Tài chính

Lo sợ vượt trần, nhiều ngân hàng "phanh" tín dụng vào bất động sản

Không cấp tín dụng cho bất động sản

Ngân hàng Sacombank vừa có văn bản yêu cầu giám đốc khu vực, giám đốc chi nhánh và trưởng phòng giao dịch triển khai và điều hành hoạt động cho vay tại đơn vị với nhiều nội dung.

Theo đó, Sacombank sẽ tập trung cấp tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất, trong đó ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng cao như xuất khẩu, dịch vụ, logistic…

Riêng đối với lĩnh vực bất động sản, Sacombank sẽ không cấp tín dụng cho khách hàng mới kể từ ngày 23/3 đến hết ngày 30/6/2022. Đáng chú ý, qui định này không áp dụng đối với cán bộ nhân viên và người thân mua, xây, sửa bất động sản để ở.

Lý giải về quyết định này, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm,Tổng giám đốc Sacombank cho biết, mỗi ngân hàng có một chiến lược cho vay riêng. Hiện tại, tỷ lệ tăng trưởng cho vay bất động sản đối với khách hàng cá nhân tại Sacombank cũng nhiều rồi nên trong giai đoạn này, ngân hàng không muốn cho vay bất động sản nữa mà tập trung cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, đối với các hợp đồng tín dụng mà ngân hàng đã phê duyệt thì Sacombank vẫn thực hiện giải ngân như bình thường.

Mặt khác, hạn mức tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước giao cho các ngân hàng mới chỉ là tạm giao. Trong khi đó, mới gần kết thúc quý 1/2022 mà tín dụng đã tăng gần bằng room tín dụng Ngân hàng Nhà nước giao, do đó việc kiểm soát chặt tín dụng là điều cần thiết.

Không chỉ Sacombank, Techcombank cũng có thông báo từ bộ phận Phát triển giải pháp cho vay thế chấp với các đơn vị kinh doanh của ngân hàng này về việc kiểm soát hạn mức giải ngân đối với các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và thứ cấp mua bất động sản.

Trong thông báo của Techcombank cũng nêu rõ: “Tạm dừng giải ngân các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và vay thứ cấp mua bất động sản (gồm chưa/đã có giấy chứng nhận) kể từ ngày 25/3/2022”.

 Lo sợ vượt trần, nhiều ngân hàng phanh tín dụng vào bất động sản  - Ảnh 1.

Thị trường bất động sản đi lên bao giờ cũng mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng.


Theo báo cáo của SSI Research, hạn mức tín dụng ban đầu được cấp cho năm 2022 dao động trong khoảng 7-15% và cao hơn hạn mức năm 2021 ở hầu hết các ngân hàng. Do đó, các chuyên gia kinh tế tại SSI Research cho rằng, tăng trưởng tín dụng năm 2022 của các ngân hàng sẽ duy trì ở mức tương đối cao. Hầu hết các ngân hàng đều dự kiến tăng vốn điều lệ từ 15-35% trong năm 2022 được thực hiện thông qua hình thức chia cổ tức, chia thưởng bằng cổ phiếu.

Núp bóng bằng tín dụng bán lẻ

Theo nhận định của các chuyên gia, bất động sản và ngân hàng có mối quan hệ khăng khít. Thị trường bất động sản đi lên bao giờ cũng mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng, gồm mảng cho vay bán lẻ (nhất là cho vay mua nhà, sửa nhà) tăng mạnh; thu hồi nợ tốt (chủ yếu là bán tài sản bất động sản)…

Đáng chú ý, tín dụng cho vay bất động sản tại các ngân hàng đang tăng mạnh. Điển hình tại TPBank, tính đến ngày 31/12/2021 số dư cho vay kinh doanh bất động sản đạt hơn 9.762 tỷ đồng, tăng 6,91%. Nếu tính gộp cả dư nợ trong lĩnh vực xây dựng, tổng dư nợ cho vay liên quan bất động sản của TPBank đến hết năm 2021 có thể lên tới hơn 17.527 tỷ đồng.

Tại Techcombank, tính đến thời điểm 31/12/2021, dư nợ cho vay doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng đạt hơn 108.000 tỷ đồng, trong đó cho vay bất động sản đạt 95.912 tỷ đồng, tăng 27,61%.

 Lo sợ vượt trần, nhiều ngân hàng phanh tín dụng vào bất động sản  - Ảnh 2.

Một số ngân hàng đang lách tín dụng vào bất động sản bằng chiêu “tín dụng bán lẻ”.


Đáng chú ý, dù cơ cấu cho vay kinh doanh bất động sản chỉ chiếm 10-15% trong tổng danh mục cho vay của các ngân hàng, nhưng nếu bóc tách tín dụng bán lẻ, tín dụng tiêu dùng, tín dụng cho vay hộ cá nhân… thì tín dụng cho vay bán lẻ tại nhiều ngân hàng lên tới 75-80%. Trên thực tế, “tín dụng bán lẻ” mà các ngân hàng đưa ra, thực tế chủ yếu là cho vay mua nhà, mua đất.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng bất động sản hiện chiếm khoảng 18-20% trong tổng dư nợ nền kinh tế. Con số này tương đương với quy mô khoảng 600.000-670.000 tỷ đồng. Trong cơ cấu tín dụng bất động sản, cho vay mua bất động sản để sử dụng chiếm 68%, còn lại là kinh doanh bất động sản. Ngân hàng Nhà nước mới đây cũng công bố, tính đến tháng 11/2021, tăng trưởng tín dụng bất động sản tăng 12% so với năm 2020. Ngân hàng nhà nước đã có chỉ đạo kiểm soát chặt tín dụng bất động sản, vào những khách hàng lớn, dự án lớn, các dự án BOT, BT giao thông.

Trong năm 2022, Ngân hàng nhà nước sẽ hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, hạn chế tín dụng đen. Với lĩnh vực bất động sản, ngân hàng tạo điều kiện cho bất động sản nhà ở, tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu thực, chính đáng, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ bất động sản đầu cơ, dự án lớn có hệ số rủi ro cao.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm