Sứa Turritopsis dohrnii rất nhỏ, gần bằng kích thước của móng tay út và có khả năng tái sinh đầy kinh ngạc. Loài vật bắt đầu cuộc sống của mình như một polyp vô tính và sau đó phát triển thành dạng medusa trưởng thành - một cái tên xuất phát từ cách loài sứa trưởng thành trông hơi giống quái vật Medusa với mái tóc màu rắn trong thần thoại Hy Lạp..
Điều này khác biệt hoàn toàn với loài sức thông thường, khi một cá thể có thể nở ra từ một quả trứng được thụ tinh với tinh trùng, tạo thành hợp tử. Nó phát triển thành ấu trùng và trôi dạt trước khi bám vào đáy biển và phát triển thành polyp. Sau đó, nó sinh sản vô tính và giải phóng rất nhiều con sứa nhỏ ra khỏi cơ thể, vốn sẽ phát triển thành con trưởng thành và đối mặt cái chết sau một khoảng thời gian.
Với loài sứa bất tử Turritopsis dohrnii, chúng cũng trải qua những bước ban đầu tương tự, nhưng khi đến lúc chết, con trưởng thành lại làm một điều rất kỳ dị. Thay vì chết, nó đảo ngược vòng đời, co lại tạo thành một khối cầu "cysto" bám vào đáy biển và phát triển thành một polyp mới. Polyp này sau đó tạo ra những con sứa nhỏ, giống như một chu kỳ lặp đi lặp lại.
Bộ gen của loài sứa bất tử đã được giải mã trong một nghiên cứu vào năm 2022 liên quan đến việc đọc từng gen vật liệu di truyền của loại sứa này, giống như một cuốn sách hướng dẫn khổng lồ. Bằng cách sử dụng các công cụ tin sinh học khác nhau và so sánh bộ gen, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một số biến thể trong gen góp phần kéo dài tuổi thọ và khả năng tái sinh của loài sứa bất tử.
Theo đó, những biến thể này tập trung vào khả năng sửa chữa và sao chép ADN, đổi mới quần thể tế bào gốc, giao tiếp giữa tế bào với tế bào và tổn thương tế bào do oxy hóa, cũng như duy trì telomere - đầu nhiễm sắc thể có thể bị bong ra khi động vật già đi. Đây là tất cả các quá trình có liên quan đến tuổi thọ và sự lão hóa một cách khỏe mạnh ở con người. Họ cũng xác định được một loạt thay đổi trong biểu hiện gen – thông qua một quá trình được gọi là sự khác biệt hóa – cho phép loài sứa thiết lập lại đồng hồ sinh học của nó.
Tuy nhiên, bất chấp tất cả những đặc điểm di truyền cực kỳ đặc biệt, ngay cả T. dohrnii cũng không sống mãi. Trên thực tế, loài sứa này có tuổi thọ ngắn hơn nhiều so với con người bình thường, khi không có một cơ chế sinh học nào có thế giúp chúng tránh trở thành bữa ăn của những sinh vật lớn hơn trong đại dương như rùa.
Cũng phải nói thêm, mặc dù loài sứa bất tử chắc chắn nắm giữ nhiều bí quyết chống lão hóa, nhưng con người chắc chắn không thể áp dụng điều tương tự ở bản thân chúng ta.
"Thật không may, đó là vì cơ thể con người không thể tái tạo những gì loài sứa này làm", Daniel Maeso Miguel và Maria Pascual Torner, tác giả của nghiên cứu cho biết.
"sẽ không có sự sống nếu không có cái chết. Rằng mọi hệ thống, giống như loài người hay cơ thể của chúng ta, đều cần cái chết của một số bộ phận để duy trì sự cân bằng và tồn tại."
Tham khảo IFL Science