Bên cạnh những công trình tầm cỡ, quy mô, những giải thưởng kiến trúc danh giá trong nước và quốc tế, kiến trúc vẫn luôn tồn tại và hiện hữu trong đời sống thường nhật của chúng ta, đóng vai trò vô cùng quan trọng vào không gian sống và làm việc thực tiễn của con người. Và rất nhiều, rất nhiều những kiến trúc sư vẫn thầm lặng làm việc, những công trình mà họ tạo ra không chỉ đạt được yếu tố thẩm mỹ mà còn mang lại một môi trường sống thứ hai, đáp ứng công năng sử dụng tiện lợi và an toàn cho người sử dụng.
Buổi gặp gỡ và trò chuyện cùng kiến trúc sư Đặng Hữu Hải hôm nay sẽ cho chúng ta thấy một góc nhìn khác, bình dị và nhiều trăn trở của ngành kiến trúc.
Với kinh niệm hơn 10 năm trong ngành, từ một sinh viên năm thứ 3 của khoa Kiến trúc của Đại học Xây Dựng, đến nay, kiến trúc sư Đặng Hữu Hải cùng các cộng sự đã sáng lập ra một công ty thiết kế và xây dựng cho riêng mình.
Profile KTS Đặng Hữu Hải:
Họ tên : Đặng Hữu Hải
Năm sinh : 1990
2008 - 2013 : Học Kiến trúc ĐH Xây Dựng
2014 - 2015 : Trưởng phòng TK tại Công ty TNHH Xây dựng MV
2015 - 2016 : Phó phòng TK tại Công ty TNHH Stockes Interior
2018 : Nhà đồng sáng lập Công ty CP Tổ Ấm Đẹp
2020 - nay : Nhà sáng lập Công ty TNHH Thiết kế và Xây dựng Việt House
Công năng sử dụng là quan trọng nhất đối với một công trình dân dụng, có thể phục vụ cho PCCC
Chào anh Hải, được biết trong suốt thời gian làm nghề của mình, chủ yếu các công trình anh tham gia là công trình văn phòng, nhà ở, vậy theo anh đâu là yếu tố quan trọng nhất ở những công trình này?
Đối với tôi hay chính bản thân những người sử dụng những công trình đó, yếu tố quan trọng luôn được đặt lên hàng đầu chính là công năng sử dụng. Hiểu đơn giản, công năng sử dụng chính là nhu cầu sử dụng, là khả năng đáp ứng, phục vụ của công trình cho những nhu cầu thiết yếu, nhu cầu cơ bản của các gia chủ. Công năng không đảm bảo, không đáp ứng được các nhu cầu thì sau thời gian dài sử dụng, chắc chắn sẽ phát sinh nhiều vấn đề.
Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng với các chủ đầu tư, chủ nhà về công năng sử dụng, chúng tôi mới tính đến vấn đề thẩm mỹ hay những vấn để xung quanh khác. Tuy nhiên thực tế vẫn có những khách hàng không thật sự hiểu về các công năng sử dụng cần thiết trong một công trình như đường điện, đường nước, lối ra vào, lối thoát hiểm...
Đôi khi họ sẽ cảm thấy vô cùng hứng thú với một bản thiết kế 3D hay những thước phim trên mạng. Tuy nhiên kiến trúc sư sẽ là người giải thích cho họ hiểu tầm quan trọng và cần thiết của việc lấy công năng sử dụng trong một công trình là cốt lõi.
Các công trình KTS đã từng thực hiện (Ảnh NVCC)
Như anh đã nói, công năng sử dụng bao gồm cả các lối ra vào, lối thoát hiểm trong nhà là vô cùng quan trọng và cần thiết. Vừa qua xảy ra vụ hỏa hoạn thương tâm tại một chung cư mini ở Khương Hạ, Hà Nội, anh nhận xét thế nào về vụ việc này?
"Thuỷ, hoả, đạo, tặc" là bốn đại họa trong cuộc sống, có tính chất tàn phá mạnh mẽ, đáng quan ngại và cũng là khó phòng tránh. Đứng hàng thứ hai trong bốn đại hoạ ấy thế nhưng thực tế hiện nay, "công tác phòng hoả" hay chính là công tác PCCC và sau là thoát hiểm, thoát nạn chưa nhận được sự quan tâm đúng mực.
Như tôi đã nói, bài toán tài chính sẽ được đặt lên đầu tiên với các chủ đầu tư đặc biệt là với các cá nhân nhỏ, vì vậy khi xét tới các công trình phụ phục vụ cho PCCC, có những người sẽ không thật sự để tâm.
Bản thân tôi cũng là một người đã nhiều lần đến khảo sát tại các khu chung cư mini. Chưa nói đến những tiêu chuẩn PCCC phức tạp, một điều rất dễ nhận thấy ở các chung cư mini là những căn hộ nhỏ với lối ra vào, lối đi lại vô cùng hạn chế, chật hẹp, thiếu biển báo, ánh sáng định hướng khi xảy ra sự cố.
