Hiện nay, trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM có hiện tượng xe đạp ngang nhiên vượt đèn đỏ, dàn hàng ngang, chạy ngược chiều… khiến giao thông rối loạn. Lực lượng CSGT ở TP.HCM đã tiến hành kiểm tra và xử phạt nhiều trường hợp vi phạm.
Xe đạp chạy dàn ngang, vượt đèn đỏ
Theo ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM những ngày gần đây, khoảng 6 giờ sáng, trên đường Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh) tập trung rất nhiều người chạy xe đạp tập thể dục. Đa phần người chạy xe đạp đi theo nhóm 5-10 người. Do mật độ xe lưu thông thời điểm này chưa cao nên người chạy xe đạp thản nhiên lấn làn, dàn hàng ngang, vượt đèn đỏ… Những hành vi này đã cản trở các phương tiện giao thông khác và gây tiềm ẩn mất an toàn giao thông.
Ông Nguyễn Văn Sáng, người dân khu vực, cho hay: “Tôi thấy xe đạp vượt đèn đỏ là một hành động rất nguy hiểm, nhất là trên đường này khi vắng thì xe máy, ô tô chạy rất nhanh”.
Nhiều người chạy xe đạp dàn hàng ngang và vượt đèn đỏ. Ảnh: N.NGỌC
Tương tự, trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) khoảng 6 giờ 30, nhiều người chạy xe đạp ngược chiều và luồn lách vào các làn đường lớn để di chuyển. Nhiều người còn leo lên vỉa hè để dễ dàng di chuyển.
“Tôi nghĩ chạy xe đạp là hoạt động tốt cho sức khỏe. Thế nhưng người chạy xe đạp cũng cần phải có ý thức khi tham gia giao thông” - bà Như, người dân quận Tân Bình, cho biết.
Tuyến đường Nguyễn Văn Linh - Võ Chí Công (nối TP Thủ Đức - quận 7 - huyện Bình Chánh) cũng là tuyến đường quen thuộc đối với người mê đạp xe. Nếu đi dọc theo đường này, người dân dễ dàng bắt gặp hình ảnh người chạy xe đạp len lỏi giữa dòng xe container vô cùng nguy hiểm. Tình trạng này cũng xuất hiện nhiều trên các trục đường Võ Nguyên Giáp, Xa lộ Hà Nội.
Đã xử phạt nhiều trường hợp
Ông Nguyễn Duy Linh, người chuyên chạy xe đạp ở TP Thủ Đức, cho biết chạy xe đạp không đơn thuần là tập thể dục mà cần phải chấp hành luật giao thông. Từ đó xây dựng hình ảnh văn minh cho những người chạy xe đạp, mê thể dục thể thao.
"Thứ nhất, phải có sự chuyên tâm và để làm điều này thì chúng tôi chỉ đi hàng một, không đi song song để nói chuyện. Thứ hai, tuân thủ các quy định của luật giao thông, không đi vào đường cấm, không vượt đèn đỏ" - ông Linh cho biết.
“Hiện có một số người chạy xe đạp chủ quan rằng xe đạp xưa giờ không ai xử phạt nên vô tư chạy vào làn ô tô. Cũng nhiều người cho rằng xe đạp không có giấy tờ nên vô tư chạy bất chấp đèn tín hiệu giao thông…” - ông Linh nói.
Lực lượng CSGT TP.HCM vẫn đang tiếp tục ra quân tuyên truyền vào 5 giờ hằng ngày.
Ông Nguyễn Phi Lân, người chuyên chạy xe đạp tập thể dục, cho biết đạp xe cá nhân hay hội nhóm cũng phải có nguyên tắc. Đó là phải đội nón bảo hiểm, đi xe đúng luật, đúng tốc độ, không vượt đèn đỏ… Nếu đạp xe theo hội nhóm thì phải bảo đảm tuân thủ luật lệ của hội nhóm, cùng đi cùng về và cũng không vượt qua người dẫn đầu.
“Một số ít người chạy đường trường muốn đi tốc độ cao nên sẵn sàng phi vào làn ô tô. Điều này là vô cùng nguy hiểm, và cũng làm mất hình ảnh của người mê chạy xe đạp. Chúng tôi mong rằng lực lượng CSGT cần mạnh tay xử phạt những trường hợp không tuân thủ luật giao thông” - ông Lân nói.
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TP.HCM, cho biết thời gian qua đơn vị đã xử lý 20 trường hợp chạy xe đạp vi phạm luật giao thông.
Tại các buổi kiểm tra, xử lý, lực lượng CSGT cũng tiến hành tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn, phát tờ rơi hàng trăm trường hợp người dân chạy xe đạp tập thể dục buổi sáng để tuân thủ luật giao thông. Lực lượng CSGT TP.HCM vẫn đang tiếp tục ra quân tuyên truyền vào 5 giờ hằng ngày. Đồng thời cũng quyết liệt kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.
“Sau khi lực lượng CSGT ra quân và xử lý… tình trạng chạy xe đạp vi phạm luật giao thông đã giảm hẳn so với trước. PC08 sẽ tiếp tục ra quân, kiểm tra và xử lý để chấn chỉnh tình trạng này nhằm mang lại diện mạo đô thị văn minh, hiện đại hơn” - ông Bình nói.
Các quy định xử phạt đối với xe đạp vi phạm CSGT TP.HCM xử phạt một trường hợp chạy xe đạp vi phạm luật giao thông. Ảnh: N.NGỌC Luật sư Đặng Thành Trí, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết Điều 8 Nghị định 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có quy định về mức xử phạt đối với người chạy xe đạp vi phạm. Trong đó, người điều khiển xe đạp, xe máy, xe thô sơ khác có hành vi vượt đèn đỏ hoặc không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng. Khoản 3 Điều 8 Nghị định 100/2019 quy định mức xử phạt từ 300.000 đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi như đi vào khu vực cấm, đường có biển báo nội dung cấm đi vào đối với loại xe đang điều khiển; đi ngược chiều của đường một chiều, đường có biển “Cấm đi ngược chiều”. Trường hợp điều khiển xe đạp vượt đèn đỏ hoặc đi ngược chiều, lấn làn gây tai nạn thì phải chịu trách nhiệm hành chính về hành vi vi phạm trong khi tham gia giao thông. Trường hợp gây tai nạn giao thông dẫn đến chết người hoặc gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe nghiêm trọng từ 61% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 260 BLHS năm 2015. |