuộc khối Kinh tế thu mức học phí cao năm năm trước đó khoảng 10-15%, dao động 16-70 triệu đồng/năm. Như tại Học viện Ngân hàng, học phí năm học 2024-2025 dự kiến khoảng 25-37 triệu đồng/năm (tùy từng chương trình học). So với năm học trước đó, mức học phí này cao hơn khoảng 4-5 triệu đồng.

Không chỉ các ĐH thuộc khối ngành kinh tế, những trường thuộc nhóm ngành Y - Dược cũng tăng học phí. Năm học 2024-2025, học phí của ĐH Y Dược TH.HCM dao động 46-84,7 triệu đồng/năm học. So với năm học trước đó, mức học phí tăng khoảng 4,2 -7,4 triệu đồng/năm.

Ở năm học mới này, sinh viên ĐH Luật TP.HCM cũng sẽ phải đóng mức học phí cao hơn. Các ngành đào tạo đại trà có mức học phí từ 35,25 - 41 triệu đồng/năm học. Các ngành đào tạo chất lượng cao có học phí từ 70,5 - 83,6 triệu đồng/năm học. Đặc biệt nhất, chương trình đào tạo chất lượng cao giảng dạy 100% bằng tiếng Anh có mức học phí 181,5 triệu đồng/năm học.

Trong khi sinh viên các trường ĐH đang lo lắng về việc tăng học phí. Sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội lại đứng ngoài nỗi lo này. Bởi theo theo quy định của Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ sinh viên sư phạm (nếu đăng ký hưởng trợ cấp) sẽ được hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí theo quy định của trường và được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Thời gian hỗ trợ chi phí sinh hoạt được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học. Mức hỗ trợ tiền đóng học phí theo số tín chỉ sinh viên đăng ký trong từng kỳ học.

Không chỉ miễn giảm học phí, cử nhân tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ không quá lo ngại vấn đề việc làm. Bởi theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2022-2023, cả nước thiếu 118.253 giáo viên các cấp.

Thậm chí để thu hút người trẻ gắn bó với nghề, từ năm 2024, nhiều chính sách giáo dục về lương, thưởng, chế độ có lợi cho nhà giáo sẽ được thực thi.

Cái nôi của ngành sư phạm cả nước

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (tên trong tiếng Anh: Hanoi National University of Education - HNUE) chính thức được thành lập ngày 11/10/1951 theo Nghị định của Bộ Quốc gia Giáo dục.

Trong lịch sử phát triển, qua nhiều lần đổi tên từ trường Sư phạm Cao cấp, trường ĐH Sư phạm Hà Nội 1, trường ĐH Sư phạm-ĐH Quốc gia Hà Nội đến Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Nhà trường vẫn luôn giữ vững vị trí là trường ĐH Sư phạm đầu ngành, trọng điểm, là cái nôi của ngành sư phạm cả nước. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã đào tạo hàng chục vạn giáo viên các cấp, các chuyên gia giáo dục, trong đó có những người sau này trở thành nhà hoạt động chính trị có uy tín, nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, góp phần làm rạng danh nền học vấn nước nhà.

Giữa lúc nhiều ĐH tăng học phí, sinh viên 1 trường đi học không mất tiền, lại còn được nhận thêm trợ cấp mỗi tháng, ra trường không lo việc làm- Ảnh 1.

Vậy nên khi nhắc đến ĐH Sư phạm Hà Nội, mọi người luôn nhớ đến nơi đây là một trung tâm đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu và ứng dụng khoa học giáo dục và đa ngành chất lượng cao, là một trong các trường đại học trọng điểm trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Vào ngày 20/2 mới đây, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã ký hai quyết định về việc cho phép trường đào tạo ngành sư phạm lịch sử - địa lý và ngành sư phạm khoa học tự nhiên trình độ đại học.

Như vậy từ năm học 2024, ĐH Sư phạm Hà Nội đào tạo 29 ngành (bao gồm cả ngành sư phạm lịch sử - địa lý, sư phạm khoa học tự nhiên) và 16 ngành ngoài sư phạm.

Điểm chuẩn cao chót vót

Vì là trường đào tạo giáo viên top đầu cả nước nên muốn trở thành sinh viên của HNUE không phải là chuyện dễ dàng. Mùa tuyển sinh năm 2023, điểm chuẩn vào trường xét tuyển dựa trên điểm thi THPT dao động từ 18,3 đến 28,42 điểm. Trong đó 2 ngành có điểm chuẩn cao nhất là Giáo dục chính trị và Sư phạm Lịch sử, cùng lấy 28,42 điểm (khối C00). Như vậy, để theo học được ngành này, sinh viên đạt 9 điểm/môn vẫn chưa thể đỗ.

photo-1713793256487

 Với phương thức xét tuyển học bạ, điểm trúng tuyển vào trường dao động 20,5-29,8. Ngành Sư phạm Toán học (dạy Toán bằng Tiếng Anh) cao nhất. Đây cũng là ngành lấy điểm chuẩn cao nhất theo kết quả thi đánh giá năng lực do trường tổ chức.

Năm học mới này, trường đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến tuyển khoảng 4.400 sinh viên bằng năm phương thức tuyển sinh, bao gồm: xét tuyển dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024, xét tuyển thẳng, xét học bạ THPT, thi tuyển (thi năng khiếu, thi đánh giá năng lực), kết hợp thi tuyển và xét tuyển.

Trong đó tất cả các phương thức tuyển sinh của nhà trường đều yêu cầu điều kiện về hạnh kiểm và học lực bậc THPT của thí sinh.

Giữa lúc nhiều ĐH tăng học phí, sinh viên 1 trường đi học không mất tiền, lại còn được nhận thêm trợ cấp mỗi tháng, ra trường không lo việc làm- Ảnh 3.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm