Quỹ đầu tư Antler đến Việt Nam không sớm – từ 2021, nhưng với chiến lược hoạt động đặc biệt và khác biệt so với thị trường, hiện họ có danh mục đầu tư đa dạng ngành nghề và phong phú nhất với 34 startup.
Để hình dung, cùng nhìn sang DO Ventures của Hoàng Lê Vy và Shark Dũng Nguyễn được xem là một quỹ hoạt động sôi nổi nhất thị trường Việt Nam, sau 3 năm hoạt động cũng mới có 15 dự án trong danh mục đầu tư. Hay Zone Startups Việt Nam – một vườn ươm có quỹ đầu tư, mô hình khá giống Antler cũng mới có 20 dự án trong danh mục đầu tư sau 5 năm hoạt động ở thị trường Việt Nam.
Chương trình Antler's Residency giúp các Nhà sáng lập biến ý tưởng ý tưởng thành dự án cụ thể
Trên website, Antler tự giới thiệu như sau: Antler là nhà đầu tư đứng đằng sau hỗ trợ những Nhà sáng lập năng động nhất thế giới, từ giai đoạn 'không có gì trở thành vĩ đại'.
Khi thành lập năm 2017 ở Singapore bởi Magnus Grimeland và khởi động chương trình Residency năm 2018, Antler chỉ tập trung đầu tư vào giai đoạn sớm của startup, nhưng sau thời gian phát triển, đến 2021 họ đã tham gia đầu tư tới Series C. Theo đó, họ phần nào đã thực hiện đúng lời hứa ban đầu khi ra mắt Antler.
Hơn nữa, hình thức hỗ trợ các startup ươm mầm từ ý tưởng cho tới khi trưởng thành của Antler khá mới mẻ ở Việt Nam. Ở Việt Nam, các vườn ươm biến ý tưởng trở thành dự án cụ thể thuộc về trách nhiệm của Nhà nước và Xã hội, như BK Holdings trực thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội hay SHTP thuộc Khu công nghệ cao TP.HCM.
Các vườn ươm kết hợp quỹ đầu tư của tư nhân như Zone Startups Việt Nam sẽ hỗ trợ dài hạn những startup đã có chút tiếng tăm tăng tốc chiếm lĩnh thị phần. Ngoài ra, hầu hết quỹ đầu tư giai đoạn sớm đều có các chương trình đào tạo tăng tốc ngắn hạn dành cho các startup được chọn như Saola Accelerator của 500 Startups.
Theo chia sẻ của Đối tác điều hành Antler Việt Nam – Erik Jonsson, mỗi năm, số lượng đăng ký chương trình Residency lên đến 5.000 ứng viên và chỉ có 5% cá nhân được chọn.
Antler's Residency có cả ứng viên Việt Nam, Việt kiều lẫn nước ngoài, cả người có ý tưởng kinh doanh đổi mới sáng tạo lẫn chưa có, chỉ cần họ có khát khao khởi nghiệp. Tiêu chí lựa chọn người tham gia Day Zero là những ứng viên có tinh thần ứng biến nhanh chóng, sẵn sàng học hỏi, có trách nhiệm, có kinh nghiệm điều hành, cam kết thực hiện dự án.
Cụ thể hơn, sau khi nhận 5.000 hồ sơ, họ sẽ tiến hành phỏng vấn và thường sẽ nhận khoảng 70 nhà sáng lập để đào tạo trong Day Zero ở 10 tuần liên tiếp, nhằm biến ý tưởng trên giấy tờ thành mô hình kinh doanh cụ thể.
Khi gặp nhau tại Day Zero, những nhà khởi nghiệp sẽ được tham gia vào khoá đào tạo chuyên sâu, thảo luận dự án của mình cùng đồng đội và những người có chung đam mê, từ đó học hỏi lẫn nhau và trao đổi những góp ý mang tính xây dựng. Với những buổi thảo luận như vậy, người tham gia sẽ gom góp được ý kiến - kinh nghiệm từ tập thể và dần hoàn thiện dự án của mình.
Antler có trách nhiệm thu thập cơ sở dữ liệu với quy mô toàn cầu để những người đang ấp ủ dự án của mình có thể tham khảo và học hỏi từ những người đã khởi nghiệp thành công trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều quốc gia.
"Quỹ đầu tư bình thường chỉ cần 3-5 lượt gặp mặt để đi đến quyết định đầu tư, còn Antler dành đến 200-300 tiếng để làm việc và huấn luyện, mất rất nhiều thời gian", Shark Erik cho hay. Hơn nữa, hiện tại nhân sự của Antler Việt Nam mới có 4 người và ông còn tham gia Shark Tank Việt Nam 2023, nên khối lượng công việc hằng ngày của ông rất nhiều.
Tuy nhiên, thành quả mà Antler nhận được khá xứng đáng khi 75% dự án ở Day Zero được họ đầu tư cố định 110.000 USD/startup để nắm giữ 12% vốn của mỗi dự án. Hiện 32/34 startup trong danh mục đầu tư của Antler Việt Nam đến từ Antler's Residency, với Nhà sáng lập đến từ 32 đất nước khác nhau, 56% dự án trong danh mục đầu tư có ít nhất 1 Founder nữ.
