Kỹ năng sống

"Lách" quy định để học thêm, dạy thêm ở tiểu học

Tóm tắt:
  • Chị Loan cho con học thêm dù biết cấm, chỉ đổi tên lớp thành "lớp kỹ năng".
  • Các trung tâm vẫn dạy thêm vì nhu cầu lớn từ phụ huynh và học sinh.
  • Phụ huynh tìm nhiều hình thức học thêm kín đáo, như nhóm học online hoặc gia sư riêng.
  • Áp lực thi cử lớn khiến học sinh cần kiến thức vượt chuẩn chương trình chính khóa.
  • Giáo dục cần giải pháp giám sát để giảm bất bình đẳng và áp lực lên học sinh tiểu học.

Sau khi Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ 14/2, các lớp Toán, tiếng Anh, tiếng Việt ở trung tâm của con gái chị Phạm Thanh Loan vẫn hoạt động bình thường. Bé đang học lớp 5 một trường tiểu học tại quận Hà Đông, đi ôn cả ba môn từ năm ngoái.

Người mẹ nói lúc đầu cũng lo phải dừng học, ảnh hưởng tới việc thi vào các trường chất lượng cao của con. Tuy nhiên, sau đó chị không thấy trung tâm báo nghỉ, còn lớp thì được đổi tên.

"Lớp ôn Toán thành lớp kỹ năng... tính toán", chị Loan kể.

Chị Nguyễn Thị Thúy, cũng có con năm nay vào lớp 6, cho hay sau khi có lệnh cấm, trung tâm luyện thi môn tiếng Việt gọi điện, báo chuyển học online vài buổi, sau đó trở lại học trực tiếp và dặn phụ huynh đây là giờ dạy kỹ năng.

"Tôi cũng hơi bất ngờ nhưng miễn là vẫn học", chị Thúy nói.

Chủ một trung tâm dạy Toán có nhiều cơ sở ở Hà Nội thừa nhận việc này. Theo anh, Thông tư 29 quy định không dạy thêm ở tiểu học, trừ các lớp bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Do đó, anh xây dựng chương trình mới để phù hợp.

"Nhưng việc này chỉ nhằm hợp thức hóa về giấy tờ", anh nói. Học sinh vẫn học, ôn luyện kiến thức như trước, học phí không thay đổi. Lý do dù biết không được phép nhưng vẫn mở, theo chủ trung tâm này là vì nhu cầu của phụ huynh và học sinh lớn.

Học sinh dự thi lớp 6, trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành, ngày 2/6/2024. Ảnh: Thanh Hằng

Học sinh dự thi lớp 6, trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành, ngày 2/6/2024. Ảnh: Thanh Hằng

Quy định cấm dạy thêm, học thêm ở tiểu học đã có từ lâu. Tuy nhiên, thực tế việc này vẫn diễn ra. Sau Thông tư 29, các địa phương quản lý chặt hơn, khiến nhiều giáo viên trường công dừng dạy thêm ở trường và nhà.

"Nhưng dạy thêm ở trung tâm vẫn diễn ra do nhu cầu lớn của phụ huynh", hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Đống Đa nói. Bà nhận định hình thức học thêm này phổ biến, nhất là với các em sắp thi lớp 6.

Trên các diễn đàn, nhiều phụ huynh cho hay ngoài tới lò luyện, họ tìm nhiều hình thức học thêm "kín đáo", cho là khó bị nhà chức trách phát hiện. Như chị Loan gom nhóm để mời cô giáo dạy online môn tiếng Việt, đồng thời tìm sinh viên kèm con môn tiếng Anh, thù lao 180.000 đồng một buổi hai tiếng. Tổng cộng, con chị học thêm 6 buổi mỗi tuần.

Chị Thúy thì nhờ luôn trợ giảng ở trung tâm dạy thêm kèm riêng một buổi trong tuần để con chắc chắn các dạng bài. "Con không có khả năng tự học, bố mẹ cũng không kèm nổi vì kiến thức khó", chị lý giải.

Cô Nguyễn Thị Hà, gia sư môn Toán, cho biết "phụ huynh gọi nhờ kèm riêng rất nhiều" khiến những tháng qua cô không còn lịch trống. Nhu cầu học tăng ở các cấp nhưng nhiều nhất là lớp 5.

"Đến nhà kèm hoặc dạy qua zoom khó bị phát hiện nên tôi nhận lời", cô Hà cho hay. Nữ giáo viên đang nhận kèm trực tiếp 1:1 cho 6 học sinh, học phí 250.000 đồng trong hai tiếng. Ngoài ra, cô dạy online với một nhóm 10 học sinh.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc các lớp học thêm diễn ra bất chấp quy định, cho thấy áp lực thi cử lớn từ phía phụ huynh và học sinh.

Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cũng muốn con có nền tảng kiến thức vững chắc để cạnh tranh vào trường chất lượng cao. Trong khi đó, các kỳ thi này thường đòi hỏi kỹ năng và kiến thức vượt chuẩn chương trình chính khóa.

