Cuối tuần qua, MoMo đã tổ chức thành công sự kiện MoMo Tech Meetup với chủ đề “Tech. Chia sẻ và Kết nối” thu hút sự quan tâm và hưởng ứng tích cực của cộng đồng công nghệ tại Đà Nẵng.
Bên cạnh các nội dung về công nghệ, lãnh đạo công nghệ MoMo cũng chia sẻ cụ thể hơn định hướng xây dựng và phát triển Trung tâm công nghệ tại Đà Nẵng cũng như nhu cầu bổ sung nguồn nhân lực tại địa phương và khu vực lân cận.
Mở đầu sự kiện, ông Thái Trí Hùng, CTO MoMo đã chia sẻ thông tin tổng quan về hành trình, định hướng phát triển chiến lược của MoMo trong thời gian tới, đồng thời đưa ra đánh giá về tốc độ phát triển công nghệ của Việt Nam: “Tại Indonesia, với sự hỗ trợ từ Chính phủ, năm 2019 - 2020, sau khi quốc gia này có 6 công ty Kỳ Lân (còn ở thời điểm hiện tại là 8), việc thu hút nhân sự công nghệ trở nên rất khó khăn, các công ty nhỏ hơn không thể tìm được kỹ sư giỏi để phát triển.
Tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ gặp vấn đề tương tự trong 2-3 năm nữa, do đó việc chuẩn bị đội ngũ cho mục tiêu tăng trưởng -ngày càng lớn là rất quan trọng. Cách đây ba năm, MoMo quyết định mở trung tâm công nghệ tại Hà Nội, rất tiếc kế hoạch tại Đà Nẵng phải trì hoãn do dịch. Hiện tại, chúng tôi đang tích cực tìm kiếm “đồng đội” và xúc tiến việc thành lập Tech Hub tại đây”.
Chia sẻ thêm về lý do chọn Đà Nẵng, ông Hùng cho biết: “Sản phẩm MoMo đã có sự hiện diện tại các thành phố lớn như TP HCM hay Hà Nội và một trong những trọng tâm trong năm nay sẽ phải mở rộng cung cấp ở các khu vực thành phố cấp 2, cấp 3.
Chúng tôi chọn Đà Nẵng vì tin rằng sẽ có cơ hội để hiểu rõ hơn nhu cầu, tâm lý người dùng để phục vụ người dân nơi đây tốt hơn, từ đó đi sâu hơn đến các khu vực lân cận. Trước mắt, MoMo tập trung việc thu hút nhân sự, xây dựng đội ngũ công nghệ (Tech) tại đây, kỳ vọng trong năm tới, sẽ hoàn thiện các bộ phận khác (non-tech) để xây dựng Trung tâm công nghệ Đà Nẵng với vai trò và quy mô tương đương so với TP HCM hay Hà Nội.”
Phát biểu tại sự kiện, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng cũng cho biết: “TP Đà Nẵng đã có những kế hoạch cụ thể phát triển thành phố trở thành đô thị thông minh, thu hút nhiều hơn các kỳ lân như MoMo đến và đầu tư phát triển.
Song song với Dự án chuyển đổi số hướng tới thành phố thông minh đang triển khai, thành phố cũng đang lên kế hoạch cho Dự án xây dựng Đà Nẵng trở thành Trung tâm Tài Chính mới của khu vực”.
“Trước mắt, thành phố dự kiến sẽ đưa vận hành khu công việc phần mềm số 2, tại đây sẽ có không gian về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các doanh nghiệp về phần mềm, vì vậy nhu cầu về nguồn nhân lực công nghệ là rất lớn.
Theo đó, thành phố đang tích cực làm việc cùng các trường đại học phát triển nguồn đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn, tạo điều kiện để lao động trong lĩnh vực công nghệ ở lại đóng góp cho quê hương, đồng thời có chính sách khuyến khích, thu hút chuyên gia, nhân tài khu vực tỉnh thành khác đến Đà Nẵng làm việc và sinh sống”, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng nói thêm.
Trong khuôn khổ ba tiếng đồng hồ của sự kiện, chương trình cũng ghi nhận hàng loạt câu hỏi cho các diễn giả MoMo, bày tỏ quan tâm xoay quanh các chủ đề: Công nghệ xây dựng của siêu ứng dụng MoMo, công nghệ giải quyết bài toán quy mô lớn (large scale), ứng dụng AI; Big Data tại MoMo...
Trong đó hàng loạt câu hỏi như “MoMo ứng dụng AI như thế nào, thông qua tính năng gì”, “Làm AI có khó không”, “Cần gì để trở thành AI Engineer”,... đã cho thấy sự quan tâm của cộng đồng công nghệ Đà Nẵng đối với công nghệ và cơ hội làm việc trong lĩnh vực này.
Cuối năm 2021, MoMo công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ 5 (Series E). Công ty đã nhận số tiền đầu tư trị giá khoảng 200 triệu USD từ các nhà đầu tư toàn cầu bao gồm Mizuho, Ward Ferry, Goodwater Capital và Kora Management.
Vòng gọi vốn lần này được dẫn dắt bởi Mizuho – Ngân hàng toàn cầu Nhật Bản. Trả lời phỏng vấn Bloomberg, Founder Nguyễn Mạnh Tường cho biết khoản đầu tư mới nhất mang lại cho công ty mức định giá hơn 2 tỷ USD. Như vậy, MoMo đã trở thành kỳ lân tiếp theo của Việt Nam.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang có tổng cộng 4 kỳ lân bao gồm VNG, VNLIFE, MoMo và Sky Mavis.