Ngày 21/4, TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, khuyên như trên, thêm rằng khoảng 80% người sau đột quỵ đối mặt di chứng, tổn thương não khó hồi phục với nhiều mức độ khác nhau. Riêng tại bệnh viện, mỗi tháng các bác sĩ tiếp nhận điều trị phục hồi cho hơn 100 trường hợp sau đột quỵ.
Tùy độ rộng, độ nặng của tổn thương não và thời gian chữa trị, người bệnh sau đột quỵ có thể gặp các di chứng do khiếm khuyết chức năng thần kinh như rối loạn vận động (tê yếu, khó đi lại, khó cầm nắm), rối loạn ngôn ngữ (nói khó, nói dính chữ, nói đớt) hoặc nuốt khó, nuốt đau, nghẹn. Người bệnh cũng có thể bị đau nhức và rối loạn nhận thức, tâm lý, dễ căng thẳng, nhạy cảm, trầm cảm...
"Giai đoạn phục hồi tốt nhất sau đột quỵ thường bắt đầu sau 24 giờ kể từ thời điểm xảy ra triệu chứng đột quỵ đến tháng thứ ba", bác sĩ Đức nói. Quá trình phục hồi này cần kết hợp điều trị đa mô thức và thường tiếp diễn chậm hơn trong khoảng 3-6 tháng sau đột quỵ. Do tính mềm dẻo của thần kinh, một số trường hợp cũng có khả năng phục hồi thêm sau đó, nhưng tốc độ chậm hơn.
Người bệnh sau đột quỵ thường cần tập phục hồi sớm nhằm tận dụng thời gian "vàng" để cứu các tế bào não. Các tổ chức não lành có thể bù trừ chức năng của vùng não bị tổn thương, đẩy nhanh quá trình hồi phục. Thông thường, người bệnh cần tập điều trị kết hợp nhiều phương thức ngay trong thời gian nằm viện. Khi xuất viện, người bệnh cần duy trì tập tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ và tái khám, tập phục hồi tại bệnh viện theo lịch hẹn.
Đơn cử bà Ngọc, 72 tuổi, đột quỵ xuất huyết não, nhập viện sau 8 giờ, bỏ lỡ "giờ vàng", được mổ cấp cứu bằng robot mổ não ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), thoát nguy kịch nhưng di chứng tê yếu nửa người bên trái, đau nhức. Còn ông Phúc, 65 tuổi, đột quỵ nhồi máu não, được bác sĩ truyền thuốc tiêu sợi huyết và can thiệp nội mạch loại bỏ huyết khối trong giờ thứ ba. Ông phục hồi tốt song gặp di chứng như nói khó, nuốt khó.
Hội chẩn đa chuyên khoa, bác sĩ chỉ định điều trị, phục hồi chức năng sau đột quỵ cho bà Ngọc và ông Phúc theo phác đồ đa mô thức trên từng cá thể hóa. Cụ thể là gồm dùng thuốc phòng ngừa đột quỵ tái phát, kiểm soát bệnh nền, vật lý trị liệu, tập phục hồi chức năng kết hợp các kỹ thuật hiện đại.
Dù gặp nhiều khó khăn song nhờ các bác sĩ và kỹ thuật viên phục hồi chức năng đồng hành, động viên, bà Ngọc và ông Phúc tuân thủ đúng chỉ định điều trị, bắt đầu tập phục hồi chức năng sớm theo tình trạng sức khỏe. Sau ba tháng điều trị tích cực, hai người bệnh cải thiện rõ rệt di chứng tê yếu, nói khó, nuốt khó, có thể đi lại, nói chuyện chậm rãi, rõ từ, đủ ý. Bác sĩ tiên lượng cả hai tiếp tục điều trị theo phác đồ đa mô thức thêm 6-9 tháng thì có khả năng phục hồi hoàn toàn, trở lại cuộc sống bình thường.

Người bệnh đang tập phục hồi chức năng. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Theo bác sĩ Minh Đức, nếu huyết áp ổn định, người bệnh đột quỵ nên bắt đầu tập vận động sớm sau 24 giờ. Tuy nhiên, để tránh nguy cơ chảy máu sau đột quỵ, người bệnh cần được bác sĩ đánh giá và theo dõi sát sinh hiệu, đảm bảo không thuộc trường hợp chống chỉ định tập vận động như huyết áp cao hơn 180 mmHg hoặc thấp hơn 90 mmHg. Tại nhà, người bệnh có thể chia nhỏ thời gian tập phục hồi chức năng thành nhiều khoảng thời gian trong ngày. Tổng thời gian tập luyện ít nhất 3 giờ hoặc mở rộng đến 5-6 giờ mỗi ngày. Các bài tập được thiết kế phù hợp với tình trạng ý thức, bệnh lý tim mạch đi kèm của người bệnh.
Để tránh nhàm chán, người bệnh nên thay đổi các bài tập và cách thức tập luyện theo hướng dẫn của bác sĩ, có thể vừa nghe nhạc, xem tivi hoặc nói chuyện trong lúc tập. Một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh kích thích từ trường xuyên sọ giúp thúc đẩy phục hồi di chứng sau đột quỵ.
Kích thích từ trường xuyên sọ tạo ra từ trường mạnh và ngắn có khả năng xuyên qua da đầu và hộp sọ, tác động đến các vùng vỏ não có chức năng vận động, ngôn ngữ, cảm giác đau... Từ đó, tạo ra những thay đổi về sóng điện và chức năng của mạng lưới thần kinh, thúc đẩy quá trình tái tổ chức não, giúp xoa dịu cơn đau, điều trị rối loạn vận động, giấc ngủ sau đột quỵ và hỗ trợ phục hồi di chứng do tổn thương não.

Kích thích từ trường xuyên sọ cho một người bệnh. Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Quá trình điều trị phục hồi di chứng cho người bệnh sau đột quỵ cần phối hợp tốt giữa các chuyên khoa sâu như thần kinh, tim mạch, nội tiết, phục hồi chức năng, dinh dưỡng... nhằm điều trị bệnh nền, kiểm soát nguy cơ tái phát đột quỵ. Bác sĩ Minh Đức khuyên gia đình và người thân nên quan tâm chăm sóc, thường xuyên động viên, khích lệ, hỗ trợ người bệnh hiểu đúng về khả năng phục hồi các di chứng để có quyết tâm, kiên trì điều trị. Tránh tác động tiêu cực đến tâm lý người bệnh trong quá trình điều trị sau đột quỵ.
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |