Trước đó, anh Quang đau đầu từng cơn vùng đỉnh và hai bên thái dương, cảm giác nóng sốt, choáng váng. Cạo gió nhưng triệu chứng không giảm, anh cấp cứu tại một bệnh viện, huyết áp đến 218/130 mmHg, được dùng thuốc hạ áp. Xuất viện khi tình trạng ổn định, anh tiếp tục uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, huyết áp có lúc còn 140/90 mmHg, cơn đau đầu không giảm nên cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Ngày 22/4, ThS.BS.CKII Huỳnh Thanh Kiều, Trưởng khoa Nội Tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch, cho biết bệnh nhân nhập viện trong trạng thái lừ đừ, chóng mặt, đau đầu nhiều, cổ gượng, huyết áp tâm thu 200 mmHg, khó kiểm soát với 4 loại thuốc. Phim chụp CT não không cản quang không ghi nhận bất thường, không có hình ảnh nhồi máu hay xuất huyết não điển hình. Bác sĩ tăng liều thuốc kiểm soát huyết áp, nhưng cơn đau đầu ngày càng trầm trọng, kèm tăng cảm giác đau toàn thân. Bệnh nhân được hội chẩn với bác sĩ Nội thần kinh, quyết định chọc dò tủy sống.
Kết quả chọc dò hút ra một lượng nhỏ dịch não tủy ghi nhận có máu, nghi do xuất huyết não. Anh Quang được chụp CT não có cản quang, cho thấy có tình trạng xuất huyết dưới nhện, không có túi phình mạch não. BS.CKI Huỳnh Trí Dũng, khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, giải thích xuất huyết dưới nhện là tình trạng chảy máu ở khoang dưới nhện (giữa màng nhện và màng mềm bao quanh não). Đây là dạng đột quỵ xuất huyết não nguy hiểm, có thể tử vong đột ngột hoặc gặp các biến chứng như co thắt mạch máu, nhồi máu não, tăng áp lực nội sọ, bệnh não úng thủy, thoát vị não... nếu không điều trị kịp thời.

Anh Quang được đo huyết áp, kiểm tra thể trạng sau một tuần điều trị. Ảnh: Hạ Vũ
Nguyên nhân xuất huyết dưới nhện thường do phình động mạch hoặc chấn thương ở vùng đầu. "Anh Quang không bị chấn thương, không có túi phình mạch máu não, có thể do huyết áp tăng đột ngột tạo áp lực lên vùng nội sọ dẫn tới xuất huyết", bác sĩ Dũng nói. Bệnh nhân bị tăng huyết áp hơn 10 năm nhưng thỉnh thoảng mới đi khám, uống thuốc không đầy đủ nên huyết áp không được kiểm soát tốt, đột ngột tăng cao gây biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ điều trị cho anh Quang bằng thuốc giảm đau, kháng viêm, thuốc chống phù não. Một tuần sau anh hết đau đầu, huyết áp duy trì ở mức 140/80 mmHg, được xuất viện, cần tái khám, uống thuốc huyết áp và mỡ máu đúng liều lượng.
Theo bác sĩ Kiều, huyết áp cao là một trong những yếu tố nguy cơ chính dẫn đến đột quỵ. Huyết áp tăng cao trên 180/120 mmHg khiến mạch máu trở nên hẹp, cứng hơn, đồng thời gây tích tụ chất béo (quá trình xơ vữa động mạch). Cục máu đông hình thành trên vùng chất béo tích tụ, di chuyển đến não gây đột quỵ nhồi máu não. Huyết áp tăng đột ngột làm tăng nguy cơ vỡ thành mạch máu, dẫn đến chảy máu não gây đột quỵ xuất huyết não như anh Quang.
Để phòng ngừa nguy cơ đột quỵ do tăng huyết áp, các bác sĩ khuyến cáo kiểm soát tình trạng huyết áp cao bằng cách dùng thuốc theo chỉ định, thay đổi lối sống, tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh, cân bằng dinh dưỡng, bỏ uống rượu bia, thuốc lá, chất gây nghiện, chất kích thích... Khi xuất hiện cơn đau đầu dữ dội kèm buồn nôn, choáng váng, co giật, yếu liệt một bên cơ thể, nhìn đôi, nói khó, suy giảm nhận thức, người bệnh cần đến bệnh viện để được khám. Tuyệt đối không cạo gió, hô hấp nhân tạo hay tự ý uống thuốc khiến bệnh trầm trọng.
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |