Sau cuộc họp giữa tháng Chín với quyết định nâng 75 điểm cơ bản lãi suất điều hành của Fed, triển vọng thế giới chuyển biến khá nhanh theo chiều hướng tiêu cực. Rủi ro về suy thoái kinh tế ngày càng tăng cao, đồng thời xác suất của các vụ vỡ nợ lớn đang trở thành bóng ma đe dọa thị trường tài chính toàn cầu.
Ngoài ra, sự leo thang chiến tranh Nga - Ukraine vẫn chưa có hồi kết là những trọng điểm chi phối thị trường chứng khoán.
Trong nước, mặt bằng lãi suất cho vay ở một số ngành nghề/ doanh nghiệp có nền tảng hoạt động vững chắc có thể sẽ chỉ nhích dần theo chi phí huy động của các ngân hàng. Dù vậy, tăng trưởng cung tiền nhìn chung đang chậm hơn so với tăng trưởng tín dụng khi mà tiền đồng vẫn đang bị rút ròng trên kênh OMO và động thái bán USD của Ngân hàng Nhà nước.
Đồng thời với đó, Nghị định 65 (sửa đổi Nghị định 153) về phát hành trái phiếu riêng lẻ, dù nhiều hay ít, đang siết một phần nguồn vốn huy động từ dân cư (cho doanh nghiệp thông qua việc mua trái phiếu). Kênh tín dụng ngân hàng, do vậy, sẽ phải chia sẻ 1 phần cho sự "hụt đi" này.
Theo đó, các nhà phân tích của Chứng khoán Rồng Việt cho rằng lãi suất cho vay ở những lĩnh vực có rủi ro cao sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Có thể hiểu rằng, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã tăng 100 điểm cơ bản các loại lãi suất điều hành, với diễn tiến hiện tại từ thế giới, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước vẫn theo hướng chặt chẽ và thận trọng.
Điểm sáng trong bức tranh u ám chung của nền kinh tế toàn cầu là tăng trưởng GDP quý III/2022 của Việt Nam vẫn đạt hơn 13%, cao hơn cả dự báo trước đó của các tổ chức tài chính.
Theo đó, Rồng Việt kỳ vọng khi thông tin kết quả kinh doanh quý III/2022 dần hé lộ trong tháng 10, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có nhịp hồi phục nhờ những nhóm ngành/cổ phiếu có kết quả kinh doanh tích cực. Trạng thái danh mục vẫn được khuyến nghị duy trì vị thế phòng thủ với sự cân bằng giữa cổ phiếu và tiền mặt.
Do đó, Chứng khoán Rồng Việt gợi ý một số cơ hội đầu tư cho tháng 10 cho mục tiêu ngắn hạn, là những cổ phiếu đã giảm giá sâu và triển vọng kết quả kinh doanh khả quan. Danh mục các mã được gọi tên bao gồm:
ACV
Tổng sản lượng hành khách có thể cao kỷ lục trong quý III/2022. Sản lượng trong mùa cao điểm bay hè rất tích cực khi đạt lần lượt 12 triệu và 10 triệu lượt trong tháng 7 và tháng 8. Nhóm phân tích của Rồng Việt kỳ vọng sản lượng hành khách có thể duy trì ở mức 9 - 10 triệu trong tháng 9 để đưa tổng sản lượng đạt 31 - 32 triệu lượt trong quý III, mức cao nhất từ trước tới nay.
Rồng Việt ước tính ACV có thể ghi nhận lãi tỷ giá chưa thực hiện vào khoảng 300 tỷ trong quý III năm nay khi JPY tiếp tục mất giá khoảng 3% và dư nợ bằng đồng JPY của ACV vào khoảng 67 tỷ JPY.
FRT
Đợt ra mắt iPhone 14 vào ngày 14/10, bên cạnh việc hỗ trợ đáng kể cho doanh thu FPT shop trong quý IV, sẽ là một chất xúc tác ngắn hạn cho giá cổ phiếu. Với tỷ trong doanh thu lớn từ Apple và các sản phẩm iPhone, ước tính chiếm khoảng 37% tổng doanh thu, cùng với tín hiệu khả quan từ số lượng nhận đăng ký trước, Rồng Việt Kỳ Vọng kỳ vọng nhóm sản phẩm Apple sẽ là động lực lớn hỗ trợ cho triển vọng lợi nhuận quý IV/2022.
Long Châu vẫn sẽ là động lực tăng trưởng hấp dẫn kể từ 2023. Mặc dù quá trình mở mạnh mẽ, độ bao phủ của chuỗi Long Châu và sự bình thường hóa của thói quen mua thuốc sau dịch đang phần nào khiến lợi nhuận thiếu đi tính ổn định trong những quý gần đây, VDSC kỳ vọng lợi nhuận đóng góp từ Long Châu sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong giai đoạn 2023 - 2025 khi doanh số trung bình mỗi cửa hàng ổn định và biên lợi nhuận cũng như các tỷ lệ chi phí hoạt động/doanh thu dần được tối ưu hóa.
