Quan sát từ nhịp tăng của VN-Index trong tháng 6 và tháng 7 lên đến mốc 1.290 cho đến thời điểm hiện tại, có thể thấy chỉ số này đã giảm 17 - 18%. Nếu xét thuần tuý với mức định giá của thị trường hiện nay, đây là vùng hấp dẫn cho việc giải ngân dài hạn.
Diễn biến thị trường đang ghi nhận mức thanh khoản trong một vài phiên trở lại đây ở mức thấp, xét về mặt kỹ thuật khi chỉ số tiếp tục gãy mức 1.080 thì thị trường sẽ phải tìm những điểm cân bằng thấp hơn.
Chia sẻ trong chương trình "Khớp lệnh" của VTV Digital, ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc phân tích CTCP Chứng khoán Nhất Việt nhận định rằng trong bối cảnh thị trường đã và đang trong xu hướng downtrend tương đối mạnh, nếu mức giảm vẫn đang tích luỹ thì nhiều khả năng thị trường sẽ có một nhịp hồi ngắn, quay lại test mốc 1.150.
Với những diễn biến như hiện tại, chuyên gia cho rằng thị trường vẫn chưa được khả quan và vẫn thiên về phòng thủ nhiều hơn đồng thời sẽ tìm những mốc thấp hơn để tìm kiếm điểm cân bằng.
Theo khuyến nghị của ông Hoàng, nhà đầu tư nên đứng ngoài quan sát để nhìn xem liệu thị trường sẽ xuất hiện những nhịp hồi hay tiếp tục diễn biến tiêu cực.
Trên thực tế việc xác định đáy trong ngắn hạn là bài toán khó nhưng trong dài hạn thì thị trường đã nhen nhóm một vài dấu hiệu tích cực về định giá P/E.
Chuyên gia lấy ví dụ như câu chuyện của cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hoà Phát, đã có thời điểm cổ phiếu này rơi xuống mức 3x và nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng đây đã là ngưỡng đáy của cổ phiếu này, thế nhưng ở thời điểm hiện tại cổ phiếu HPG ghi nhận mức giá 1x thấp kỷ lục trong vòng 2 năm trở lại đây.
Đồng quan điểm với ông Hoàng, nhiều công ty chứng khoán cũng nhận định rằng có thể thị trường sẽ quay trở lại mốc 1.140 đến 1.150, tuy vậy đây vẫn chỉ là những dự đoán dựa trên những chỉ báo và dựa trên những ước tính, còn thực tế hiện tại thị trường chưa dứt đà điều chỉnh.
Gần đây, câu chuyện giao dịch T+2 một lần nữa lại được réo tên liên tục khi thị trường giảm quá đà, thời gian giao dịch ngắn khiến cho số lượng hàng về với khối lượng lớn trong khi trước đây giới đầu tư liên tục kiến nghị về việc rút ngắn thời gian giao dịch từ T+3 sang T+2 để dòng tiền nhập cuộc nhiều hơn sôi động hơn.
Nhìn nhận vấn đề này, ông Hoàng cho rằng rõ ràng trạng thái tâm lý của nhà đầu tư đang tương đối tiêu cực khi rất nhiều thông tin đang tác động vào thị trường trong bối cảnh VN-Index và nhiều cổ phiếu đang trong đà sụt giảm mạnh.
Nhắc đến câu chuyện thời gian giao dịch thì những phiên T+2 thường rơi vào buổi chiều, tăng cung trong khi thời gian xử lý ngắn hơn khiến cho những phiên buổi chiều trở nên khó đoán định hơn và nhà đầu tư buộc phải thích nghi với hoàn cảnh này.
Ở khía cạnh dòng tiền, chuyên gia cho rằng phải quan sát ở góc độ rộng hơn. Dòng tiền trên thị trường đang thu hẹp lại và bị tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau.
Lãi suất liên ngân hàng cũng như lãi suất tiết kiệm trong xu hướng tăng khiến cho những kênh đầu tư rủi ro bị hút bớt tiền. Điều này có thể thấy qua một phép so sánh đơn giản, trong quá khứ lãi suất tiết kiệm chỉ đâu đó ở mức 5 - 6% ở thời điểm thị trường chứng khoán có thể tăng trần một phiên bằng với mức tiết kiệm cả năm khiến cho câu chuyện đầu tư cực kỳ hấp dẫn.
Còn ở thời điểm hiện tại, giới đầu tư đang phải chứng kiến một chiều hướng ngược lại khi rất khó để kiếm lời tại thị trường, thậm chí mất nhiều hơn được thì lãi suất tiết kiệm của nhiều ngân hàng lên đến 9% cùng với dự báo có thể tăng lên hai con số.