"Chính nhu cầu đó đã thúc đẩy các trung tâm 'lách luật'", ông nói.

Theo khảo sát trên VnExpress về quy định cấm dạy thêm với học sinh tiểu học hôm 12/2, có khoảng 36% trong số 7.500 người tham gia không đồng tình hoặc cho rằng chỉ nên giới hạn thời gian.

Hồi giữa tháng 2, trả lời VnExpress, ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho rằng quy định cấm học thêm với học sinh tiểu học là hợp lý, bởi các em đang ở lứa tuổi vừa học, vừa chơi, nên việc học hai buổi ở trường, xong lại học thêm là không cần thiết.

Ông Ngai khuyên phụ huynh không nóng vội việc cho con ôn luyện thi trường top, đặc biệt khi chương trình mới hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực thật sự của học sinh. Về phía các trường, ông đề xuất đổi mới cách kiểm tra, đánh giá đầu vào, có thể bằng phỏng vấn, thực hiện dự án, trải nghiệm... Khi các bài thi nặng tính ôn luyện không còn, việc học thêm từ tiểu học sẽ tự bị hạn chế.

PGS Trần Thanh Nam cho rằng ngành giáo dục cần có giải pháp giám sát để một chủ trương tốt như Thông tư 29 không bị biến tướng. Nếu không, hệ lụy sẽ càng làm tăng bất bình đẳng giáo dục, tăng áp lực lên học sinh tiểu học, ảnh hưởng sức khỏe thể chất và tinh thần của các em.

"Trong khi đó, gánh nặng tài chính sẽ đổ lên đầu các gia đình, giáo dục chính khóa giảm chất lượng và suy giảm động lực đổi mới của giáo viên", ông nhìn nhận.

Ngoài ra, ông Nam đề xuất xây dựng một nền tảng số với chi phí thấp để thúc đẩy học sinh tự học theo lộ trình cá nhân hóa; ứng dụng các mô hình hỗ trợ học tập và ôn luyện miễn phí dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI).

Còn trước mắt, chị Thúy và chị Loan thấy rằng nếu chỉ học sách giáo khoa, con họ sẽ không đủ kiến thức để làm được những dạng bài khó trong đề thi vào lớp 6 trường chất lượng cao sắp tới.

"Đang trong giai đoạn nước rút, trung tâm củng cố dạng bài nên con không thể nghỉ", chị Loan nói.

Chị Thúy cho biết đứa thứ hai năm tới lên lớp 4, cũng sẽ theo các lớp này.

"Các trường đánh giá năng lực đầu vào nhưng thực chất vẫn là các bài thi Toán, tiếng Việt, tiếng Anh. Chừng nào vẫn là thi thì các con còn phải học thêm", chị nói.

Các tin khác

Giá vàng đồng loạt giảm

Lúc 9h sáng nay (28/4), các doanh nghiệp kinh doanh vàng đồng loạt điều chỉnh giảm giá vàng SJC và vàng nhẫn.

Đừng mắc 2 sai lầm nguy hại về nguồn nước khi pha sữa cho con

Pha sữa cho trẻ nhỏ tưởng chừng là việc đơn giản nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu cha mẹ mắc phải những sai lầm trong việc dùng nước pha sữa. Dưới đây là 2 sai lầm phổ biến thường gặp và giải pháp giúp cha mẹ an tâm hơn khi chăm sóc trẻ.

Giá vàng tiếp tục tăng

Sáng nay (27/4), giá vàng trong nước tiếp tục tăng lên mốc 121 triệu đồng/lượng với vàng miếng SJC và 120 triệu đồng/lượng với vàng nhẫn.

Thủ tướng: Khẩn trương trình Quốc hội các cơ chế đặc thù thống nhất cho tất cả các dự án đường sắt

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu không thay đổi là phải khởi công dự án đướng sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025 và khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong năm 2026; giao các cơ quan khẩn trương hoàn thiện nghị quyết thống nhất các cơ chế đặc thù cho tất cả dự án đường sắt, trình Chính phủ trong tháng 4 để trình Quốc hội trước ngày 5/5.

Sắp thông hầm xuyên núi dài nhất cao tốc Bắc - Nam

Ống hầm phải cửa hầm phía Bắc, công tác khoan hầm đang bước vào giai đoạn nước rút. Đến nay, ống hầm này đã đào được 3.180/3.200m. Nhà thầu sẵn sàng cho công tác nổ mìn hợp long, thông hầm trước ngày 30/4 để chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước.

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang nói về mảnh ghép còn thiếu của Masan

“Chuyển đổi số chính là mảnh ghép còn thiếu để Masan vươn mình từ hình ảnh một tập đoàn truyền thống, xóa bỏ định kiến “đa ngành” và khẳng định vị thế là một nền tảng trải nghiệm tiêu dùng tích hợp”, ông Quang nói.