Liên tiếp các trường hợp nhập viện sau giải chạy
Ngày 8/4, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) tiếp nhận nam thanh niên sinh năm 1993 hôn mê sâu sau khi tham gia giải marathon 42km. Trước đó, ngày 6/4, tại Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu cho 4 bệnh nhân gặp sự cố khi tham gia giải chạy, một người tử vong.
Năm 2024 cũng ghi nhận 2 trường hợp tử vong liên quan tới các giải chạy. Vào tháng 3, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp nhận người đàn ông 40 tuổi hôn mê, suy đa tạng và không qua khỏi sau khi tham gia giải chạy ở địa phương. Một tháng sau, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cấp cứu bệnh nhân 31 tuổi ngã quỵ khi cách đích 100m và tử vong sau vài ngày hồi sức tích cực.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Thị Đoan Thục - Phó khoa Hồi sức tích cực khu D (Bệnh viện Chợ Rẫy - TPHCM) cho biết, thể dục thể thao dưới hình thức nào cũng tốt, trong đó chạy bộ được rất nhiều bạn trẻ quan tâm. Chạy bộ tốt cho sức khỏe tim mạch, giảm cân, cải thiện sức khỏe tâm thần, giảm stress.
Tuy nhiên, chạy bộ có thể gây ra các chấn thương từ nhẹ tới nặng như bong rộp chân do cọ sát với giày, tổn thương xương khớp, viêm cơ, hủy cơ, rối loạn điện giải. Đặc biệt, loại vận động này nguy hiểm với những người có bệnh lý tim mạch nhưng không biết, chưa tập luyện trước đó, gắng sức quá mức có thể dẫn tới truỵ tim, ngưng tim, đột qụy não.
Thạc sĩ, bác sĩ Đoàn Dư Mạnh - thành viên Hội Bệnh lý mạch máu Việt Nam cho rằng, nếu người chơi thể thao luôn đặt mục tiêu vượt qua giới hạn bản thân mà không hiểu về cơ thể mình là suy nghĩ mù quáng. Nếu tiếp tục vận động khi có các triệu chứng đau ngực, mệt lả, chóng mặt chính là tự sát.

Thực tế, nhiều người nhìn bề ngoài khỏe mạnh nhưng có thể mang bệnh lý tiềm ẩn, bệnh tim mạch bẩm sinh về cơ tim, van tim, mạch vành, mạch não… nhưng không biết. Nếu họ tham gia thể thao cường độ cao, trong thời gian dài sẽ rất nguy hiểm.
Ngoài ra, đột quỵ tim, sốc nhiệt khi chạy còn gây tổn thương hệ thần kinh trung ương, hô hấp, tuần hoàn, gan, thận và huyết học, gây suy đa tạng nhanh chóng nếu không được xử trí y tế kịp thời. Sốc nhiệt không chỉ xảy ra khi trời nắng, người chạy cự ly dài với cường độ cao, sinh nhiệt nội tại cũng gặp hiện tượng này.
3 giải pháp tránh rủi ro
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), cho rằng, khi tổ chức giải chạy, các đơn vị cần phải xây dựng tiêu chuẩn, đảm bảo yêu cầu về y tế, an ninh, hạn chế rủi ro.
Thứ nhất, y tế hỗ trợ chuyên nghiệp
Nếu người chạy gặp vấn đề sức khỏe, các nhân viên y tế của ban tổ chức sẽ xuất hiện nhanh hơn. Nếu nạn nhân có hiện tượng ngừng tim, cần thực hiện cấp cứu ngừng tuần hoàn ngoại viện bằng hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực tránh chết não và đưa đến cơ sở y tế nhanh nhất.
Thứ hai, người chạy phải biết lượng sức
Bác sĩ Thục khuyến cáo, hình thức chạy bộ an toàn là cần tập luyện từ từ, bắt đầu từ đi bộ tăng dần lên phù hợp với tình trạng sức khỏe của mỗi cá nhân. Khi sức bền tăng lên, người tập có thể xen kẽ chạy với đi bộ.
Người chạy nên rèn luyện thích nghi dần với nhiệt độ phòng sốc nhiệt. Nếu thời tiết nắng nóng, cần có thời gian làm quen, nhận biết rõ dấu hiệu sốc nhiệt. Khi tham gia giải chạy, vận động viên dù không chuyên nghiệp vẫn nên trang bị đủ nước, bù điện giải, uống từng ngụm một, không uống nhiều cùng lúc.
Bác sĩ Hoàng khuyến cáo, mỗi người phải biết đâu là giới hạn bản thân, lượng sức mình. Người dân chủ động siêu âm tim, kiểm tra huyết áp, điện tim trước khi tham gia chạy. Những cá nhân có người thân từng bị đột tử, cần có sự kiểm tra kỹ càng hơn với các bác sĩ chuyên khoa tim mạch.
Thứ ba, một số trường hợp nên yêu cầu kiểm tra sức khỏe
Bác sĩ Hoàng cho rằng đối với người trên 40 tuổi và tham gia chặng 42km cần có giấy khám sức khỏe với tiêu chuẩn dành cho thể dục cường độ cao, có thể hạn chế nguy cơ đột tử.
Để đề phòng sốc nhiệt hay phình mạch máu não gây xuất huyết não đòi hỏi chụp MRI rất tốn kém. Vì vậy, ban tổ chức nên tăng cường tuyền truyền về những nguy cơ sức khỏe để các vận động viên chủ động khám sức khỏe.