DBD
Biên lợi nhuận trong nửa cuối năm kỳ vọng cải thiện so với cùng kỳ khi đóng góp từ mảng thiết bị quay về mức trước dịch. Theo đó, doanh thu và lãi sau thuế quý III và quý IV/2022 lần lượt đạt 375 tỷ đồng (giảm 32% so với cùng kỳ)/55 tỷ đồng (tăng 34%) và 398 tỷ đồng (giảm 2%)/59 tỷ đồng (tăng 21%).
Nhà máy sản xuất thuốc ung thư Nhơn Hội dự kiến sẽ đạt tiêu chuẩn EU – GMP cho hai dây chuyền thuốc ung thư dạng tiêm và dạng viên lần lượt vào tháng 6/2023 và 3/2024.
VDSC nhận định DBD sẽ trở thành công ty sản xuất thuốc ung thư đầu tiên tại Việt Nam tham gia đấu thầu tại nhóm 1&2. Biên lợi nhuận gộp của nhóm thuốc ung thư sẽ được cải thiện mạnh mẽ do công ty còn nhiều dư địa để tăng giá bán trong khi chi phí giá vốn không có nhiều sự biến động.
TNG
VDSC kỳ vọng kết quả kinh doanh của TNG sẽ đi ngược xu hướng giảm của ngành dệt may trong nửa cuối năm 2022, nhờ khả năng duy trì các đơn hàng đã ký với khách hàng dài hạn và chi phí nguyên vật liệu được kiểm soát tốt nhằm duy trì biên lợi nhuận gộp cao.
Năm 2023, đơn đặt hàng của TNG có thể sẽ giảm do triển vọng nhu cầu hàng may mặc ảm đạm. Tuy nhiên, VDSC kỳ vọng rằng sự sụt giảm doanh thu năm 2023 có thể được bù đắp bằng việc cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp do giá nguyên vật liệu giảm, giúp lợi nhuận sau thuế năm 2023 có thể đi ngang so với cùng kỳ năm trước.
Về mặt định giá, rủi ro này dường như đã được phản ánh vào giá cổ phiếu, thể hiện qua sự sụt giảm mạnh gần đây của cổ phiếu TNG. Tại giá đóng cửa ngày 3/10, TNG đang giao dịch ở mức P/E là 6 lần, thấp hơn 26% so với P/E trung bình ba năm.
MWG
iPhone 14 và ngành hàng TV có thể giúp MWG duy trì được mức nền cao doanh số của Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh trong quý IV năm nay. Thế Giới Di Động và Topzone dự kiến sẽ chạm mốc 100.000 đơn đặt hàng iPhone 14 từ nay cho đến giai đoạn pre order đầu tháng 10/2022. Trong khi đó, mùa World Cup 2022 diễn ra vào cuối tháng 11 có thể hỗ trợ doanh số TV.
VDSC cũng kỳ vọng các tín hiệu cải thiện lợi nhuận rõ nét hơn của Bách hóa Xanh trong quý IV năm nay. Sau quá trình tái cơ cấu, Bách hóa Xanh được kỳ vọng có thể cắt giảm được đáng kể các chi phí hoạt động trong quý IV/2022. Bên cạnh đó, doanh số mỗi cửa hàng cũng được kỳ vọng sẽ duy trì đà phục hồi trong các tháng cuối năm nhờ tiếp tục duy trì các chương trình khuyến mãi nhằm xây dựng thói quen tiêu dùng và nhu cầu mua sắm cuối năm.
KBC
KBC đã ký hợp đồng với Savills để định giá lại khoản đầu tư vào CTCP đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng. Công ty cho biết khâu định giá đang đi đến những bước cùng và kỳ vọng có thể ghi nhận 2.200 tỷ đồng từ đánh giá lại trong quý III/2022. Với khoản đóng góp này, chưa tính đến phần BĐS KCN thì lãi sau thuế quý III/2022 có thể đạt gần 2000 tỷ đồng, so với mức lỗ nhẹ của cùng kỳ năm 2021.
Hiện tại có khoảng 100 ha đất KCN đã ký MOU ở các khu công nghiệp Quang Châu và Nam Sơn Hạp Lĩnh (chưa bao gồm 20 ha dự kiến cho Oppo thuê). Ước tính thận trọng, VDSC cho rằng KBC có thể bàn giao gần 20 ha trong 6 tháng cuối năm 2022.
Công ty có thể chưa bàn giao các dự án BĐS dân cư do chưa hoàn thiện pháp lý. Điều này khiến doanh nghiệp có thể không hoàn kế hoạch kinh doanh cả năm 2022. VDSC điều chỉnh giảm giá mục tiêu xuống 36.100 đồng/cp để phản ánh khả năng chậm phát triển các dự án BĐS dân cư.