Đa phần chủ đầu tư sẽ tận dụng tối đa diện tích xây dựng cho không gian ở/ Điều này vô tình giao thông, cũng chính là lối thoát hiểm của các hộ dân bị hẹp lại. Chưa kể trong quá trình sử dụng, do không đảm bảo diện tích sử dụng mọi người thường có thói quen tận dụng khu vực hành lang, lối đi để nhiều vật dụng khác như xe cộ, đồ trẻ em, tủ giày...
Ngoài ra có một thiết kế nữa cũng ảnh hưởng phần nào tới quá trình thoát nạn của người bên trong, đó là các thanh, khung cửa sổ sắt được hàn chết hay chuồng cọp. Tại nhiều chung cư mini hay các căn tập thể cũ, thiết kế này vô cùng phổ biến. Người dân làm nó với mục đích chống trộm cắp, phòng trẻ em nghịch ngợm, leo trèo, để phơi quần áo cho đỡ bay hay gia tăng thêm 1 phần diện tích lưu trữ đồ đạc. Tuy nhiên nếu là các mối sắt hàn chết, thì khả năng thoát ra khi có sự cố gần như rất khó, nếu như không có thiết bị phá chuyên dụng.
Vậy phải làm thế nào để mở ra lối thoát hiểm tốt hơn cho người dân, phòng trường hợp khi xảy ra sự cố như hỏa hoạn, thưa kiến trúc sư?
Đầu tiên, với những công trình xây mới, lối thoát hiểm cần được bố trí và tính toán cẩn thận ngay từ khi thiết kế công trình, đảm bảo tuân thủ theo những tiêu chuẩn về PCCC và thoát hiểm thoát nạn được BXD ban hành. Với những công trình theo diện cải tạo với kinh phí thấp, tự bản thân người sử dụng cần có ý thức chủ động nắm rõ và chuẩn bị trước những lối thoát trong trường hợp xảy ra sự cố .
Một ví dụ rất thực tế là ở những công trình nhà ở, nhiều chủ đầu tư vẫn mong muốn có khung sắt, chuồng cọp để đảm bảo an ninh, phòng trộm cắp. Đứng trên vai trò một kiến trúc sư, Tôi có thể sẽ tư vấn thêm cho các gia chủ, đó chính là thi công phần cửa có thể đóng mở linh động trên các khung sắt, khung chuồng cọp.
Những cánh cửa như vậy khi bình thường sẽ được khóa, móc lại một cách chắc chắn từ phía bên trong. Nhưng trong trường hợp xảy ra sự cố như cháy nhà, gia chủ có thể dễ dàng và nhanh chóng mở ra. Đây cũng có thể trở thành lối thoát hiểm thứ 2 của mỗi nhà ngoài khu vực cửa chính.
Hoặc thay vì làm bằng vật liệu sắt thép kiên cố, hiện nay có những vật liệu khác cũng chắc chắn nhưng khi xảy ra sự cố việc phá dỡ sẽ dễ dàng hơn đó là các dây cáp an toàn.
Cuối cùng thì vẫn là ý thức chủ động trang bị, chuẩn bị của người dân. Không chỉ ở chung cư hay nhà tập thể mà ngay cả với những công trình nhà ở riêng lẻ, mỗi gia đình tốt nhất vẫn nên tự có sẵn các vật dụng phục vụ cho công tác PCCC như thang dây, mặt nạ phòng độc hay bình chữa cháy... vì chúng có thể giúp ích cho quá trình thoát nạn khi xảy ra sự cố.
KTS tư vấn, chuồng cọp, khung cửa sắt nên có cửa đóng mở linh động (Ảnh Báo An ninh Thủ đô)
Có nhiều người thắc mắc rằng: Liệu thay những khung cửa sổ sắt thép, chuồng cọp kiên cố bằng kính thì có cơ hội mở ra lối thoát hiểm tốt hơn không, thưa KTS?
Về cơ bản là cũng không hẳn. Bởi để thi công kính ở những khu vực như cửa sổ hay các khu vực cơi nới thêm, thì thường sẽ phải là kính cường lực, độ chắc chắn, kiên cố cũng không thua gì sắt thép. Để dễ dàng hình dung thì bạn có thể tưởng tượng một vách kính cường lực nó sẽ như một bức tường sừng sững ở đó vậy, để phá được thì cũng cần có dụng cụ chuyên dụng.
Nếu gia chủ muốn thi công kính thì vẫn cần có cửa, tức là làm cửa kính, có thể mở ra đóng vào linh động chứ không nên làm các vách kính "chết".
Qua các công trình anh đã từng làm, anh nhận thấy các chủ đầu tư, chủ nhà có thật sự quan tâm tới yếu tố về PCCC hay không?
