Yasser Elabd - một cựu quản lý tại Microsoft tố cáo công ty này chi hàng trăm triệu USD mỗi năm để đút lót giành hợp đồng tại nước ngoài, trong đó đáng kể nhất là tại Trung Đông và châu Phi.
Từ năm 2016, Yasser Elabd nhận thấy giao dịch 40.000 USD từ Microsoft cho một khách hàng tại châu Phi có dấu hiệu bất thường. Khoản tiền đến từ quỹ đầu tư của Microsoft, về cơ bản dùng để "củng cố các giao dịch dài hạn" ở Trung Đông và châu Phi. Ông nghi ngờ đó là khoản hối lộ chứ không phải giao dịch bình thường. Sau khi Elabd bày tỏ ý kiến, giao dịch đã bị hủy bỏ.
Trong 2 năm tiếp theo, Elabd tiếp tục tìm hiểu và chặn đứng các khoản hối lộ âm thầm. Hành động này khiến Elabd trở thành cái gai trong mắt đồng nghiệp.
Microsoft bị tố hối lộ hàng trăm triệu USD mỗi năm. Ảnh minh họa
Elabd ước tính hãng công nghệ Mỹ chi 200 triệu USD mỗi năm để hối lộ và ăn chia hoa hồng, người nhận tiền gồm các quan chức chính phủ tại Ghana, Nigeria, Zimbabwe, Qatar và Saudi Arabia.
Là giám đốc phụ trách các thị trường mới nổi tại Trung Đông và châu Phi từ năm 1998-2018, Elabd chứng kiến nhiều giao dịch bất thường. Ông khẳng định một đối tác thuộc Bộ Nội vụ Saudi Arabia nhận khoản chiết khấu 13,6 triệu USD để mua phần mềm của Microsoft, nhưng khoản tiền chưa bao giờ đến tay khách hàng cuối.
Một trường hợp khác, Bộ Giáo dục Qatar đã chi 9,5 triệu USD/năm để mua bản quyền Office và Windows nhưng không sử dụng. Năm 2015, một quan chức tại Nigeria phàn nàn chính phủ đã trả 5,5 triệu USD bản quyền cho các phần cứng mà họ không sở hữu.
Tại chi nhánh từng làm việc, Elabd cáo buộc hơn một nửa nhân viên bán hàng và quản lý tham gia các vụ hối lộ. Bằng nhiều cách khác nhau, số tiền lọt khỏi quy trình ký hợp đồng, trở thành khoản ăn chia giữa chính phủ, đối tác và nhân viên của Microsoft.
Elabd cho rằng những nỗ lực cảnh báo tới lãnh đạo công ty khiến ông bị một quản lý khác la mắng và gạt khỏi một số giao dịch nhất định. Cuối cùng, một giám đốc điều hành bước đến và nói sự nghiệp của ông tại Microsoft đã hết khi cố gắng lôi kéo cả CEO Satya Nadella vào vụ việc này.
Sau khi bị sa thải, Elabd đã mang tài liệu tới tố giác tại các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, ông cho biết Bộ Tư pháp (DoJ) đã từ chối tiếp nhận, trong khi Uỷ ban chứng khoán và giao dịch (SEC) cũng ngừng điều tra vụ việc đầu tháng này do thiếu nguồn lực.
Khi nhìn lại quá khứ, Elabd nói rằng Microsoft đã không quyết liệt, thậm chí cố tình phớt lờ để các khoản hối lộ diễn ra êm đẹp.
Về khoản giao dịch 46.000 USD đến châu Phi năm 2016, Elabd phát hiện người nhận thực chất là một cựu nhân viên Microsoft, bị chấm dứt hợp đồng do hiệu quả công việc kém.
Trả lời trang The Verge về những thông tin liên quan cáo buộc của người cựu nhân viên quản lý này, Phó chủ tịch Microsoft Becky Lenaburg cho biết họ luôn cam kết kinh doanh có trách nhiệm và luôn khuyến khích mọi người báo cáo về tất cả những điều có thể vi phạm luật pháp, chính sách công ty cũng như những tiêu chuẩn đạo đức doanh nghiệp.
"Chúng tôi tin là đã điều tra về những cáo buộc này, những điều xảy ra từ nhiều năm trước, và đã giải quyết chúng rồi. Chúng tôi hợp tác với các cơ quan chính phủ để giải quyết mọi vấn đề khúc mắc", bà Becky nói.