Theo báo cáo của Forbes Russia, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei Technologies Co, đang bị Mỹ trừng phạt, cũng chuẩn bị rút lui khỏi Nga bằng cách cắt giảm thêm một số nhân viên địa phương và đình chỉ hợp đồng mới với các nhà khai thác.
Hiện công ty Trung Quốc đã cắt giảm việc làm tại bộ phận marketing ở Nga, nhưng các nhân viên vẫn đến văn phòng, theo báo cáo. Gã khổng lồ trong ngành công nghệ có trụ sở tại Thâm Quyến đã từ chối bình luận.
Các công ty Trung Quốc lo ngại bị "vạ lây"
Động thái này diễn ra trong bối cảnh các công ty vẫn hoạt động ở Nga đang tranh giành để tránh các lệnh trừng phạt thứ cấp từ Mỹ và châu Âu sau xung đột Nga – Ukraine từ cuối tháng 2. Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành một số lệnh trừng phạt mới vào đầu tháng này trong một động thái được coi là “lời cảnh báo đối với các công ty Trung Quốc”.
Ngoài báo cáo của Forbes, tờ báo địa phương Izvestia cũng đưa tin rằng Huawei đã cắt hợp đồng mới kể từ cuối tháng 3 vì cung cấp thiết bị mạng cho các nhà khai thác của Nga. Theo báo cáo, một số nhân viên của công ty ở Moscow cũng đã được yêu cầu làm việc từ xa. Huawei có thể đánh giá lại danh mục sản phẩm ở Nga và tiếp tục bán các thiết bị được sản xuất không có công nghệ của Mỹ.
Guo Ping, Phó chủ tịch Huawei, vào cuối tháng 3 tiết lộ rằng công ty đang đánh giá rủi ro đối với hoạt động của mình sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra.
“Chúng tôi nhận thấy rằng một số quốc gia và khu vực đã ban hành những chính sách phức tạp và liên tục thay đổi. Huawei vẫn đang đánh giá cẩn thận các chính sách này”, Phó chủ tịch Huawei chia sẻ.
Một số công ty Trung Quốc đã vướng vào làn sóng trừng phạt từ các lệnh trừng phạt của những nước phương Tây đối với Nga. Theo lệnh trừng phạt xuất khẩu của Mỹ, bất kỳ hàng hóa công nghệ nào được sản xuất ở nước ngoài sử dụng máy móc, phần mềm hoặc bản thiết kế của Mỹ đều bị cấm xuất khẩu vào Nga.
Mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Bắc Kinh với Moscow là một phần lý do khiến chính phủ Trung Quốc không chỉ trích gay gắt các hành động của Nga hoặc gọi đó là “một cuộc xâm lược”. Trung Quốc cũng đã phản đối các lệnh trừng phạt rộng rãi đối với Nga.
Do đó, nhiều công ty Trung Quốc đã nhanh chóng giữ vững hoạt động của họ tại nước này, chịu rủi ro về các biện pháp trừng phạt đối với những vi phạm đã được áp dụng. Một nhóm nghiên cứu tại Đại học Yale chuyên theo dõi hoạt động của các công ty ở Nga cho rằng có 43 công ty Trung Quốc vẫn hoạt động tại quốc gia này, bao gồm cả Huawei, tính đến ngày 11/4.
Điều này trái ngược với hàng trăm công ty Mỹ và châu Âu đã tạm ngừng hoạt động tại Nga hoặc rút khỏi nước này, theo danh sách.
Đối thủ của Huawei, Ericsson, nhà sản xuất thiết bị viễn thông Thụy Điển, đầu tuần này cho biết rằng họ sẽ tạm ngừng hoạt động kinh doanh tại Nga vô thời hạn và cho nhân viên địa phương nghỉ có lương. Ericsson đã tạm dừng bán hàng tại Nga vào tháng 2, và đối thủ đến từ Phần Lan của họ là Nokia cũng tiếp bước trong tháng 3.
