Sau loạt động thái thanh lọc thị trường từ cơ quan chức năng, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục biến động mạnh. Theo thống kê, VN-Index đã giảm 147 điểm, tương đương 9,7% và cùng với đó, vốn hoá bốc hơi 10,8%, tương đương 647.000 tỷ đồng. Nhóm giảm giá mạnh nhất là cổ phiếu vốn hoá nhỏ và đầu cơ, theo sau là midcap trong khi nhóm vốn hoá lớn có mức giảm ít nhất.
Giới chuyên môn đánh giá sự biến động trên chỉ xảy ra trong ngắn hạn còn trong dài hạn, thị trường sẽ phát triển bền vững và tiệm cận hơn với thông lệ quốc tế. Điều này có thể thấu qua những tín hiệu tích cực như khối ngoại trở lại mua ròng 5.089 tỷ đồng trên sàn HOSE kể từ giữa tháng 3 đến nay.
Tại Taklshow Phố Tài Chính phát sóng tối ngày 25/4, ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và bà Nguyễn Thị Hoạt, Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) đã có những nhận định đối với những biến động kéo dài của thị trường trong thời gian qua.
Ông Hải cho biết loạt động thái xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong thời gian qua là một phần trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán chứ không phải là diễn biến mới.
"Nếu theo dõi các phương tiện truyền thông, giới đầu tư có thể thấy các động thái thanh lọc gần đây khá dồn dập. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, các hoạt động quản lý giám sát, xử phạt của cơ quan quản lý và UBCKNN vẫn được thực hiện đều đặn. Ví dụ, từ giai đoạn 2015 – 2021, UBCKNN đã thực hiện gần 500 cuộc thanh tra và kiểm tra và ban hành quyết định xử phạt đối với hợ 2.500 tổ chức và cá nhân.
Ngoài ra, UBCKNN phối hợp với cơ quan điều tra khởi tố một số vụ án. Ngay từ năm 2019, Luật chứng khoán được ra đời và đưa rất nhiều quy định mới để tăng tính giám sát và xử lý vi phạm, ví dụ như cho phép UNCKNN tiếp cận với dòng tiền của hệ thống ngân hàng hay dữ liệu sao kê điện thoại; tăng mức độ xử phạt".
Lãnh đạo UBCNKK cũng nhấn mạnh không đơn giản để khởi tố một vụ án, từ những dấu hiệu bất thường trên thị trường và điều tra để đủ điều kiện khởi tố phải mất hằng năm trời.
Trong chương trình, bà Hoạt chia sẻ các hành động thanh lọc thị trường là hoàn toàn cần thiết để giúp thị trường phát triển lâu dài. Đối với thị trường cổ phiếu giúp thanh lọc các hành vi làm giá và bảo vệ NĐT cá nhân nhỏ lẻ. Đối với thị trường trái phiếu giúp các tổ chức phát hành hoạt động đúng pháp luật.
Hai năm qua, thị trường trái phiếu đã phát triển quá nóng, tăng về lượng nhưng giảm về chất trong khi NĐT cá nhân chú ý quá nhiều đến lãi suất. Hai năm tiếp theo khi vào điểm rơi của trái phiếu đến hạn, các tổ chức phát hành có khả năng không thể trả gốc và lãi, dẫn đến hiệu ứng domino.
Chính sách phát triển không ảnh hưởng đến sự sôi động của thị trường
Trước những thông tin tiêu cực về các vụ việc xử lý vi phạm, thị trường chứng khoán liên tục biến động mạnh. Giới đầu tư lo ngại chính sách thị trường sẽ tiếp tục thay đổi trong thời gian tới, ảnh hưởng đến sự sôi động của dòng tiền đầu tư.
Ông Hải khuyến nghị NĐT có thể hoàn toàn yên tâm vì thị trường vẫn còn nhiều tín hiệu lạc quan. Trong 4 tuần gần đây, thanh khoản giảm mạnh nhưng nếu so với năm 2019 vẫn cao gấp 4 lần. Sở hữu của NĐT nước ngoài vẫn ở mức 52 tỷ USD, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á.
"Động thái gần đây của cơ quan quản lý không nhằm thay đổi chính sách mà để đảm bảo thị trường chứng khoán phát triển theo đúng lộ trình đề ra".
Cùng quan điểm, bà Hoạt nhận định NĐT vẫn chưa rời bỏ thị trường. Luỹ kế 4 tháng đầu năm, số lượng mở mới tài khoản vẫn được duy trì, gần 800.000 tài khoản. Bên cạnh đó, nhìn vào giao dịch cổ phiếu, nhóm cổ phiếu biến động mạnh nhất là cổ phiếu đầu cơ và dòng tiền vẫn tìm về nhóm cơ bản. Cuối cùng, đối với thị trường trái phiếu, khối lượng giao dịch vẫn đạt 400 – 500 tỷ/ngày trong tháng 4, tương đương tháng trước.
Trong ngắn hạn, tâm lý NĐT chắc chắn bị ảnh hưởng nhưng về dài hạn, NĐT, tổ chức phát hành và đơn vị đầu tư chuyên nghiệp vẫn sẵn sàng tham gia thị trường.