Từ khi còn trẻ, chị Nguyễn Thị Anh Thư (33 tuổi) đã luôn mong muốn có thể trở thành hình mẫu cho thế hệ trẻ và các chị em phụ nữ khác. Đó cũng là lý do chị quyết tâm hiện thực hóa ước mơ thành lập một công ty, một thương hiệu thời trang tôn vinh nét đẹp và dành riêng cho phái đẹp. Các mục tiêu kinh doanh, phát triển sự nghiệp cá nhân của Anh Thư từ nhiều năm trước đến nay cũng luôn gắn liền với lý tưởng to lớn này.
Vượt ngưỡng "an toàn"
Trước khi khởi nghiệp và thành lập nên LMcation, Nguyễn Thị Anh Thư có 11 năm kinh nghiệm ở vị trí marketing và bán hàng tại các công ty đa quốc gia như Mỹ, châu Âu và Đông Nam Á. Mức lương của chị thời điểm đó vượt ngưỡng 5.000 USD.
Dù có gia đình hạnh phúc cùng chồng ngoại quốc, công việc ổn định với mức lương trăm triệu đồng, song Anh Thư vẫn luôn cảm thấy những thứ hiện hữu vẫn là chưa đủ. Mong muốn của chị trong việc tạo nên những giá trị to lớn cho người phụ nữ vẫn chưa được hiện thực hóa. Tất cả vẫn chỉ dừng lại ở dự định và những gạch đầu dòng trong bản kế hoạch được chị phát thảo trên giấy từ thời đại học.
Từ khi còn trẻ Anh Thư đã muốn sống độc lập, tự chủ và làm điều mình thích. Song gánh nặng gia đình và cuộc sống đôi khi khiến không ít chị em phải từ bỏ ước mơ, lý tưởng. Nữ CEO 8x cho rằng mỗi người đều có quyền được theo đuổi và làm điều mình thích.
Với Anh Thư, trao quyền cho phái yếu và tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên từ bên trong là điều cô luôn muốn lan tỏa đến các chị em phụ nữ Việt - những người vì gắn liền với cơm, áo, gạo, tiền mà vô tình quên mất bản thân cũng có thể trở nên xinh đẹp theo cách riêng.
Đến giữa năm 2019, chị quyết định bước ra khỏi vòng an toàn, lựa chọn khởi nghiệp và thành lập thương hiệu thời trang tôn vinh phái đẹp - LMcation. Đầu năm 2020, website của thương hiệu được chính thức đưa vào hoạt động. Thời điểm những đơn hàng đầu tiên được chốt cũng là lúc dịch Covid-19 nhen nhóm với số ca rải rác trên cả nước.
Lúc đó, chồng chị, cũng là một doanh nhân người nước ngoài, không thể về nước do các lệnh cách ly, hạn chế xuất nhập cảnh. Anh Thư mới cảm nhận sâu sắc cảnh tượng "một mình" đúng nghĩa. Chị phải tự lên kế hoạch và làm mọi thứ. Toàn bộ quá trình chuẩn bị ra mắt thương hiệu đều được chị giấu kín, kể cả với chồng, cho đến khi có những đơn hàng đầu tiên.
Sau khi biết vợ mình đã "tự lực cánh sinh", thành lập nên một thương hiệu thời trang tôn vinh phái yếu, chồng Anh Thư thấy tự hào và ủng hộ cô hết mình. Từ những bước đi "một mình" đầu tiên, Anh Thư đã "lấp đầy" cuộc sống với đam mê, nhiệt huyết, biết cách trân quý bản thân cũng như những chị em phụ nữ khác.
Lấp đầy đam mê bằng lý tưởng
Quyết định bước ra khỏi vùng an toàn để khởi nghiệp với rất nhiều khó khăn nhưng Nguyễn Thị Anh Thư chưa từng than thở hay tìm sự hỗ trợ từ người thân. Chị không muốn quyết định trong công việc bị tác động bởi người thân hay khiến họ phiền lòng nếu gặp phải trở ngại.
Đồng thời, Thư cũng không muốn dành thời gian giải thích, biện hộ cho những lựa chọn, quyết định trong cuộc sống. Thay vào đó, nữ CEO dùng hành động chứng minh cho người thân thấy mình luôn sẵn sàng cho con đường phía trước.
Ngoài là thành tựu chứng minh năng lực bản thân, LMcation còn là nơi Anh Thư hiện thực hóa ước mơ đoàn kết, nâng đỡ phái yếu, những chị em phụ nữ kém may mắn trong cuộc sống. Bên cạnh đội ngũ thợ may lành nghề, chị còn tạo điều kiện, tuyển dụng những nhân công nữ khiếm khuyết về ngoại hình hoặc bằng cấp.
Năng suất, chất lượng thành phẩm do các chị em phái yếu gia công hầu hết đều không bằng những thợ nữ bình thường. Song Anh Thư vẫn kiên quyết xây dựng nên đội ngũ nhân công đặc biệt này vì muốn giúp họ có công việc ổn định, trang trải chi phí và có cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc hơn.
Nữ CEO cùng các cộng sự dành thời gian đào tạo chuyên môn, giúp họ luyện tập. Chị còn tổ chức những buổi trò chuyện chuyên sâu, giúp họ vượt qua chướng ngại tâm lý... Tất cả đều hướng đến mục tiêu cuối cùng là tôn vinh phái đẹp, dù họ là ai, ngoại hình ra sao, ở bất cứ độ tuổi nào.
Phái đẹp nhưng không "yếu"
Bên cạnh những may mắn, thuận lợi, nữ CEO 33 tuổi nhận định dù làm công ăn lương hay tự khởi nghiệp, mở công ty, đều có những khó khăn, thách thức riêng. "Nhất là khi đến nay định kiến giới và những đánh giá thiếu công bằng về đối tác nữ vẫn còn hiện hữu chứ chưa hoàn toàn bị xóa bỏ. Người phụ nữ vẫn đang bước đi trên con đường gầy dựng sự nghiệp không bằng phẳng", chị nói.
Theo Anh Thư, phái đẹp khi bước vào môi trường kinh doanh luôn phải nỗ lực và cố gắng rất nhiều để có thể đứng vững, chứng minh bản lĩnh và được công nhận. Là nhà sáng lập duy nhất của thương hiệu, chị luôn tự nhủ bản thân phải cứng rắn và kiên định, quyết tâm theo đuổi ước mơ, mục tiêu đến cùng, mới mong có được lòng tin của đối tác, nhà đầu tư, cổ đông, các cộng sự và người tiêu dùng.
Sự đa dạng, linh hoạt về kích cỡ, họa tiết, mẫu mã, chất liệu lẫn công dụng là ưu điểm mà nữ CEO tự tin có thể giúp thương hiệu ngày càng vươn xa, chạm đến những thị trường quốc tế rộng lớn hơn trong tương lai, thông qua đó, tiếp tục tạo điều kiện phát triển cho những người phụ nữ yếu thế trong cộng đồng.
Tính đến nay, Anh Thư đã thành công gắn kết gần 100 chị em, giúp họ có việc làm, thu nhập ổn định. Toàn bộ nhân công trong xưởng may đều là nữ. Trong tổng số 16 thợ, có 4 người khiếm khuyết ngoại hình, 3 người thuộc nhóm yếu thế, 9 thợ chính còn lại đều có chuyên môn và tay nghề cao, phụ trách hướng dẫn và hỗ trợ những chị em khác. Dù thuộc nhóm nào, tất cả chị em trong công ty đều được Anh Thư nâng đỡ và hỗ trợ hết mình cả về tinh thần lẫn kỹ năng nghề nghiệp.