Năm 2021 là một năm đầy khó khăn của ngành kinh doanh ẩm thực và đồ uống (F&B). Với mong muốn hỗ trợ các nhà hàng/café "lên đồ" bằng những thông tin đắt giá nhằm trang bị đầy đủ vũ khí để nâng cao hiệu quả kinh doanh trong thời kỳ "bình thường mới", Ipos.vn và KBank Việt Nam đồng tổ chức tọa đàm trực tuyến: "Bứt tốc ngành F&B hậu Covid-19".
Ở thời điểm hiện tại, khi du lịch mở cửa trở lại, các doanh nghiệp F&B đón nhận thêm rất nhiều tin vui từ sự phục hồi của thị trường. Dù vậy, vực dậy sau đại dịch vẫn là câu chuyện không hề dễ dàng.
Quý 3/2021, 60% hàng quán đóng cửa, và đến giờ không mở lại nữa
Chia sẻ những đánh giá của mình về thị trường F&B trong năm 2021, bà Nguyễn Trúc Chi - CEO Green F&B Vietnam, chuyên gia với 25 năm kinh nghiệm trong ngành cho rằng: Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng to lớn tới rất nhiều doanh nghiệp (DN), nhất là các DN F&B với đặc thù "phục vụ tại chỗ", khách hàng đi đến điểm bán không chỉ ăn uống mà còn trải nghiệm.
Bà Nguyễn Trúc Chi – CEO Green F&B Vietnam
Với nhiều lệnh giãn cách từ chỉ thị 15, chỉ thị 16 lúc thì đóng cửa, lúc thì mở cửa nên 2 từ ‘thích ứng" là hai từ phải dùng nhiều nhất. Bà Trúc Chi cho biết bản thân bà cũng cảm thấy bất lực vì không thể làm được gì, đành phải co cụm lại để đào tạo nội bộ.
Tác động lớn nhất của đại dịch chính là thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng. Mọi người đã chuyển đổi từ việc đi tới nhà hàng/quán ăn sang mua hàng online, nên chủ DN phải xây dựng cho mình một kênh bán hàng riêng để tối ưu hóa hoạt động hậu đại dịch.
Dưới góc độ là một chuyên gia chuyên đưa ra những giải pháp công nghệ cho các DN F&B, CEO Ipos.vn Vũ Thanh Hùng nhận định: Năm 2021, các DN mở mới chỉ còn 20% so với cùng kỳ các năm trước đó. Đây là một con số thấp gây khủng hoảng và sốc cho cộng đồng DN. Trong quý 3/2021, số lượng nhà hàng/quán ăn đóng cửa lên đến hơn 60%, trong đó chỉ có hơn 30% hàng quán đạt doanh thu trung bình từ 30 đến 50% so với lúc bình thường. Rất đáng buồn vì phần lớn trong số 60% hàng quán đóng cửa khi đại dịch bây giờ không mở lại.
Bài toán: Thích ứng hay là chết?
Trên thực tế, Covid không chỉ mang lại toàn những rủi ro, vẫn có những cơ hội cho các DN F&B tự điều chỉnh, rà soát, phân tích lại những gì mình đã làm, từ đó có những kế hoạch cụ thể cho tương lai tốt hơn.
Câu chuyện chuyển đổi thói quen của khách hàng ảnh hưởng rất lớn đến các ngành F&B. Theo các chuyên gia, đối với đơn vị chỉ phục vụ tại chỗ, không có kênh bán hàng giao đi sẽ phải chịu ảnh hưởng trầm trọng. Hay những nơi chỉ bán hàng giao đi mà không phục vụ tại chỗ cũng phải đối mặt với khó khăn vì không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận thấp (do các app đang thu từ 20-25% trên 1 đơn hàng giao đi).
Thói quen của khách hàng trong Covid thay đổi đã thúc đẩy nhu cầu rất lớn về chuyển đổi số từ các nhà hàng, quán ăn, sao cho vừa xây dựng kênh bán hàng riêng cho mình mà không quá phụ thuộc vào bên thứ 3, chủ động nhận đặt hàng từ khách hàng, thu thập được data và xử lý tập tin khách hàng của mình. Nếu chỉ bán hàng qua app thì DN không biết khách hàng của mình đang ở đâu và chăm sóc họ như thế nào.
Theo chia sẻ từ diễn viên Lan Phương, trải nghiệm khách hàng cũng là một yếu tố cực kỳ quan trọng giúp giữ chân khách hàng và khiến họ quay lại quán sau dịch.
"Mô hình quán café Lalina Kids liên quan trực tiếp đến trải nghiệm tại chỗ cho trẻ em, làm sao cho các phụ huynh yên tâm đưa con đến quán là điều không hề dễ dàng. Yếu tố vệ sinh an toàn được đặt lên hàng đầu. Từ lúc bùng dịch covid, quán luôn tuân thủ tốt nhất các quy định phòng dịch, từ khẩu trang, đo nhiệt độ, đến rửa tay khử khuẩn. Sau khi khách đi, nhân viên sẽ xịt cồn khử khuẩn tất cả đồ chơi của các bé cũng như toàn bộ không gian. Chính điều này đã khiến cho khách hàng cảm thấy an toàn và đây cũng là một trong những lý do khi được mở cửa lại thì khách hàng vẫn quay trở lại như trước thời kỳ đại dịch", Lan Phương cho biết.
