Khi thị trường thế giới xuất hiện nhịp hồi phục ngắn hạn thì thị trường chứng khoán Việt Nam đã không có sự đồng điệu khi đi ngược với xu hướng này. Đà hồi phục của VN-Index xuất hiện từ phiên ngày thứ Năm (6/10) và kéo VN-Index quay đầu cùng hàng loạt cổ phiếu tăng trần.
Chỉ số sau đó tiếp tục giảm mạnh trong phiên cuối tuần, chốt tuần VN-Index để mất 8,5%, tương ứng giảm 96,2 điểm và đóng cửa ở mốc 1.035,91.
VIC và VHM trở thành 2 điểm sáng duy nhất trong nhóm cổ phiếu trụ khi lần lượt tăng 9,5% và 6,1% trong tuần, giúp VN-Index tăng tổng cộng 8,5 điểm. Trong khi đó các trụ khác đã đồng loạt giảm mạnh, trong đó GVR là cổ phiếu giảm mạnh nhất trong top 10 khi để mất đến hơn 20% trong tuần. VCB, MSN và BID là 3 cổ phiếu ảnh hưởng lớn bên chiều giảm
Trong tuần (3 - 7/10), khối ngoại duy trì trạng thái bán ròng với giá trị 615 tỷ đồng, HPG, STB và DXG là những mã bị bán ròng mạnh nhất với giá trị lần lượt là 640 tỷ đồng và 372 tỷ đồng. HPG và STB cũng ghi nhận mức giảm mạnh lần lượt 16,98% và 18,69%. Bên phía mua ròng, khối này mua mạnh nhất chứng chỉ quỹ VN-Diamond với giá trị 175 tỷ đồng.
Giao dịch trái chiều với khối ngoại, NĐT cá nhân xuất hiện với vai trò là bên mua ròng lớn nhất thị trường với giá trị 2.322 tỷ đồng trên HOSE. Tính riêng khớp lệnh họ mua ròng 2.316 tỷ đồng.
Cổ phiếu thép, ngân hàng hút tiền
Thống kê giao dịch theo nhóm ngành, cổ phiếu tài nguyên cơ bản nổi lên là nhóm được các NĐT cá nhân mua ròng nhiều nhất tuần qua với giá trị gần 1.000 tỷ đồng. Theo quan sát, nhóm thép nằm trong top 3 giảm mạnh nhất tuần, chỉ sau ngành hóa chất và chứng khoán.
Nối tiếp, cá nhân trong nước đỏ 877 tỷ đồng gom cổ phiếu của các nhà băng trong bối cảnh ngành này có tuần giao dịch mạnh với tỉ trọng giá trị giao dịch tăng lên 16,53% toàn thị trường, cao nhất trong 10 tuần liên tiếp, chỉ số giá ngành giảm 5,4%. Theo đánh giá của FiinTrade, điều này cho thấy áp lực bán ra của nhóm này là khá lớn.
Có 15/27 mã ngân hàng giảm trên 10% tuần này, trong đó LPB, STB giảm lần lượt 19% và 18,7%.
Hoạt động giải ngân theo sau tập trung ở các ngành bất động sản (433 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (202 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (106 tỷ đồng),...
Ở phía đối diện, nhóm bị bán ròng mạnh nhất là hàng cá nhân và gia dụng với gần 120 tỷ đồng. Với lực cầu chiếm ưu thế ở nhóm NĐT cá nhân, đây là ngành duy nhất bị rút ròng trên trăm tỷ đồng trong tuần này.
Danh mục rút vốn theo sau có những nhóm ngành như du lịch & giải trí (62 tỷ đồng), công nghệ thông tin (54 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (40 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (37 tỷ đồng),...
HPG đứng đầu Top mua ròng
Ở chiều mua vào, giao dịch rót vốn ròng tập trung ở cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát với giá trị lên đến 954,1 tỷ đồng. Xu hướng mua ròng ở cổ phiếu này xuất hiện trong bối cảnh giá cổ phiếu vẫn tiếp tục điều chỉnh. Trái ngược với xu hướng mua ròng của các NĐT cá nhân, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 641 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, dòng vốn cá nhân còn tìm đến loạt cổ phiếu nhóm tài chính, ngân hàng như STB (400,2 tỷ đồng), VPB (311,7 tỷ đồng), SSI (147,1 tỷ đồng) và MBB (132,1 tỷ đồng). Trong số này, STB, MBB, SSI đều trải qua 1 - 2 phiên giảm sàn trong tuần.
Cá nhân trong nước mua ròng 205,1 tỷ đồng mã GEX, trước khi lực cầu dưới 200 tỷ đồng tìm đến các đại diện như NVL (152,8 tỷ đồng), HAH (113,9 tỷ đồng) và IJC (110,1 tỷ đồng).
Dẫn đầu danh mục bán ròng là cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup với 159,8 tỷ đồng. Hoạt động chốt lời diễn ra trong bối cảnh VIC có nhịp tăng 9,5% trong tuần và trở thành những điểm sáng gồng gánh thị trường. Trái ngược với các cá nhân, cổ phiếu của ông lớn ngành thép lại được NĐT nước ngoài đối ứng qua kênh khớp lệnh.
Kế đó, cá nhân trong nước cũng bán ròng 120,1 tỷ đồng mã GMD của Gemadept. Ngoài ra, danh mục rút ròng dưới trăm tỷ đồng còn có sự góp mặt của VNM (93 tỷ đồng), DPM (78,4 tỷ đồng), VHM (70,8 tỷ đồng), REE (66,1 tỷ đồng), PNJ (62,1 tỷ đồng), HDB (59 tỷ đồng), VJC (53,7 tỷ đồng) và TLG (41,6 tỷ đồng).
Theo SSI Research, TLG là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất bút viết và các dụng cụ văn phòng phẩm, thị phần chiếm 60%. Trong năm 2023, Thiên Long đi vào sản xuất tại nhà máy mới Thiên Long Long Thành, giúp sản lượng sản xuất tăng 33%.
Nhóm phân tích đánh giá TLG có thể duy trì giá bán với tệp khách hàng đa dạng và sản lượng tiêu thụ tăng 7 - 8% so với cùng kỳ. Đồng thời tái cấu trúc dòng sản phẩm cao cấp giúp doanh thu dự kiến tăng 15% trong năm 2023.
Dự báo giá dầu giảm sẽ làm giảm giá hạt nhựa, chiếm 25% chi phí nguyên vật liệu của TLG. SSI dự báo biên lợi nhuận gộp đạt mức 46,5%, tăng 2,4% trong năm 2023.