Doanh nhân

Forbes: Ông Phạm Nhật Vượng trở thành người giàu nhất Đông Nam Á

Theo báo cáo của Forbes, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã trở thành một trong những tỷ phú giàu nhất châu Á khi hãng xe điện VinFast chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq tại New York, Mỹ vào ngày 15/8.

Forbes cho biết giá trị khối tài sản ròng của ông Vượng đã tăng thêm 39 tỷ USD, qua đó đạt mức 44,5 tỷ USD. Trước thời điểm hãng xe điện VinFast chính thức niêm yết, ông Vượng sở hữu khối tài sản ròng giá trị 5,8 tỷ USD, được xếp hạng là người giàu thứ 470 trên thế giới.

Xét theo giá trị khối tài sản ròng được tạp chí Forbes công bố, tỷ phú Phạm Nhật Vượng với khối tài sản ròng ước tính giá trị 44,5 tỷ USD, đã đủ sức lọt vào top 30 tỷ phú giàu nhất hành tinh.

Đây là lần đầu tiên một tỷ phú Việt Nam leo lên vị trí cao như vậy trên bảng xếp hạng tỷ phú toàn cầu của Forbes. Ông Vượng cũng trở thành người giàu thứ 5 châu Á, đứng sau những tỷ phú hàng đầu khu vực khác là Mukesh Ambani (hạng 13 thế giới – 91,4 tỷ USD), Zhong Shanshan (hạng 20 thế giới – 62,1 tỷ USD), Gautam Adani (hạng 24 thế giới – 52,8 tỷ USD) và Zhang Yiming (hạng 26 thế giới – 45 tỷ USD).

10 tỷ phú giàu nhất châu Á tính đến ngày 16/8. (Nguồn: Forbes - Anh Nguyễn tổng hợp). 

Điều này đồng nghĩa với việc tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã vươn lên trở thành người giàu nhất khu vực Đông Nam Á, đồng thời tiếp tục củng cố vững chắc vị thế tỷ phú giàu nhất Việt Nam, bỏ xa người xếp thứ hai là ông Trần Đình Long (hạng 1.317 thế giới – 2,4 tỷ USD).

Trước khi tỷ phú Phạm Nhật Vượng sở hữu khối tài sản ròng trị giá 44,5 tỷ USD, người giàu nhất khu vực Đông Nam Á là tỷ phú người Indonesia R.Budi Hartono, sở hữu khối tài sản ròng giá trị 26 tỷ USD.

Tài sản ròng của ông R.Budi Hartono phần lớn đến từ khoản đầu tư vào Bank Central Asia. Ông Hartono và người anh em Michael đã mua cổ phần của Bank Central Asia, sau khi một gia đình giàu có khác, Salims, mất quyền kiểm soát ngân hàng trong cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á giai đoạn 1997-1998. Bên cạnh đó, ông cũng làm giàu từ thuốc lá.

Những tỷ phú giàu nhất các quốc gia khác tại khu vực Đông Nam Á, tính đến ngày 16/8, lần lượt là Dhanin Chearavanont (Thái Lan – 14,1 tỷ USD), Li Xiting (Singapore – 14 tỷ USD), Manuel Villar (Philippines – 9,3 tỷ USD) và Robert Kuok (Malaysia – 10,7 tỷ USD).

Như vậy, giá trị tài sản ròng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện tại cao hơn đáng kể so với phần lớn những người giàu nhất các quốc gia khác ở Đông Nam Á. Thậm chí, giá trị tài sản ròng của ông Vượng bằng hơn 60% tổng tài sản ròng của 5 tỷ phú giàu nhất các quốc gia khác ở Đông Nam Á cộng lại.

Vào ngày 4/4, khi tạp chí Forbes công bố danh sách tỷ phú toàn cầu năm 2023, Đông Nam Á có tổng cộng 6 quốc gia góp mặt các tỷ phú trong danh sách này, bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines.

Trong số này, Việt Nam là quốc gia có số lượng tỷ phú góp mặt ít nhất, với 6 cái tên. Số lượng tỷ phú góp mặt trong danh sách này của từng quốc gia trong khu vực Đông Nam Á vào ngày công bố lần lượt là Thái Lan (26 người), Singapore (24 người), Indonesia (21 người), Malaysia (14 người) và Philippines (14 người).

Tính đến hiện tại, số lượng tỷ phú Việt Nam có mặt trong danh sách này vẫn được giữ nguyên với 6 cái tên bao gồm Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng, Tổng giám đốc VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang và Chủ tịch Thaco Group Trần Bá Dương.

Trong khi đó, số lượng tỷ phú tại các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á đã thay đổi. Chẳng hạn, Thái Lan hiện có 27 tỷ phú, tăng lên một người so với ngày 4/4, trong khi Philippines hiện có 13 tỷ phú, giảm một người so với ngày công bố.

5 tỷ phú giàu nhất Đông Nam Á tính đến ngày 16/8. (Nguồn: Forbes - Anh Nguyễn tổng hợp).

Cùng chuyên mục

Đọc thêm