Mới đây, UBND TP Hà Nội đã Quyết định số 3952 về việc ban hành Danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn TP. Hà Nội (đợt 1).
Theo đó, 9 cơ sở nhà, đất thuộc các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Thanh Xuân, Long Biên, Đống Đa, Bắc Từ Liêm do các Doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng không phù hợp quy hoạch phải di dời trong vòng 5 năm kể từ khi UBND TP. Hà Nội phê duyệt danh mục.
Cùng nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của 9 nhà máy, cơ quan sắp di dời đợt 1:
1. Nhà máy bia Hà Nội (số 183 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội)
Tiền thân của nhà máy bia Hà Nội là nhà máy bia Hommel được người Pháp xây dựng từ năm 1890.
Năm 1954, khi Pháp rút quân ra khỏi miền Bắc đã tháo dỡ, phá hoại nhiều máy móc, thiết bị, đốt phá nhiều tài liệu kỹ thuật quan trọng nhằm làm cho nhà máy bia Hommel tê liệt.
Tới năm 1957, theo chính sách phục hồi kinh tế của Chính phủ, nhà máy bia Hommel được khôi phục và đổi tên thành Nhà máy bia Hà Nội.
Ngày 1/5/1958, mẻ bia thử đầu tiên được thực hiện thành công do ông Vũ Văn Bộc- một công nhân lành nghề của nhà máy bia Hommel cũ kết hợp với sự giúp đỡ từ các chuyên gia bia Tiệp Khắc.
Ngày 15/8/1958, chai bia đầu tiên của Việt Nam mang nhãn hiệu Trúc Bạch ra đời, đánh dấu bước ngoặt lớn trong ngành công nghiệp sản xuất bia tại Việt Nam. Từ đó trở đi, ngày 15/8 hằng năm được chọn là Ngày truyền thống của Bia Hà Nội.
Ngày 6/5/2003, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) có Quyết định số 75/2003 thành lập Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (viết tắt là HABECO). Từ ngày 16/6/2008, Tổng công ty chính thức chuyển đổi mô hình tổ chức từ một Tổng Công ty Nhà nước sang Tổng Công ty Cổ phần.
Những dòng sản phẩm nổi tiếng của HABECO như Bia hơi Hà Nội, Bia lon Hà Nội, Bia Trúc Bạch, Hanoi Beer Premium…
2. Nhà máy xe lửa Gia Lâm (số 551 Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thụy, quận Long Biên, Hà Nội)
Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (còn gọi là Nhà máy hỏa xa Gia Lâm, hiện nay là Công ty Xe lửa Gia Lâm) được thành lập năm 1905 dưới chế độ cai trị của thực dân Pháp.
Sau khi xâm lược nước ta, thực dân Pháp thực hiện mưu đồ vơ vét tài nguyên của cải của nhân dân ta đem về "mẫu quốc" nên đã thành lập nên Nhà máy xe lửa Gia Lâm.
Trải qua những năm tháng đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các công nhân nhà máy đã nhiều lần đứng lên đấu tranh chống áp bức bóc lột, đình công, rồi dần dần lấy được nhà máy.
Sau đó, đây trở thành nơi sản xuất vũ khí, bom, mìn và vận chuyển người, vũ khí phục vụ cho cách mạng.
Trong thời kỳ đổi mới, Nhà máy xe lửa Gia Lâm cũng không ngừng đổi mới, hoạt động đa ngành nghề hơn, tuy nhiên trọng tâm vẫn là sửa chữa, chế tạo, phát triển công nghệ ngành đường sắt.
3. Công ty thuốc lá Thăng Long (số 235 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội)
Nhà máy thuốc Lá Thăng Long là đơn vị tiên phong của ngành Công nghiệp thuốc lá Việt Nam được thành lập ngày 6/1/1957.
Theo Quyết định số 318/2005 ngày 06/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ, Nhà máy thuốc lá Thăng Long được chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV thuốc lá Thăng Long.