Huawei chưa tiết lộ quy mô hoạt động của mình tại Nga, nhưng họ đã có một số mối quan hệ kinh được thiết lập tại xứ Bạch Dương trong những năm gần đây.
Huawei có thể tiếp tục hoạt động trong thời gian tới
Tập đoàn Trung Quốc đã ký một thỏa thuận vào năm 2021 với MTS, nhà khai thác di động lớn nhất của Nga, để triển khai các dịch vụ 5G thương mại tại nước này. Họ cũng đã làm việc với Rostelecom, một nhà điều hành truyền thông của Nga hiện bị Mỹ trừng phạt, về các nỗ lực số hóa của mình, theo các thông báo trước đây trên trang web của công ty Trung Quốc.
Theo Yang Guang, nhà phân tích cấp cao của công ty tư vấn công nghệ Strategy, Huawei đã là nhà cung cấp cốt lõi của các nhà khai thác viễn thông lớn của Nga, chẳng hạn như MTS, Megafon và Veon, đã triển khai rộng rãi thiết bị 3G và 4G của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.
“Tôi nghĩ Huawei sẽ tiếp tục chiến lược “chờ và xem”. Ít nhất, Huawei sẽ không rời khỏi Nga trước khi Ericsson làm điều đó”, ông Yang nói.
Chính phủ Mỹ trước đó đã cảnh báo rằng các công ty Trung Quốc có thể bị trừng phạt nếu họ bị phát hiện giúp đối tác Nga lách lệnh trừng phạt. Các biện pháp trừng phạt mới của Bộ Tài chính Mỹ được đưa ra trong tháng này được coi là một lời cảnh báo, đặc biệt là khi nhà bán buôn thiết bị điện tử viễn thông có trụ sở tại Singapore Alexsong Pte Ltd nằm trong số các thực thể bị trừng phạt. Danh sách được đưa ra bao gồm tổng cộng 21 tổ chức và 13 cá nhân, bao gồm cả CTCP Mikron, nhà sản xuất chip lớn nhất của Nga.
Ngày 9/4, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ đã miễn trừ các dịch vụ viễn thông khỏi lệnh trừng phạt chống lại Nga và các giao dịch kinh doanh được ủy quyền liên quan đến “sự cố dịch vụ, phần mềm, phần cứng hoặc công nghệ đối với việc trao đổi thông tin qua internet”.
Douglas Fuller, phó giáo sư tại City University of Hong Kong cho biết: “Với việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt của OFAC, có khả năng có thể có giao dịch mua bán hợp pháp trên không gian internet mà ngay cả Huawei cũng có thể tiến hành mà không gặp rắc rối thêm với Mỹ”.
Mảng kinh doanh điện thoại thông minh béo bở của Huawei đã bị ảnh hưởng nặng nề sau khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với công ty này vào năm 2019, hạn chế quyền truy cập của họ vào các dịch vụ công nghệ từ các công ty như Google. Sau đó, Mỹ tiếp tục gia tăng các lệnh trừng phạt làm hạn chế quyền tiếp cận của Huawei với các loại chip tiên tiến, tiêu tan giấc mơ thách thức Samsung và Apple trở thành thương hiệu điện thoại thông minh toàn cầu.
Giám đốc tài chính của Huawei, Meng Wanzhou, con gái của người sáng lập Ren Zhengfei, đã bị quản thúc tại gia ở Vancouver trong gần ba năm trong khi chống lại yêu cầu dẫn độ của Bộ Tư pháp Mỹ. Bà Meng bị cáo buộc lừa đảo các ngân hàng vì không tiết lộ mối quan hệ của Huawei với một doanh nghiệp ở Iran, đơn vị đang bị Mỹ trừng phạt. Bà Meng cuối cùng đã trở về Trung Quốc sau 1.000 ngày bị giam giữ và gần đây đã được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch luân phiên Huawei.