Founder & CEO Lalina Kids Cafe - Diễn viên Lan Phương
Giới thượng lưu và trung lưu là động lực tăng trưởng trở lại của ngành F&B
Theo ông Hùng, khi mô hình kinh doanh dịch chuyển sang online thì việc áp dụng công nghệ là điều tất yếu. Tất cả các DN đều phải thực hiện chuyển đổi số nhưng không phải ai cũng áp dụng được công nghệ nên việc hoàn thiện sản phẩm phải đơn giản để ai cũng có thể áp dụng được. Bên cạnh đó, các nhà hàng vẫn phải phân bổ nguồn lực cho hợp lý như một số món thì tự bán, một số món đưa qua các nền tảng công nghệ sẽ giúp cho DN duy trì và sống sót qua đại dịch.
Nhận định về thời cơ và thách thức trong ngành F&B trước tình hình hiện nay. Diễn viên Lan Phương cho rằng: "Đại dịch đã khiến cho rất nhiều DN đóng cửa vĩnh viễn, đây chính là cơ hội khá lớn cho các DN còn lại. Tuy nhiên, một số thách thức khá lớn hiện nay như sau đại dịch, phần đông người dân không còn thói quen ra ngoài ăn uống mà hay gọi đồ ăn về nhà, điều này sẽ gây không ít khó khăn cho các hàng quán mà thực khách phải đến tận nơi mới trải nghiệm được".
Theo bà Trúc Chi, trong điều kiện bình thường mới hiện nay, nguồn tiền của các DN cạn kiệt do phải cố gắng tồn tại trong thời gian đại dịch, vừa phải chi trả lương cho nhân viên, vừa phải trả tiền mặt bằng cũng là một trong những thách thức. Nhưng thách thức hiện nay cũng là cơ hội cho nhiều nhà đầu tư mới muốn nhảy vào lĩnh vực F&B. Các nhà đầu tư có thể bỏ tiền ra mua cổ phần của những DN vẫn đang còn hoạt động nhưng cạn kiệt vốn để duy trì với giá rẻ hơn. Bên cạnh đó, nhiều DN đóng cửa, trả mặt bằng cũng giúp cho nhiều DN mới tìm được mặt bằng đẹp để đặt vị trí mới đẹp và phù hợp hơn.
Ông Vũ Thanh Hùng đánh giá: Sau thời gian phải giãn cách ở nhà, khá nhiều người dân lại muốn ra đường để trải nghiệm tại quán hơn là gọi đồ ăn về nhà. Những ngày gần đây, dựa trên thống kê của iPos thì lượng bill ăn tại chỗ tăng lên đáng kể từng ngày. Đây chính là cơ hội cho các DN offline. Các công ty công nghệ đang hỗ trợ các DN F&B rất nhiều trong việc chuyển đổi số 100%, từ khâu quản trị đến bán hàng, chăm sóc khách hàng để có thể tối ưu hóa kênh bán hàng của mình.
Ông Vũ Thanh Hùng - CEO iPos.vn.
Cơ hội thứ 2 chính là việc du lịch nội địa quay trở lại khiến cho các nhà hàng ở những tỉnh thành du lịch như Quảng Ninh, Kiên Giang (Phú Quốc) sẽ đón thêm nhiều khách đến. Bên cạnh đó, các gói tài chính kích thích của Chính phủ cũng đã bắt đầu ngấm dần sẽ thúc đẩy lượng tiêu dùng của khách hàng.
Tuy nhiên, việc tiếp cận tệp khách hàng du lịch vãng lai của các DN F&B cũng không hề dễ dàng. Phải làm sao để chăm sóc, duy trì, khai thác được các khách ở địa phương sở tại, cần có những cách làm mới mẻ để thu hút khách quay trở lại với hàng quán của mình.
Nói về ảnh hưởng của từng phân khúc khách hàng tới ngành F&B, bà Trúc Chi nhận định: "Thói quen tiêu dùng mới của phân khúc khách hàng cao cấp thì mùa dịch gần như không thay đổi gì, họ vẫn sống ở các khu biệt thự, căn hộ cao cấp nên các tiện ích vẫn được đáp ứng, thực phẩm vẫn được cung cấp đều đặn. Khi xã hội bình thường trở lại thì phân khúc khách hàng này lại đua nhau đi du lịch. Đây chính là lượng khách có tác động và ảnh hưởng khá lớn tới các DN F&B.
Với các phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình thì họ chật vật vì tài chính cá nhân và khi bình thường hóa thì họ lại quay trở lại tập trung làm việc nên cũng ít nấu ăn và thường đi ăn ngoài. Đây cũng là phân khúc khách hàng vô cùng tiềm năng cho các DN F&B vì phân khúc khách này có thể hạn chế mua sắm nhưng lại rất thích ăn uống, giải trí, nhậu nhẹt tại chỗ hơn là mang về nhà."