Cũng tùy vào đối tượng và quy mô của công trình, đặc biệt là nhưng công trình quy mô lớn, mang tính chất công cộng hoặc nhiều người sử dụng như văn phòng, toà nhà, chung cư, nhà tập thể,.... thì việc tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn PCCC là bắt buộc.
Có thể kể tới những yêu cầu cơ bản như bậc chịu lửa hay mức độ chịu lửa của công trình, hệ thống thoát nạn gồm cửa, lối đi, hành lang, cầu thang chung và riêng dành cho thoát nạn, hệ thống chiếu sáng và chỉ dẫn lối thoát, thiết bị thông gió, hút khói, báo nguy,... vị trí và số lượng hệ thống báo cháy, chữa cháy, hệ thống giao thông, bãi đỗ phục vụ phương tiện chữa cháy (đơn cử như khả năng tiếp cận cho xe cứu hoả).
Tuy nhiên nếu quy mô công trình không quá lớn, kinh phí đầu tư xây dựng thấp, nhỏ lẻ, tự phát thì khá ít các chủ đầu tư chú ý tới vấn đề phục vụ PCCC vì họ vẫn cần ưu tiên vấn đề tài chính trước.
Ảnh minh họa
Câu chuyện để đời những ngày đầu vào nghề: Khách hàng trả công bằng "tình cảm"
Vậy sau từng ấy năm làm nghề, đâu là công trình khiến anh nhớ nhất, để lại trong ảnh kỷ niệm sâu sắc nhất?
Công trình nhớ nhất thì cũng không hẳn nhưng tôi sẽ kể về công trình đầu tiên tôi thực hiện khi "chân ướt chân ráo" đi làm freelance – một công trình biệt thự cải tạo với nhiều hạng mục không quá phức tạp. Là một kiến trúc sư trẻ, mới ra trường, tôi dành nhiều tâm huyết cho công trình và học được nhiều bài học về chuyên môn thiết kế và xây dựng.
Tôi và chủ đầu tư, xin được gọi là bác chủ nhà đã có thời gian hợp tác và làm việc vui vẻ, tôi được bác quý và coi như con cháu trong nhà. Khi mọi việc đã hoàn thành, bác hỏi tôi về chi phí cần thanh toán. Tôi cũng không biết tính thế nào, cũng nghĩ tình bác cháu thì tính đơn giản, đơn giá trên m2 diện tích thi công thôi. Nhưng tôi không ngờ về phản ứng sau đó của bác.
Bác có vẻ không hài lòng và nghĩ tôi như vậy là tính toán, trong khi bác đối xử rất tốt với tôi. Thấy thái độ của bác có vẻ thay đổi thì tôi xin phép ra về và chủ động bảo bác vậy bác tính thế nào hợp lý cho tôi là được. Nhưng sau đó tôi cũng không nhận được thêm một hồi âm nào nữa. Vì lòng sĩ diện của tuổi trẻ và ngại trao đổi thẳng thắn về vấn đề tài chính, tôi cũng không gọi lại cho bác để hỏi chi phí.
Cũng có thể nói đó là công trình được trả công bằng 2 chữ "tình cảm". Cho đến bây giờ, tôi vẫn luôn tự hỏi, có thể trong cách nói chuyện và xử lý của mình còn "non" và không khéo léo, khiến bác chủ nhà phật ý.
Ảnh NVCC
Sau câu chuyện đó, anh rút ra kinh nghiệm gì cho bản thân mình?
Bài học cho bản thân tôi cũng như tất cả các kiến trúc sư khác, đó chính là trước khi tham gia bất cứ công trình nào, hãy trao đổi rõ ràng với các khách hàng ngay từ đầu. Ông bà ta xưa có câu: "Mất lòng trước, được lòng sau", câu này rất đúng.
Trong câu chuyện của tôi, nếu ngay từ đâu tôi và khách hàng thảo luận và thống nhất rõ ràng mọi vấn đề, đặc biệt là liên quan tới vấn đề nhạy cảm như tài chính, thì có lẽ mối quan hệ của tôi và bác chủ nhà đã không trở nên tệ đi như vậy.
Việc rõ ràng từ đầu cũng sẽ giúp các bên làm việc thoải mái với nhau dựa trên tinh thần đồng thuận và tôn trọng lẫn nhau. Nếu không chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề phát sinh sau này. Còn trong quá trình làm việc thì vẫn làm hết sức mình, làm nhiệt tình thì chắc chắn sẽ nhận được sự thấu hiểu của khách hàng.
Trên tinh thần ấy, không chỉ có trách nhiệm trong quá trình thiết kế, thi công mà cả sau đấy, khi công trình đi vào hoạt động, tôi cùng cộng sự luôn đảm bảo sự bảo trì, bảo hành và trách nhiệm với công trình. Đây là một sự đảm bảo với khách hàng, là cái tâm trong việc làm nghề của mình.
Cảm ơn anh về những chia sẻ!