
Đại hội đồng cổ đông PTI sáng 22/4. (Ảnh: H.T).
Sáng nay (22/4), Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI - Mã: PTI) tổ chức họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025 với nhiều nội dung quan trọng như tăng vốn điều lệ, kế hoạch kinh doanh năm 2025, bầu Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ mới (2025 - 2030).
Tính đến 9h31, tổng số cổ đông tham dự đại diện cho hơn 120 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 94,78% tổng cổ phần có quyền biểu quyết.
Nhiều nhóm cổ đông đề cử ứng viên vào HĐQT, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới
Tại đại hội, PTI dự kiến sẽ bầu ra 9 thành viên HĐQT, trong đó có ít nhất ba thành viên độc lập và 5 thành viên Ban Kiểm soát. Nhiệm kỳ của HĐQT và Ban Kiểm soát sẽ kéo dài 5 năm, bắt đầu từ 2025 và kết thúc vào 2030.
Theo báo cáo quản trị năm 2024, đến cuối năm ngoái, HĐQT nhiệm kỳ 2019 - 2024 của PTI có 9 thành viên, trong đó bà Phạm Minh Hương giữ chức Chủ tịch HĐQT. Ban Kiểm soát của ngân hàng gồm 5 thành viên, trong đó bà Nguyễn Thị Hà Ninh là Trưởng Ban Kiểm soát.
Mở đầu đại hội, đại diện PTI công bố danh sách11 người được đề cử vào thành viên HĐQT và 6 người vào thành viên Ban Kiểm soát. Số ứng viên này được nhiều nhóm cổ đông sở hữu trên 5% vốn cổ phần của PTI đề cử. Cụ thể:
Cổ đông ngoại Hàn Quốc DB Insurance (sở hữu 37,32%) đề xuất hai thành viên vào HĐQT là ông Park Ki Huyn, ông Ko Young Joo, ông Kim Nahm Yoon và ông Ko Dong Gi, ông Yoo Jang Hee vào BKS.
Cổ đông VNDirect (sở hữu 20%) đề xuất hai thành viên vào HĐQT là bà Phạm Minh Hương, bà Nguyễn Thị Hiền và hai thành viên BKS là bà Nguyễn Thị Hà Ninh, Nguyễn Thị Hương Thảo vào BKS.
Nhóm cổ đông bà Phạm Thu Thuỷ và CTCP Đầu tư Trading (sở hữu 5%) đề xuất bà Đặng Hoàng My vào HĐQT.
Nhóm cổ đông bà Vũ Thị Thư Phan Thị Hoa (sở hữu 13,33%) đề cử bà Đỗ Thanh Hương, bà Hoàng Thị Yến vào HĐQT
Nhóm cổ đông bà Hoàng Thị Minh Phương, bà Hoàng Thị Vân (sở hữu 18,2%) đề xuất hai cá nhân bà Hoàng Thuý Nga, ông Vũ Hoàng Hà vào HĐQT.
Nhóm cổ đông bà Hoàng Thị Minh Phương (sở hữu 9,9%) để cử bà Nguyễn Thị Thuý Giang vào BKS.
Nhóm cổ đông VNR và Công ty CP Vina (sở hữu 5,2%) đề cử ông Nguyễn Anh Đức vào HĐQT và bà Hoàng Thị Thu Hiền vào BKS
Kế hoạch lợi nhuận giảm so với 2024
Chia sẻ tại đại hội, bà Phạm Minh Hương - Chủ tịch HĐQT cho biết trong năm 2025 PTI sẽ dành ngân sách lớn đề đầu tư vào chuyển đổi số với định hướng trở thành công ty bảo hiểm có nền tảng số tốt, tập trung vào các mảng bảo hiểm cơ giới, sức khoẻ,... đảm bảo an toàn tài chính của gia đình.
"Sau 3 năm tái cấu trúc, 2025 chúng tôi sẽ mạnh dạn đầu tư vào con người, chuyển đổi số", bà Hương nói.
Về hoạt động đầu tư tài chính, theo bà Hương trước đó năm 2024, PTI có lợi thế khi thị trường có mức lãi suất cao dẫn đến thu từ mảng đầu tư tốt. Tuy nhiên trong năm 2025, lãi suất đã giảm khá nhiều nên đầu tư là một thách thức.
"Năm nay dự kiến hoạt động đầu tư sẽ không có kết quả tốt như trước, đây là thách thức cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm.", bà Hương chia sẻ.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2025, bà Hương cho biết vì phải dành ngân sách cho đầu tư chuyển đổi số, tuyển dụng nhân sự nên năm nay, PTI đề xuất giữ mức tăng doanh số còn doanh thu tài chính và lợi nhuận trước thuế giảm so với năm trước.
