Trong báo cáo chiến lược đầu tư tháng 10, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo trong quý III, lợi nhuận của các nhóm ngành sẽ ghi nhận sự cải thiện so với quý II, xu hướng có phần tương đồng với diễn biến phục hồi của các hoạt động kinh tế và thương mại.
Xét về tăng trưởng so với cùng kỳ, các nhóm ngành dầu khí, dược phẩm, công nghệ có thể ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận sau thuế tích cực ở mức hai chữ số trong quý III. Ở chiều ngược lại, các ngành thủy sản, bất động sản, phân bón, bán lẻ, điện sẽ suy giảm lợi nhuận so với cùng kỳ.
VDSC đánh giá, trong quý III, dù tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ cải thiện so với quý trước nhưng mức độ cải thiện vẫn sẽ khá hạn chế. Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế khả năng cao sẽ tích cực hơn trong quý IV do cùng kỳ năm ngoái nhiều nhóm ngành có mức nền lợi nhuận thấp như ngân hàng, thép, hàng tiêu dùng, bất động sản và chứng khoán.
Còn trong báo cáo chiến lược thị trường tháng 10, Chứng khoán VNDirect đã chỉ ra những tín hiệu phục hồi từ xuất khẩu.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng như sơ sợi, gỗ và sản phẩm gỗ, cá tra có kết quả khả quan trọng tháng 8. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số so với tháng trước nhờ nhu cầu phục hồi dần từ thị trường Mỹ cũng như mở rộng thị phần tại thị trường Ấn Độ.
Xuất khẩu sợ sợi ghi nhận tăng trưởng tháng thứ hai liên tiếp so với cùng kỳ khi các thương hiệu thời trang lớn đã tiệu thụ phần lớn hàng tồn kho và bắt đầu nhập sơ sợi để chuẩn bị cho bộ sựu tập mùa xuân.
Còn xuất khẩu cá tra của Việt Nam từ nửa cuối quý III đã ghi nhận tăng trưởng khá ấn tượng. Kim ngạch xuất khẩu trong 3 tuần đầu tháng 9 ghi nhận mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ lần đầu tiên kể từ đầu năm đạt 7% về giá trị và 37% về khối lượng nhờ trợ lực từ hai thị trường chính là Mỹ và Trung Quốc.
Triển vọng quý IV nhóm xuất khẩu
Sang quý IV, VDSC kỳ vọng xuất khẩu cá tra có thể tiếp tục khởi sắc do các thị trường nhập khẩu chính bắt đầu bước vào giai đoạn chuẩn bị cho mùa lễ hội cuối năm, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và mức hàng tồn kho tại các thị trường đã có dấu hiệu hạ nhiệt.
Đối với thị trường Mỹ, kết quả đánh giá đợt xem xét hành chính lần thứ 19 (POR19) đối với cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam với mức thuế chống bán phá giá đã giảm so với kết quả của POR 18 cũng sẽ là một trong những yếu tố thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này.
Hiện nay, thị trường Trung Quốc đang xảy ra tình trạng thiếu cá thịt và cá giống rô phi và được dự kiến tính trạng này sẽ kéo dài đến năm sau, đây cũng sẽ là một yếu tố hỗ trợ cho xuất khẩu cá tra của Việt Nam.
Ngoài ra, theo đơn vị phân tích các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cũng sẽ được hưởng lợi từ đà tăng tỷ giá USD/VND và sự hạ nhiệt của giá thức ăn cho cá trong thời gian gần đây. Nhờ thế, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra có thể ghi nhận được mức tăng trưởng khả quan nhờ vào điều kiện thuận lợi của ngành.
Về xuất khẩu gỗ và sợi, VNDirect cũng kỳ vọng nhóm doanh nghiệp này sẽ có kết quả kinh doanh khả quan hơn trong quý IV.
Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA) kỳ vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 4 tháng cuối năm nay có thể duy trì mức 1,5 tỷ USD/tháng nhờ quý IV thường là mùa cao điểm cho việc sửa nhà và nội thất.
Nhờ thế, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh phục hồi rõ ràng hơn trong quý cuối năm nhờ hàng tồn kho của các nhà bán lẻ nội thất Mỹ đã giảm kể từ tháng 4/2023 và doanh số bất động sản sơ cấp tại Mỹ đang có dấu hiệu phục hồi.
Đồng thời, VNDirect cũng cho rằng việc xuất khẩu sợi tăng tưởng báo hiệu đầu cho việc phục hồi của ngành dệt may do sợi là thượng nguồn của chuỗi giá trị ngành. Nhu cầu cho các mặt hàng ngành dệt may có xu hướng tăng cao vào quý cuối năm để phục vụ cho các dịp lễ, Tết.
Do đó, đơn vị phân tích kỳ vọng hoạt động xuất khẩu các sản phẩm ở khâu thượng nguồn (xơ sợi) sẽ tiếp tục phục hồi trong quý IV. Còn nhu cầu cho các sản phẩm vải và may mặc tại Mỹ sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng kể từ quý I/2024 nhờ bối cảnh kinh tế vĩ mô trở nên tích cực hơn.