Cầu vượt hình chữ Y tại vòng xoay Cây Gõ (Quận 6, TPHCM) là một trong những cầu vượt bằng thép lớn tại TPHCM. Cầu vượt Cây Gõ giải quyết vấn đề giao thông tại nút giao đường 3/2, Hồng Bàng và Hậu Giang...
Nút giao thông vòng xoay Cây Gõ - Phú Lâm là nút giao thông trục chính kết nối từ các tỉnh miền Tây vào trung tâm thành phố, luôn trong tình trạng quá tải về lưu lượng và rất dễ ùn tắc giao thông, nhất là trong giờ cao điểm.
Cầu vượt xây dựng hình chữ Y, gồm nhánh cầu vượt hướng từ đường 3 Tháng 2 đi đường Hồng Bàng dài 234m, rộng 7m và nhánh cầu vượt đi thẳng đường Hồng Bàng dài 303m, rộng 12-15m. Kinh phí xây lắp khoảng 314 tỉ đồng.
Cầu vượt Cây Gõ là cầu thiết kế theo hình dáng chữ Y thứ 2 tại TPHCM, một kiểu thiết kế hiếm thấy tạo nên điểm nhấn độc đáo cho đô thị sôi động bậc nhất cả nước.
"Lúc trước chưa có cầu vượt này, vào giờ cao điểm là dòng người từ phía đường Hậu Giang, Minh Phụng... nhập chung với dòng xe lớn lưu chuyển hành khách, hàng hoá đi các tỉnh miền Tây từ hướng Quận 10, Quận 3, Tân Bình... gây ra ùn ứ", một người chạy xe ôm cho biết.
Cầu Chữ Y cũ được xây dựng vào 1938, hoàn thành sau 3 năm do Công ty Công xưởng và Công trình công chính (Pháp) đảm nhiệm. Cầu được nhiều lần sửa chữa lớn vào các năm 1948, 1957, 1992. Năm 2006, khi xây dựng đại lộ Đông Tây, cầu Chữ Y cũ bị tháo dỡ và xây dựng cầu mới tại vị trí cũ với độ tĩnh không được nâng cao lên gấp đôi. Ba nhánh cầu Chữ Y (nối quận 5 và 8) được mở rộng từ 9 lên 12m giúp giảm ùn tắc trên cầu và các tuyến đường quanh khu vực.
Giữa năm 2017, hai nhánh N1 và N2 cầu Nguyễn Văn Cừ chính thức thông xe sau 7 tháng thi công, giúp giảm ùn tắc giao thông giao lộ Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Cừ. Người dân các Quận 1, 5, 7, 8 có thể phần nào bớt sợ kẹt xe giờ tan tầm khi đi qua cây cầu này.
Hai nhánh N1 và N2 kết nối cầu Nguyễn Văn Cừ với đại lộ Võ Văn Kiệt đi vào hoạt động góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông các khu vực giao lộ giữa đường Võ Văn Kiệt và Trần Hưng Đạo (dưới chân cầu), hiện là một trong 37 điểm nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông của thành phố.
Đứng từ phía đường Võ Văn Kiệt nhìn về Quận 8, các nhánh đường dẫn cầu Nguyễn Văn Cừ tạo thành hình chữ P. Chính cách thiết kế này tạo nên điểm nhấn kiến trúc độc đáo ngay ngã ba Kênh Tẻ. Hai nhánh cầu tạo thuận lợi cho các luồng giao thông lưu thông qua khu vực từ Quận 1, Quận 5 sang Quận7, Quận 8, vùng Nam Sài Gòn và ngược lại, nâng cao năng lực khai thác trục đại lộ Võ Văn Kiệt - hầm Thủ Thiêm và Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức).
Cấu trúc cầu Calmette nhìn như chữ H. Cầu Calmette có chiều dài 300m, rộng 24m, với 6 làn xe, được thiết kế khá đặc biệt, ở giữa là nút giao thông lớn cho các làn xe lên xuống 6 nhánh cầu chính vừa được thông xe.
Riêng 4 nhánh cầu phụ để xe lên xuống Đại lộ Đông-Tây được hoàn thành vào tháng 3 năm 2009.
Việc đưa cầu Calmette vào sử dụng giúp giảm bớt áp lực giao thông trên các tuyến đường trung tâm như Hàm Nghi và Nam Kỳ Khởi Nghĩa, vốn có nhiều xe tải nặng hàng ngày lưu thông qua 2 tuyến đường này và qua 2 cầu tạm trên kênh Bến Nghé để đến các cảng đóng tại Quận 4 và Quận 7.
Đầu năm 2019, khu Quản lý giao thông đô thị số 3 (Sở Giao thông vận tải TPHCM) thông xe nhánh cầu vượt Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn thuộc dự án xây dựng cầu vượt nút giao thông Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn - Phạm Văn Đồng - Hoàng Minh Giám (quận Gò Vấp, TPHCM).
Đây là tổ hợp thiết kế cầu theo chữ N nhìn rất độc đáo, tạo điểm nhấn cho du khách quốc tế khi cầu này nằm ngay sân bay Tân Sơn Nhất .
Dự án xây dựng cầu vượt nút giao thông Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn - Phạm Văn Đồng - Hoàng Minh Giám là cầu vượt bằng thép có dạng hình chữ N với 3 nhánh.
Trong đó, nhánh cầu vượt Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn dài 367,7m, dành cho xe lưu thông 1 chiều hướng đi từ ngã tư Phú Nhuận đến đường Nguyễn Thái Sơn. Trước đó, nhánh cầu vượt hướng Nguyễn Kiệm - Hoàng Minh Giám dài 367,7m và nhánh cầu vượt từ đường Hoàng Minh Giám - Nguyễn Thái Sơn dài 362,8m đã được thông xe đưa vào sử dụng.