Theo đó, Hội đồng Quản trị PTI đề xuất mục tiêu lợi nhuận trước thuế trong năm 2025 của PTI ở mức 320 tỷ đồng, giảm 20,54% so với kết quả thực hiện năm 2023. Lợi nhuận sau thuế ở mức 256 tỷ đồng, trong khi năm 2024, PTI ghi nhận lãi sau thuế là gần 322 tỷ đồng.
Doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của PTI được kỳ vọng ở mức 4.550 tỷ đồng, cao hơn 13% so với thực hiện năm 2024. Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động đầu tư tài chính dự kiến đạt 287,9 tỷ đồng, giảm 14,5% so với mức thực hiện năm 2024.
Tuy nhiên theo Chủ tịch Phạm Minh Hương, con số 2025 chưa phản ánh hết được tiềm năng PTI đang đầu tư và hy vọng PTI sẽ từng bước trở thành định chế tài chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm và có đội ngũ quản trị hiệu quả ko chỉ dừng lại ở 2 triệu khách hàng. Tầm nhìn của PTI là hướng tới con số 10 triệu khách hàng.

(Nguồn: Tài liệu đại hội đồng cổ đông PTI năm 2025)
Nếu so sánh với kế hoạch năm 2024, năm nay PTI đặt mục tiêu khiêm tốn ở chỉ tiêu hoạt động kinh doanh bảo hiểm; còn lại các chỉ tiêu như doanh thu hoạt động tài chính, lợi nhuận trước và sau thuế đều cao hơn. Tương tự như đề xuất cho năm 2024, PTI cũng dự kiến không thực hiện chia cổ tức cho năm 2025.

Tăng vốn điều lệ thêm 150%
Theo đánh giá của ban lãnh đạo PTI, việc tăng vốn điều lệ của công ty là một đòi hỏi rất cấp thiết nhằm tăng năng lực tài chính trong hoạt động bảo hiểm, mở rộng hoạt động đầu tư tài chính, tăng sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu trong chiến lược phát triển chung của Tổng Công ty.
Theo bà Hương, hiện nay, mức vốn điều lệ của PTI vẫn còn thấp so với các công ty bảo hiểm khác mặc dù vào đầu năm 2025, PTI đã tăng vốn từ gần 804 tỷ đồng lên mức gần 1.206 tỷ đồng sau khi hoàn tất phát hành gần 40,2 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông.
Theo kế hoạch được trình tại đại hội, HĐQT PTI dự kiến sẽ tiếp tục nâng vốn điều lệ theo hai cấu phần: phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu (tỷ lệ 50%) và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 100%).
Đối với phương án phát hành cổ phiếu bằng vốn chủ sở hữu, PTI dự kiến phát hành gần 60,3 triệu cp, với tỷ lệ thực hiện 2:1 (cổ đông sở hữu 2 quyền được nhận phát hành thêm 1 cổ phiếu); mệnh giá mỗi cổ phiếu 10.000/cp, tổng giá trị cổ phiếu phát hành theo mệnh giá là gần 603 tỷ đồng.
Nguồn vốn thực hiện là từ thặng dư vốn cổ phần (452 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (178 tỷ đồng). Thời gian thực hiện trong năm 2025 và/hoặc đầu năm 2026, sau khi được chấp thuận của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nếu thực hiện xong phương án này vốn điều lệ của PTI sẽ tăng từ 1.206 tỷ lên 1.809 tỷ đồng, tương ứng tăng 50%.
Bên cạnh đó, HĐQT cũng đề xuất chào bán 120,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100% với giá chào bán là 10.000 đồng/cp, tương đương tăng vốn thêm 1.206 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện kế hoạch dự kiến là trong năm 2025 và/hoặc 2026 sau khi có chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Công ty cũng đặt mục tiêu tỷ lệ chào bán thành công tối thiểu là 50%. Trong trường hợp không phân phối hết và số lượng vốn huy động không đạt đủ như dự kiến, ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT cân nhắc bổ sung nguồn vốn còn thiếu thông qua hình thức huy động khác như vay các tổ chức tín dụng hoặc vay từ tổ chức/cá nhân khác.
Nguồn vốn thu được từ đợt chào bán sẽ được PTI sử dụng để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động đầu tư tài chính dài hạn và các giấy tờ có giá trên thị trường (40% số tiền); gửi tại ngân hàng (30%); bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động có liên quan (20%); bổ sung nguồn vốn cho đầu tư hạ tầng và hệ thống công nghệ thông tin (15%).
(Tiếp tục cập nhật)