Bất động sản

Loạt địa phương trả lại hàng trăm hồ sơ nhà đất vì khai không đúng giá thị trường

Trả lại hàng trăm hồ sơ nhà đất khai gian để trốn thuế

Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Long An thông tin, từ đầu năm đến nay, các chi cục thuế trực thuộc Cục Thuế tỉnh này đã trả lại và yêu cầu điều chỉnh nâng giá đúng với thực tế giao dịch đối với hàng trăm hồ sơ nhà đất. Cụ thể, có tới 473 hồ sơ đã được người nộp thuế tự điều chỉnh giá giao dịch phù hợp, tăng thu thuế nộp ngân sách được hơn 2,1 tỷ đồng.

Trước tình trạng này, Cục Thuế Long An đã chỉ đạo các bộ phận xử lý tại các chi cục thuế trên địa bàn tỉnh kiểm tra về lịch sử chuyển nhượng tại thửa đất trong hồ sơ, đối chiếu, so sánh với các hồ sơ khác tại các thửa liền kề hoặc thửa có điều kiện gần giống nhau,…để xác định tương đối giá đất giao dịch thực tế, nhất là những khu vực đất tại vị trí đắc địa. Để từ đó, các chi cục thuế sẽ yêu cầu người nộp thuế khai nhận trung thực để được thông qua.

Loạt địa phương trả lại hàng trăm hồ sơ nhà đất vì khai không đúng giá thị trường - Ảnh 1.

Từ đầu năm đến nay, ngành thuế tỉnh Long An đã trả lại gần 500 hồ sơ nhà đất, do người nộp thuế khai gian giá nhà đất theo hướng giảm đi nhiều lần để trốn thuế.

Theo lãnh đạo Cục Thuế Long An, việc kiểm tra những hồ sơ "nghi ngờ" có dấu hiệu trốn thuế là để đảm bảo quyền lợi, công bằng cho người dân, doanh nghiệp. Và hầu hết những hồ sơ bị trả lại đều đã được người dân khai điều chỉnh.

Do đó, mặc dù có hàng trăm hồ sơ bị phát hiện có hành vi trốn thuế nhưng đến nay, đơn vị này vẫn chưa phạt hành chính hay chuyển hồ sơ sang cơ quan khác có thẩm quyền điều tra. Ngoài ra, chính quyền tỉnh Long An còn đang đẩy mạnh việc yêu cầu người nộp thuế thực hiện hóa đơn điện tử theo quy định từ ngày 1/4, để chống thất thu về kinh doanh bất động sản (BĐS), thương mại và điện tử.

Không chỉ Long An, mới đây Cục Thuế tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu cũng cho biết, từ cuối tháng 2/2022 đến nửa đầu tháng 3/2022, ngành thuế tỉnh này đã trả lại hơn 1.200 hồ sơ sang nhượng, chuyển nhượng BĐS vì có dấu hiệu khai thấp hơn nhiều so với giá thực tế. Trong đó, có 155 hồ sơ kê khai, điều chỉnh bổ sung và nộp lại cơ quan thuế.

Đáng chú ý, những hồ sơ nộp lại, khai lại giá trị chuyển nhượng đất tăng từ 2-5 lần so với khai lần đầu. Cá biệt có hồ sơ tăng đến 20 lần, như trường hợp chuyển nhượng đất tại huyện Đất Đỏ từ 500 triệu đồng khai ban đầu đã vọt lên 10 tỷ đồng. Ngoài ra có những hồ sơ ban đầu khai 400 triệu nhưng sau đó khai lại lên 3,5 tỷ đồng; khai 1,5 tỷ kê khai lại thành 9,3 tỷ đồng,…

Nhờ việc “siết” khai BĐS hai giá, mà số tiền thuế thu được tăng thêm đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS trong thời gian này là hơn 3 tỷ đồng.

Cần có bảng giá đất sát với giá thị trường để chống thất thu thuế

Bà Lý Thị Hoài Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá nhân (Tổng cục Thuế) cho rằng, việc quản lý hoạt động chuyển nhượng BĐS hiện nay gặp nhiều khó khăn, do liên quan đến rất nhiều Luật cũng như nhiều cơ quan ban ngành và đặc biệt là ý thức tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế của người dân chưa cao.

Bà Hương phân tích, cơ quan quản lý thuế đang gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý hoạt động chuyển nhượng BĐS, bởi theo quy định pháp luật về thuế, người nộp thuế kê khai, nộp thuế không đúng với giá thực tế chuyển nhượng thì cơ quan thuế có quyền ấn định thuế. Tuy nhiên, cơ quan thuế không có chức năng điều tra nên việc thu thập thông tin làm căn cứ ấn định thuế gặp nhiều khó khăn.

Đồng thời, quy định về thời hạn liên thông giải quyết thủ tục hành chính, đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS đối với cơ quan thuế là 5 ngày làm việc. Trong khi hồ sơ đến cơ quan thuế thường sát ngày hẹn trả kết quả hoặc chậm dẫn đến áp lực rất lớn về thời gian trả kết quả xác định nghĩa vụ tài chính về đất. Đặc biệt, các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chưa quy định cơ chế kiểm soát dòng tiền đối với các giao dịch chuyển nhượng BĐS, nên sẽ tạo khoảng trống pháp lý để các tổ chức cá nhân, kê khai nộp thuế thấp hơn giá trị giao dịch thực tế.

Loạt địa phương trả lại hàng trăm hồ sơ nhà đất vì khai không đúng giá thị trường - Ảnh 2.

Theo các chuyên gia, để giảm thiểu việc mua bán nhà hai giá, cần đưa giá đất tại khung và bảng giá đất do nhà nước và địa phương quy định sát với giá thị trường.


Do đó, để đảm bảo công bằng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế, tránh thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh BĐS, Tổng cục Thuế đang nghiên cứu, tham mưu với các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật về thuế liên quan đến căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ngoài ra, ngành thuế sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan trong quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS, đề xuất UBND tỉnh, TP xây dựng Đề án chống thất thu đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS và chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tham mưu, báo cáo UBND tỉnh, thành phố xây dựng Bảng giá đất sát với giá đất phổ biến trên thị trường.

Còn PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Phó Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, để giảm thiểu việc mua bán nhà hai giá, cần đưa giá đất tại khung và bảng giá đất do nhà nước và địa phương quy định tiệm cận với giá thị trường thông qua một cơ chế tổ chức Hội đồng định giá đất độc lập tại các địa phương.

Bởi vì, khi giá đất theo quy định của nhà nước dùng để tính thuế cũng ngang với giá thị trường thì không cần phải theo dõi, điều tra, giám sát, cứ mua bán đất qua hợp đồng công chứng, sang tên là mặc nhiên nộp thuế đúng, đủ. Tuy nhiên, việc này còn phải dài hạn mới làm được…

Cùng chuyên mục

Đọc thêm