Tài chính

Lãi suất thấp để hỗ trợ sản xuất, mua sắm dịp tết

Thu hút tiền gửi tiết kiệm

Trong tháng 11 vừa qua đã có 16 ngân hàng thương mại (NHTM) điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm với mức tăng từ 0,1%-0,7%/năm, trong đó có những NHTM như Agribank, Techcombank và MB. Trong 2 tuần đầu tháng 12, thêm 10 NHTM tiếp tục tăng lãi suất tiết kiệm thêm 0,1%-0,25% so với tháng trước. Hiện lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trên thị trường cao nhất đã lên 6,4%/năm.

Lãi suất thấp để hỗ trợ sản xuất, mua sắm dịp tết- Ảnh 1.

Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) duy trì mặt bằng lãi suất tiền gửi ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh nên khó xảy ra “làn sóng” tăng lãi suất. Mặt khác, từ 20-11-2024, Thông tư 48/2024 của NHNN quy định về việc áp dụng lãi suất đối với tiền gửi VND có hiệu lực đã quy định rõ các TCTD khi nhận tiền gửi không được thực hiện khuyến mãi dưới mọi hình thức, niêm yết công khai lãi suất nên tạo sự minh bạch, góp phần ổn định lãi suất.

Lý giải lãi suất tiết kiệm tăng thời gian qua, PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng, sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm phần nào gây áp lực lên thanh khoản hệ thống, dẫn đến lãi suất đầu vào tăng. Thống kê mới nhất từ NHNN cho biết, tính đến ngày 13-12, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng khoảng 12,5% so với cuối năm 2023, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, chỉ ở mức 9%.

“Thông thường, những tháng cuối năm, các NHTM thường tăng lãi suất huy động để hút vốn phục vụ mùa cao điểm sản xuất, kinh doanh cũng như phục vụ nhu cầu tiêu dùng, mua sắm dịp Tết Nguyên đán của người dân. Mặt bằng lãi suất huy động sẽ tăng khoảng 0,5%-1% vào tháng cuối năm nhưng chỉ mang tính chất mùa vụ và sẽ giảm trở lại ổn định vào đầu năm 2025”, PGS-TS Nguyễn Hữu Huân dự báo.

Chuyên gia Công ty Chứng khoán VCBS cũng cho rằng, xu hướng tăng lãi suất huy động khó tiếp diễn nhưng sẽ phân hóa. Theo đó, nhóm các NHTM nhà nước có thể giảm nhẹ lãi suất vào cuối năm theo hướng hỗ trợ nền kinh tế; còn nhóm NHTM tư nhân, đặc biệt là các NHTM quy mô nhỏ vẫn áp lực về tăng lãi suất huy động vì cần vốn cho tăng trưởng tín dụng và đảm bảo thanh khoản. Đặc biệt là vào cuối tháng 11-2024, NHNN vừa tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng (room) tín dụng năm 2024 cho một số NHTM.

Tập trung giải ngân, hỗ trợ doanh nghiệp

Trước việc tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm, nhiều doanh nghiệp lo ngại lãi suất cho vay cũng sẽ nhích lên. Tuy nhiên, với mục đích phục vụ tăng trưởng kinh tế, phục vụ nhu cầu sản xuất, mua sắm tăng cao dịp tết, nhiều ngân hàng vẫn chưa đề cập phương án tăng lãi suất cho vay. Lãnh đạo một NHTM tại TPHCM cho biết, lãi suất đầu vào tăng trong những tháng cuối năm nhưng lãi suất cho vay không tăng khiến biên lợi nhuận ròng (NIM) của ngân hàng giảm mạnh trong quý 3. “Mặc dù lãi suất huy động tiếp tục nhích lên trong 2 tháng qua nhưng ngân hàng vẫn xác định tập trung giải ngân mạnh các gói hỗ trợ lãi suất nhằm thúc đẩy tăng trưởng”, vị này cho hay.

Lãi suất thấp để hỗ trợ sản xuất, mua sắm dịp tết- Ảnh 2.

Báo cáo tài chính quý 3-2024 của các NHTM niêm yết cho thấy, lợi nhuận toàn ngành suy giảm so với quý liền trước chủ yếu do NIM thu hẹp, giảm gần 0,2%; trong khi lãi suất huy động thời gian qua nhích lên, còn lãi suất cho vay chỉ đi ngang. Thống kê của Công ty Chứng khoán MBS, có 12/24 NHTM niêm yết ghi nhận NIM giảm trong 9 tháng đầu năm, nguyên nhân chủ yếu do chi phí vốn giảm, lượng tiền gửi với lãi suất cao trong giai đoạn đầu năm 2023 đã dần đáo hạn, lãi suất cho vay có xu hướng giảm.

Ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc HDBank, cho biết, dù lãi suất huy động có tăng nhẹ, song mặt bằng chung vẫn đang nằm ở mức rất thấp. Chưa kể, với xu hướng giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), nguồn vốn ở các ngân hàng đang được hỗ trợ thêm từ dòng vốn ngoại, giúp các ngân hàng duy trì chi phí vốn ổn định. “Với mức độ tăng trưởng GDP khoảng 7% và mức lạm phát như hiện nay, lãi suất cho vay đang hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp”, ông Trần Hoài Nam chia sẻ.

Trong khi đó, để có nguồn lực giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, lãnh đạo Agribank cho biết, ngân hàng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tiết giảm chi phí. “Từ đầu năm đến nay, Agribank đã 4 lần giảm lãi suất cho vay từ 1%-2,5%/năm, mức giảm cao hơn nhiều so với mức giảm của lãi suất huy động. Tính đến 30-11, lãi suất cho vay bình quân của Agribank đã giảm khoảng 1,5%/năm so với đầu năm, giảm sâu hơn so với tốc độ giảm bình quân toàn hệ thống ngân hàng ở mức 0,96%/năm. Hiện lãi suất cho vay của Agribank từ 5%/năm đối với ngắn hạn và từ 7%/năm đối với trung dài hạn”, một lãnh đạo Agribank cho hay.

Ở góc độ chuyên gia tài chính, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, đánh giá, dù lãi suất huy động có tăng nhưng diễn biến của lãi suất cho vay vẫn tích cực, thậm chí còn giảm khoảng 1 điểm % so với đầu năm nay. Những yếu tố tích cực này đang hỗ trợ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cũng cho biết, tín dụng 11 tháng tại TPHCM tăng trưởng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng hai con số khi kết thúc cả năm 2025 theo kế hoạch. “Ngoài nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh và mua sắm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, lãi suất cho vay thấp cũng khuyến khích doanh nghiệp, hộ gia đình vay vốn và thúc đẩy các tổ chức tín dụng giải ngân các gói tín dụng ưu đãi. Trong các tháng còn lại của năm, tín dụng sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, ông Lệnh cho hay.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm