Công ty TNHH Một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết lợi nhuận hàng năm của công ty liên tục gia tăng trong giai đoạn 2017 đến nay.
Cụ thể, năm 2017 - năm đầu tiên triển khai hoạt động mua bán nợ theo giá trị thị trường (GTTT), lợi nhuận của VAMC mới đạt 16 tỷ đồng. Đến năm 2022 lợi nhuận của VAMC đạt 165 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ trong vòng 6 năm, lợi nhuận của VAMC đã tăng 10 lần dù phải trải qua giai đoạn chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Nguồn thu chính đến từ hoạt động mua bán nợ theo giá trị thị trường
Theo VAMC, nếu trước đây nguồn thu chủ yếu đến từ số tiền được hưởng trên các khoản nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt, thì hiện nay nguồn thu chính của công ty đến từ kết quả của hoạt động mua bán nợ theo giá trị thị trường.
Từ năm 2017 đến nay, doanh thu hàng năm của công ty đều đạt trên 2.000 tỷ đồng, gấp hàng chục lần so với giai đoạn trước. Trong đó, năm 2021, doanh thu đạt hơn 3.000 tỷ đồng.
Với kết quả kinh doanh từ khi triển khai hoạt động mua bán nợ theo giá trị thị trường nêu trên, từ năm 2017 tình hình tài chính của công ty cũng có sự thay đổi căn bản.
Thay vì chỉ có nguồn thu từ phí quản lý, thu hồi nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt và không có lợi nhuận trong giai đoạn 2016 trở về trước thì từ năm 2017, VAMC đã cân đối được thu chi và có lợi nhuận ngày càng cao thông qua hoạt động mua bán nợ theo giá trị thị trường, đảm bảo thực hiện triệt để nguyên tắc không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu.
Bên cạnh đó, thu nhập của cán bộ, người lao động của công ty cũng được cải thiện đáng kể.
Có thể nói, hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu của VAMC trong 10 năm qua đã có những thay đổi căn bản từ chỉ tập trung vào phát hành trái phiếu đặc biệt để mua bán, xử lý nợ trong giai đoạn đầu mới thành lập thì từ năm 2017 đã chuyển trọng tâm sang mua bán, xử lý nợ theo cơ chế thị trường.
Lũy kế từ năm 2017 đến nay, VAMC đã thực hiện mua nợ theo giá trị thị trường với tổng giá mua đạt gần 13.000 tỷ đồng và đã thu hồi nợ được khoảng 9.700 tỷ đồng.