Khởi nghiệp

Làn sóng mới ở thị trường lao động chịu tiếng "làm việc tới chết": Doanh nghiệp lớn giảm dần sự hấp dẫn, người trẻ tìm cơ hội mới ở các công ty khởi nghiệp

Làn sóng mới ở thị trường lao động chịu tiếng "làm việc tới chết": Doanh nghiệp lớn giảm dần sự hấp dẫn, người trẻ tìm cơ hội mới ở các công ty khởi nghiệp - Ảnh 1.

Ảnh: Financial Times

Các doanh nghiệp Nhật Bản đã phải đối mặt với sự thay đổi mạnh mẽ vào năm 2021. Những công ty có truyền thống, phương thức làm việc và kỳ vọng nghề nghiệp hầu như không thay đổi trong nhiều thập kỷ, buộc phải nhanh chóng thích ứng với các quy tắc làm việc tại nhà trong đại dịch, hội họp từ xa, hệ thống phân cấp phân quyền gián đoạn, và sự sụp đổ đột ngột của “văn hóa điểm danh” trên văn phòng.

Đằng sau tất cả những điều đó, đang có một sự biến chuyển ở các công ty Nhật Bản. Sau nhiều thập kỷ giảm phát, tiền lương trì trệ, cùng các dấu hiệu suy thoái, nhiều người trẻ ở đất nước mặt trời mọc nghĩ rằng các công ty cần trao cho nhân viên nhiều thứ hơn, như khen thưởng, khích lệ, cơ hội thăng tiến nhanh chóng hay thậm chí là thách thức chấp chận rủi ro.

Các công ty lớn hầu như không cảm thấy áp lực trong việc cải tổ văn hóa làm việc của mình, do sự ổn định và quy mô đã thu hút được những nhân viên tài năng nhất. Cho đến vài năm gần đây, họ đang phải đối mặt với một mối đe dọa mới.

Theo Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm Nhật Bản (JVCA), tính đến cuối cuối năm 2021, hơn 1/5 nhân sự rời các công ty lớn để gia nhập các công ty khởi nghiệp (startup), so với 8% vào năm 2018. Tỷ lệ này có thể tiếp tục tăng lên tới 25%, thành viên JVCA cho biết.

Một tân cử nhân Đại học Keio, 26 tuổi, hiện đang đàm phán để chuyển từ một trong những ngân hàng lớn nhất Nhật Bản sang làm việc tại một startup đặt tại Kyoto. “Đối với nhiều người cùng lứa tuổi với tôi, các công ty khởi nghiệp cung cấp một môi trường làm việc khác – dẫu vẫn còn rất nhiều áp lực – nhưng đó là áp lực mà bạn mong muốn. Khi bạn đang học đại học và lựa chọn công việc, bạn không thấy điều đó. Nhưng sau vài năm làm việc ở một công ty lớn, bạn có thể nhận ra sự khác biệt rõ ràng,” cô nói.

Các doanh nghiệp mới của Nhật Bản không chỉ hấp dẫn với các nhân tài mà còn đang bắt đầu định nghĩa lại môi trường làm việc. Điều này đặt ra thách thức trực tiếp đối với các công ty lớn – nơi mà những hạn chế cố hữu về thâm niên và việc từ chối đánh giá công việc của nhân viên văn phòng một cách chỉn chu hơn là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng nhảy việc.

Trong khi đó, thị trường khởi nghiệp ở Nhật Bản đã diễn ra rất nhiều sự thay đổi. James Riney, giám đốc điều hành của công ty đầu tư mạo hiểm Coral Capital có trụ sở tại Tokyo, cho biết đầu tư vào các công ty khởi nghiệp ở Nhật Bản đã tăng khoảng 10 lần trong 9 năm qua, giúp thu hút một lượng lớn nhân tài trên khắp đất nước. “Sự hỗ trợ về mặt tài chính và pháp lý của chính phủ Nhật Bản không chỉ giúp việc khởi nghiệp trở nên dễ dàng hơn mà còn trở nên phổ biến hơn,” vị này nói thêm.

Trong khi đó, theo Kathy Matsui, đồng sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm MPower Partners có trụ sở tại Tokyo, nhận xét rằng sự hỗ trợ của chính phủ chỉ là một trong nhiều yếu tố đằng sau sự thay đổi này.

“Một số nhân viên tại các công ty lớn của Nhật Bản sẽ nhìn vào quả cầu sự nghiệp của họ và có thể dự đoán được con đường thăng tiến cũng như lương bổng của mình chỉ ở mức ổn chứ không phải là tuyệt vời. Trong khi đó, ở các công ty khởi nghiệp, bạn có thể ngay lập tức hoặc rất nhanh chóng nắm giữ một vị trí quan trọng và có tác động thực sự đến một doanh nghiệp có khả năng mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều,” Matsui nói.

Theo JVCA, các công ty khởi nghiệp cũng đang ngày càng nới rộng khoảng cách lương với các công ty truyền thống. Theo đó, mức lương trung bình ở các startup vào năm 2022 cao hơn 580.000 yên so với các công ty niêm yết lớn. Trong khi đó, hai năm trước sự cách biệt là 90.000 yên.

Ngoài ra, nhiều người trẻ Nhật Bản nghĩ rằng nếu ở lại những công ty lớn mang tính truyền thống quá lâu, họ có thể không đạt được những kỹ năng cần thiết để xây dựng sự nghiệp trong một thế giới công nghệ thay đổi nhanh chóng. Vì thế, các công ty khởi nghiệp được coi là nơi phù hợp để đạt được những kỹ năng đó.

Tham khảo: FT

Cùng chuyên mục

Đọc thêm