Lãi suất đang có dấu hiệu tăng trên cả thị trường 1 (giao dịch giữa ngân hàng với dân cư) và thị trường 2 (giao dịch liên ngân hàng). Lãi suất tiền gửi tiết kiệm đã tăng đồng loạt tại nhiều ngân hàng, mức cao nhất đã lên tới gần 9%/năm, mặt bằng lãi suất đang dần trở về trạng thái trước dịch COVID-19.
Trong khi đó trên thị trường liên ngân hàng,lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm ngày 5/10 tiếp tục tăng thêm 0,56 điểm % so với phiên trước đó lên 8,44%/năm. Lãi suất kỳ hạn 1 tuần và 9 tháng đã tăng vượt 9%/năm, ghi nhận ở mức 9,48% và 9,72%. Các kỳ hạn còn lại như 2 tuần, 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng cũng tăng từ 0,3-1,47 điểm %, theo số liệu từNgân hàng Nhà nước (NHNN).
Trong ngày 4/10, lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã có bước nhảy vọt lên 7,88%/năm, tăng 2,62 điểm % so với phiên trước đó.
Theo số liệu từ CTCP WiGroup, trong khi lãi suất liên ngân hàng liên tục tăng cao, doanh số giao dịch trên thị trường vẫn tiếp tục tăng tại nhiều kỳ hạn. Doanh số tại kỳ hạn qua đêm ngày 5/10 đạt 234.196 tỷ đồng, tăng 77.352 tỷ đồng so với ngày 4/10.
Trong tuần này, NHNN đã dừng hẳn hoạt động hút tiền qua kênh tín phiếu, đồng thời đẩy mạnh sử dụng nghiệp vụ mua kỳ hạn trên thị trường mở nhằm bơm tiền trong hệ thống. Từ 3/10-5/10, NHNN chào mua kỳ hạn thành công gần 35.000 tỷ đồng giấy tờ có giá với lãi suất trúng thầu dao động quanh mức 6%/năm, kỳ hạn 7 ngày.
Mức lãi suất OMO trong vài phiên gần đây đã cao hơn nhiều so với con số 4,5%/năm trong khoảng một tháng trước. Giới phân tích cho rằng lãi suất OMO tăng lên thực ra phản ánh nhu cầu bổ sung thanh khoản hệ thống, buộc các ngân hàng thương mại phải vay trên hệ thống liên ngân hàng.
CTCP Chứng khoán SSI cho rằng NHNN sẽ duy trì thanh khoản trên hệ thống ngân hàng ở trạng thái không quá dồi dào trong giai đoạn còn lại của năm nhằm duy trì mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND ở vùng 5,0 – 5,5%, để tạo mức chênh lệch hợp lý với lãi suất USD, giảm thiểu áp lực lên tỷ giá.
Bên cạnh đó, lãi suất OMO tăng cao cũng đưa ra tín hiệu về khả năng NHNN tiếp tục nâng nâng lãi suất điều hành trong thời gian sắp tới khi nhiều tổ chức dự báo Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ còn tăng lãi suất từ 1,25-1,5% nữa và tăng nhẹ trong năm 2023.
Gần đây, báo cáo của UOB cho rằng có khả năng NHNN sẽ tăng thêm 1 điểm % đối với lãi suất tái cấp vốn trong vòng hai quý tới. Điều này sẽ đưa lãi suất tái cấp vốn lên 5,5% vào cuối năm 2022 và sau đó là 6% vào cuối quý I/2023, bằng với mức được công bố ngay trước thời điểm COVID-19 được tuyên bố là đại dịch toàn cầu vào tháng 3/2020.
Trong khi đó, CEO WiGroup, ông Trần Ngọc Báu cho biết theo như dự báo, Fed còn tăng 1,75-2,5 điểm % nữa trong vòng từ giờ đến quý I/2023, đồng nghĩa với việc sau đợt tăng lãi suất này, cơ quan điều hành Việt Nam sẽ còn những đợt tăng lãi suất tiếp nữa những mức độ tăng, theo ông Báu, chỉ ở mức 1,5-2%.
Nói cách khác, lãi suất điều hành của Việt Nam sắp tới sẽ tăng nhưng mức độ tăng sẽ không quá mạnh vì giai đoạn tăng lãi suất mạnh nhất đã qua. Chính giai đoạn cuối quý III và đầu quý IV này mới là giai đoạn mà chúng ta sẽ chứng kiến lãi suất tăng rất mạnh trên mọi mặt trận.