Cách đây vài năm, Kiên Nguyễn (Ninh Bình) bắt đầu mang kiến về nhà nuôi trước sự ngạc nhiên của người thân vì đây không phải là loại thú cưng thông dụng, cũng như chẳng có gì để ngắm nghía ở những sinh vật quá bé nhỏ. Bỏ qua mọi lời bình luận, Kiên tiếp tục đam mê khám phá thiên nhiên và dần tìm được cách để “chiều chuộng” các vật nuôi của mình.
Kiên mày mò làm bể nuôi, thiết kế đường đi lối lại và nơi làm tổ cho kiến cư ngụ, đẻ trứng và phát triển thành đàn. Kiên không nghĩ rằng đến một ngày sẽ có hẳn một hội những người nuôi kiến ở Việt Nam, và trong đó, Kiên là một thành viên khá tích cực, thậm chí còn có thu nhập từ thú vui này.
Kiên Nguyễn và thú vui nuôi kiến. Ảnh: NVCC
Từ đam mê đến kinh doanh là chuyện nhỏ
Kiên thường được những người nuôi kiến trên mạng xã hội gọi với biệt danh Kiên Kiến vì biết rõ gia tài của Kiên là rất nhiều kiến giống cũng như kinh nghiệm chơi kiến dày dặn tích lũy qua nhiều năm.
Để có thể nuôi kiến làm cảnh, người chơi như Kiên cần phải có tank (bể nuôi kiến). Tank có thể được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như kính, mica hoặc bê tông khí chưng áp. Mỗi loại sẽ có ưu nhược điểm khác nhau, mica thì rất đẹp nhưng chỉ nuôi giới hạn được một số loại kiến trong khi đó, bê tông khí chưng áp rất nhẹ, là nguyên liệu dùng xây biệt thự hiện được giới chơi kiến ưa chuộng.
Mỗi chiếc tank thường gồm hai phần chính: Một là tổ bên dưới và phần mô phỏng đường đi, không gian săn mồi của kiến được bao bọc bởi lớp kính hoặc mica trong suốt ở phía trên. Đặc điểm sinh sôi của loài kiến là cần phải môi trường ẩm nên một bể nuôi phải được đảm bảo đủ độ ẩm, bằng cách dùng máy cấp ẩm hoặc làm hầm chứa nước dưới đáy tank, hầm này có thể lưu nước một hoặc hai tuần không cần tiếp thêm mà vẫn đủ bốc hơi cho kiến sinh sống.
Tank kiến với phần tổ bên dưới được cấp ẩm thường xuyên. Ảnh: NVCC |
|
Tank ngoài ra còn cần phải kín để tránh xổng vật nuôi hoặc kiến từ bên ngoài xâm nhập vào. Tank kiến thường có miếng che trên mặt, khi muốn xem kiến, người chơi có thể tháo ra để quan sát kiến đi lại trong không gian săn mồi được bố trí dạng tiểu cảnh. Kiến là loài vật ít chịu được ánh nắng nên phần tổ kiến bên dưới bắt buộc phải có miếng che nắng. Nếu không có miếng che, kiến tiếp xúc với ánh sáng quá nhiều sẽ dẫn đến stress và bị chết.
Theo Kiên, thú chơi nuôi kiến không quá tốn kém nhưng bù lại cần sự kiên trì. Mỗi chiếc bể kiến có giá không quá đắt và có thể làm theo yêu cầu của người chơi, thường khởi điểm từ 250.000 đồng đến không giới hạn. Với chiếc bể nhỏ, khách hàng có thể bày trên bàn làm việc, bàn học trong khi những chiếc bể to thì cần không gian lớn hơn. Tệp khách trung bình của Kiên có thể chi 1-3 triệu đồng cho mỗi bể. Chiếc bể đắt nhất Kiên từng làm trị giá 5,5 triệu đồng khá lớn và cầu kỳ.
Trên thị trường hiện nay, theo Kiên, những người làm tank kiến như Kiên không nhiều bằng số người bán kiến giống.
Một chiếc tank kiến được làm cầu kỳ. Ảnh: NVCC |
|
Nuôi kiến không khó
Thú vui của Kiên bây giờ là thỉnh thoảng đi núi để tìm bắt kiến. Kiên cho biết rừng miền Bắc nhiều loài kiến lạ và quý hiếm. Có người chọn cách bắt kiến xong thì bán luôn nhưng Kiên thì luôn dành thời gian nuôi cho Kiến sống quen trong bể (gọi là thuần tank) rồi mới bán thì lúc đó người mua sẽ dễ nuôi và chăm sóc hơn.
Một đàn kiến để duy trì được thì cần phải có kiến chúa và kiến thợ. Những người chơi kiến đã có kinh nghiệm thường bắt kiến chúa về để tự gây dựng đàn nhưng này khá khó vì đòi hỏi nhiều kỹ thuật nên Kiên Nguyễn khuyên người mới chơi nên mua đàn đã được gây sẵn và thuần tank rồi thì sẽ dễ nuôi hơn.
Mua kiến đã thuần tank và có đàn sẽ dễ nuôi hơn. Ảnh: NVCC |
|
Có hai loại kiến thường được nuôi, là kiến ăn đồ ngọt và kiến săn mồi. Kiến săn mồi thường đòi hỏi người nuôi phải thả dế, sâu gạo hoặc gián vào trong bể để chúng phát huy bản năng của mình. Trong khi đó, nuôi kiến ăn đồ ngọt dễ và sạch sẽ hơn, chỉ cần thả đường hoặc mật ong vào vị trí nhất định trong tổ là đã có thể nuôi được kiến.
Loại kiến ăn đồ ngọt cũng có ưu điểm là sinh sản nhanh, thường được gọi với cái tên chung là kiến đường. Những người chơi còn đổi màu kiến bằng cách cho màu thực phẩm vào đường rồi cho kiến ăn, lúc này, bụng của kiến sẽ có màu nếu chụp ảnh gần sẽ rất đẹp.
Các giống kiến thông dụng có thể kể đến như Harpegnathos venator, Campo Irri, Camposigula, Rufi (loài săn mồi to nhất Việt Nam)...
Loại kiến đường được cho ăn màu thực phẩm nên bụng có nhiều màu. Ảnh: NVCC |
|