Đã có 4 chương trình Antler's Residency diễn ra ở Việt Nam từ năm 2021, với tổng số tiền đầu tư lên đến 3 triệu USD.
Vào tháng 10/2023, Antler đã khởi động chương trình ươm tạo lần thứ 5 của mình. Naki - Augmented Hype – Upbrand là 3 trong những dự án hình thành ở Day Zero lần 5 và họ có nhiệm vụ phải pitching từng tuần với ông Erik cùng đội ngũ Antler Việt Nam, để báo cáo tiến trình phát triển cũng như bàn bạc để chỉnh sửa – cải tiến những thứ chưa được của dự án.
Antler ưu tiên các nhà khởi nghiệp vì đam mê hơn là vì tiền
"Sự thật là không phải tất cả dự án xuất hiện trong Day Zero đều được Antler đầu tư. Để lọt vào mắt xanh của chúng tôi, dự án phải có các tiêu chí sau: thị trường giàu tiềm năng - quy mô phải đạt 100 triệu USD trong 5-10 năm tới; có khả năng mở rộng thị trường ra nước ngoài – ít nhất là khu vực Đông Nam Á; và Nhà sáng lập phải có khát vọng lớn", Shark Erik Jonsson tiếp tục chia sẻ.
Như mọi quỹ đầu tư giai đoạn sớm khác, Antler đầu tư startup chính là đang đầu tư vào các Nhà sáng lập, nên họ cũng đặc biệt xem xét kỹ yếu tố này. Antler đặc biệt đánh giá cao những Nhà sáng lập có nhiều khát khao và đam mê với công việc/giải pháp mà họ đang thực hiện. Ngược lại, họ sẽ không đầu tư vào những Nhà sáng lập tham gia khởi nghiệp vì muốn kiếm nhiều tiền hoặc để làm giàu.
"Vậy nên, nếu nhìn rộng ra, thì lợi thế cạnh tranh của Antler so với các quỹ đầu tư giai đoạn sớm khác là các startup có thể tiếp cận chúng tôi ngay từ giai đoạn mới có ý tưởng. Hơn nữa, chúng tôi sẽ nhìn vào Nhà sáng lập và tiềm năng của thị trường trước khi nhìn vào các con số hoặc hiệu quả kinh doanh như các quỹ đầu tư khác", ông cho hay.
Ở khía cạnh khác, dù chuyên đầu tư ở giai đoạn sớm, nhưng Antler cam kết sẽ hỗ trợ startup thu hút vốn đầu tư từ các quỹ khác và sẽ đồng hành với startup ít nhất trong 10 năm hoặc cho đến khi họ trở thành 'kỳ lân' hay lên sàn chứng khoán. Vậy nên, ở thời điểm này, Antler chưa có kế hoạch exit ở thị trường Việt Nam.
Hiện tại, BUYO Bioplastics và Alternō đang là 2 startup nổi bật trong danh mục đầu tư của Antler Việt Nam. Antler cũng đã xuống tiền cho startup Seesaw mà Shark Erik 'săn' được trên chương trình Shark Tank Việt Nam 2022.
BUYO Bioplastics hoạt động trong lĩnh vực nhựa sinh học và có các nhà Đồng sáng lập là Đỗ Hồng Hạnh (CEO), Hoa Trinh, Thu Vương (CTO), Linh Le (COO). Dù mới thành lập từ 2022, song bảng thành tích của BUYO Bioplastics rất đáng gờm, họ vừa mới trở thành nhà vô địch của Techfest Việt Nam 2023.
Vào tháng 12/2022, BUYO Bioplastics đã chiến thắng giải thưởng lên đến 340 triệu đồng (tương đương 15.000 USD) và một tấm vé vàng tham gia chương trình toàn cầu của AB InBev - là 100+ Accelerator. Vào tháng 5/2023, BUYO cũng huy động được khoản tiền tài trợ pre-seed do văn phòng gia đình Aldebaran Capital có trụ sở tại Singapore dẫn đầu. Giá trị cụ thể của thương vụ không được tiết lộ.
3 Nhà sáng lập pin cát Alternō là Nguyễn Quốc Nam, Hải Hồ và Kent Nguyễn gặp nhau lần đầu tại Day Zero của Antler năm 2022. Hải Hồ là một khuôn mặt quen thuộc của làng khởi nghiệp Việt Nam, khi anh chính là Nhà đồng sáng lập của Triip – startup về công nghệ du lịch nổi tiếng ở nước ta.
Tháng 2/2023, Alternō tham gia chương trình ươm tạo công nghệ phần cứng của Qualcomm và sau đó được hỗ trợ 10.000 USD tiền mặt cùng 5.000 USD để tiến hành đăng ký bằng sáng chế cho pin cát ở Việt Nam.
Antler đã đầu tư vào hơn 900 công ty khởi nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau ở 30 thành phố trên toàn cầu; mục tiêu đến năm 2030, Antler đầu tư vào 6.000 công ty startup. Hiện Antler đã huy động được 285 triệu USD cho các vòng đầu tư phía sau. Mặt khác, trong danh mục đầu tư của họ chưa xuất hiện bất cứ 'kỳ lân' nào.