Lĩnh vực sản xuất và kinh doanh chính của công ty bao gồm: sản xuất và kinh doanh thuốc lá điếu; chế tạo, gia công sửa chữa thiết bị chuyên ngành thuốc lá.
4. Tổng kho xăng dầu Đức Giang (số 26 phố Đức Giang, Phường Đức Giang, Quận Long Biên, Hà Nội)
Ngày 13/4/1956, Công ty Xăng dầu khu vực I (Petrolimex Hà Nội) ra đời, trong đó Tổng kho Xăng dầu Đức Giang được xem là "trái tim" với sức chứa 20.000m3 và 5 điểm cấp phát xăng dầu tại Hà Nội.
Tổng kho Xăng dầu Đức Giang được xem là nơi dự trữ chiến lược, có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm xăng dầu cho toàn miền Bắc, chi viện cho miền Nam trong chiến đấu.
Chính vì có tầm chiến lược quan trọng, nơi đây thường xuyên bị giặc bắn phá, ném bom thời kỳ chiến tranh. Tuy nhiên, vượt lên tất cả, hàng triệu lít xăng dầu vẫn được chuyển đi khắp cả nước.
Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1976, Tổng kho được cải thiện về hệ thống cơ sở vật chất cũng như hệ thống bồn bể, công nghệ, với sức chứa 51.800m3 xăng dầu các loại.
Hiện nay, Tổng kho xăng dầu Đức Giang đã tiếp tục được cải tạo, nâng cấp mở rộng với tổng sức chứa lên đến 80.200m3, đáp ứng đầy đủ các loại xăng dầu theo nhu cầu của thị trường và đảm bảo dự trữ Quốc gia.
5. Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam (số 30 đường Cầu Diễn, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Tiền thân của Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam là Phòng Thí nghiệm của Bộ Công Thương, hình thành trên cơ sở phòng thí nghiệm của sở mỏ Đông Dương cũ, năm 1955.
Năm 1956, khi Bộ Công Thương tách thành Bộ Công nghiệp và Bộ Thương nghiệp, phòng thí nghiệm này trở thành Viện Nghiên cứu công nghiệp thuộc Bộ Công nghiệp.
Năm 1957, Viện nghiên cứu công nghiệp được đổi tên thành Viện Hóa học. Năm 1964, theo quyết định số 75 ngày 30 tháng 4 năm 1964 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng, Viện nghiên cứu Hóa học hợp nhất với Phòng Hóa học thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước thành Viện Nghiên cứu Hóa học thuộc Bộ Công nghiệp nặng.
Năm 1969, Viện Nghiên cứu hóa học đổi tên thành Viện Hóa học Công nghiệp. Và năm 2007 đổi tên thành Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam
Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam có chức năng nghiên cứu xây dựng chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển, định mức kinh tế - kỹ thuật, quy phạm, tiêu chuẩn ngành Hóa chất; Phân tích, giám định các loại tài nguyên, khoáng sản, hóa chất, nguyên liệu, thành phẩm; cung cấp các dịch vụ, tư vấn, giám sát, đánh giá tác động môi trường và công nghệ xử lý môi trường…
6. Công ty in báo Nhân dân (số 15 Hàng Tre, Phố cổ Hà Nội, Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Nhà in Báo Nhân dân được thành lập tháng 10/1954, trên cơ sở tiếp quản nhà in IDEO (Viễn Ðông Ấn đường) tại số 24 Tràng Tiền (Hà Nội), với nguồn nhân lực là đội ngũ cán bộ, công nhân được chọn lọc từ các nhà in từ chiến khu về.
Cuối tháng 4/1955, Nhà in Báo Nhân dân bắt đầu hoạt động, in một phần số lượng Báo Nhân dân.
Trong thời kỳ kháng chiến, ngoài in báo Nhân dân, Nhà in Báo Nhân dân còn là nơi in hàng trăm nghìn tờ báo, tạp chí của các đoàn thể, ban, ngành mỗi ngày.
Năm 1992, nhà in Báo Nhân dân chuyển toàn bộ từ 24 Tràng Tiền sang 15 Hàng Tre. Ðầu năm 2010, nhà in đã chuyển đổi sang loại hình công ty TNHH MTV và mang tên mới: Công ty TNHH Một thành viên in Báo Nhân dân Hà Nội (Tên giao dịch là Công ty in Báo Nhân dân Hà Nội), trụ sở tại 15 Hàng Tre, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
7. Nhà in báo Hà Nội mới (số 35 Nhà Chung, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Nhà in báo Hà Nội mới được thành lập ngày 24/10/1957, với tên gọi đầu tiên là nhà in báo Thủ đô.
Tháng 12/1958, TP Hà Nội hợp nhất báo Thủ đô với báo Hà Nội hằng ngày thành báo Thủ đô Hà Nội. Nhà in cũng đổi tên thành nhà in báo Thủ đô Hà Nội.
Đến 1/1/1968, báo Thủ đô Hà Nội sáp nhập với báo Thời mới, đổi tên thành báo Hà Nội mới. Nhà in đổi tên thành nhà in báo Hà Nội mới.
Sau đó, nhà in còn đổi tên thành Xí nghiệp in báo Hà Nội mới, rồi tiếp tục phát triển chuyển đổi mô hình thành Công ty in báo Hà Nội mới. Đến nay là Công ty TNHH một thành viên in báo Hà Nội mới - doanh nghiệp thuộc quản lý của Thành ủy Hà Nội.
Từ thời kỳ chiến tranh đến đổi mới, nhà in báo Hà Nội mới luôn khẳng định mình là một trong những đơn vị in hàng đầu trong lĩnh vực báo, tạp chí.
8. Công ty TNHH MTV in và Thương mại Thông tấn xã Việt Nam (số 70/342 Khương Đình, phường Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội)
Công ty TNHH MTV in và Thương mại Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trước đây là Xí nghiệp in 1 TTXVN được thành lập ngày 8/9/1982, với nhiệm vụ chủ yếu là in bản tin bao gồm các loại bản tin hằng ngày, tin tuần, các báo chí khác nhau như Tin kinh tế, Tin tức, Thể thao & Văn hóa, Khoa học và Công nghệ, Bản tin Dân tộc Miền núi và các báo tiếng nước ngoài khác như Vietnam News, Le Courrier du VN… cùng với nhiều các ấn phẩm khác của ngành.
Ngoài các ấn phẩm phục vụ chính trị của Thông tấn xã giao cho, thì xí nghiệp còn in thêm những sản phẩm bên ngoài khác như: báo chí, tạp chí, catalogue, biểu mẫu các loại cũng như các sách, tranh ảnh khác…
Xí nghiệp in 1 TTXVN đã chuyển từ cơ chế bao cấp sang doanh nghiệp hạch toán hoàn toàn độc lập, nhập với Công ty Tin học cũng thuộc Thông tấn xã Việt Nam và hiện nay có tên là: CÔNG TY TNHH MTV IN VÀ THƯƠNG MẠI THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM VINADATAXA, với tên giao dịch quốc tế là VINADATAXA.
9. Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Nông nghiệp (số 167/6 phố Phương Mai, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội)
Mùa xuân năm 1957, Nhà xuất bản Nông thôn, tiền thân của Nhà xuất bản Nông nghiệp ngày nay được thành lập. Đây là một trong những Nhà xuất bản chuyên ngành được thành lập đầu tiên sau khi đất nước giành độc lập.
Tháng 4/1976, nhà xuất bản được đổi tên thành Nhà xuất bản Nông nghiệp. Từ tháng 2/2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chuyển Nhà xuất bản Nông nghiệp thành Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Nông nghiệp.
Nhà xuất bản Nông nghiệp có nhiệm vụ xuất bản các loại sách khoa học, kỹ thuật, tham khảo phục vụ các lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản, kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn nhằm tuyên truyền phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, kiến thức khoa học công nghệ, đời sống phục vụ sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.