Sau bài “Lắp camera giám sát xe cá nhân: Nhiều băn khoăn” và thời luận “Camera ghi hình cabin xe cá nhân: Chỉ nên khuyến khích, đừng ép buộc” đăng ngày 21-9, Pháp Luật TP.HCM tiếp tục nhận được sự đóng góp của các người dân, chuyên gia, hiệp hội liên quan đến vấn đề này. Trong đó, các ý kiến đều cho rằng việc lắp camera đối với xe cá nhân là không hợp lý và gây tốn kém.
Lo ngại ảnh hưởng đến quyền cá nhân
Là người thường xuyên tranh thủ làm việc và trao đổi công việc trên xe với nhân viên, anh Trương Hà Anh (ở quận Hà Đông, Hà Nội) khẳng định không đồng tình việc bắt buộc lắp thiết bị ghi hình cabin trên xe cá nhân vì ảnh hưởng đến quyền riêng tư. “Quy định này không khác gì việc lắp camera trong nhà người dân” - anh Hà Anh nhận định.
Theo anh, việc lắp thiết bị giám sát trên xe cá nhân khác biệt rất lớn đối với xe kinh doanh vận tải. Bởi phải làm sao đáp ứng được các tiêu chí như vị trí lắp đặt camera, góc thu hình; thời gian lưu trữ, truyền tải ra sao; ai được phép truy xuất hệ thống này; lỡ lọt thông tin cá nhân thì ai chịu trách nhiệm; thiết bị đột ngột hỏng trong lúc xe di chuyển thì phải làm sao…
Anh Hà Anh đề xuất nên quy định lắp đặt hệ thống giám sát hành trình phía trước, phía sau đối với ô tô cá nhân. “Cơ quan quản lý nhà nước cũng có thể tận dụng hình ảnh đó để xử lý vi phạm giao thông, điều tra tai nạn giao thông…” - anh Hà Anh nói.
Ông Huỳnh Minh Châu, Phó Giám đốc đại lý Hyundai Đông Sài Gòn, khẳng định quy định lắp camera ghi hình cabin là chưa hợp lý, làm tốn kém cho người dân và đặc biệt là ảnh hưởng đến quyền riêng tư cá nhân.
“Bản chất người đi xe không tham gia kinh doanh vận tải nên không cần phải bắt buộc lắp camera như vậy. Việc lắp camera quan sát cabin rất ảnh hưởng đến quyền riêng tư. Xe cá nhân gia đình đi thì tại sao phải gửi dữ liệu về cơ quan quản lý” - ông Châu nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Khắc Trung, chủ garage Khắc Trung Auto, cũng đặt vấn đề: “Xe cá nhân mà phải ghi hình cabin và gửi dữ liệu về cơ quan quản lý thì có đảm bảo tuyệt đối việc riêng tư của chủ xe không bị chia sẻ cho ai hay không?”.
Nhiều người không đồng tình việc lắp camera ghi hình trên xe cá nhân. Ảnh: V.LONG
Rất khó thực thi
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM, cho rằng quy định ghi hình cabin xe cá nhân là điều không cần thiết và gây tốn kém chi phí rất nhiều cho xã hội. Bên cạnh đó, hiện nay hơn 1 triệu ô tô kinh doanh vận tải đã lắp đặt cả hai thiết bị GPS và camera nhưng thực tế tình trạng tai nạn giao thông, xe dù, bến cóc vẫn xảy ra tràn lan, chưa được cải thiện.
Các ý kiến cho rằng chỉ nên lắp camera hành trình phía trước, phía sau xe cá nhân. Ảnh: V.LONG
Theo tính toán của ông Tính, với khoảng 5 triệu ô tô cá nhân đang lưu hành, nếu lấy giá tối thiểu l3 triệu đồng/thiết bị thì chi phí gắn lên đến khoảng 12.000 tỉ đồng. Nếu tính cả chi phí duy trì đường truyền 6.000 tỉ đồng/năm thì tổng chi phí lên đến 18.000 tỉ đồng. “Đây là một con số khổng lồ. Xã hội phải tiêu tốn trong điều kiện kinh tế khó khăn như thế này và chưa biết hiệu quả ra sao thì có xứng đáng để thực hiện hay không?” - ông Tính đặt câu hỏi.
Cũng theo ông Tính, phản ánh của một số người lái xe tư nhân cho thấy nếu việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình mà thiết thực cho lợi ích của người dân thì tự khắc các chủ xe, người lái xe sẽ gắn. “Chưa kể họ còn cho rằng việc đưa camera giám sát từng hành vi của người lái xe và trong xe khi truyền về cơ quan quản lý nhà nước là ảnh hưởng đến quyền cá nhân của mỗi người” - ông Tính nói thêm.
Một cán bộ thuộc Bộ GTVT cho biết quy định hiện hành đã bắt buộc xe kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh tài xế và truyền về Cục Đường bộ. Điều này nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước. Tuy nhiên, ông thừa nhận đến nay thiết bị này vẫn chưa phát huy được tối đa hiệu quả do cần đầu tư kinh phí lớn.
Về đề xuất tới đây xe cá nhân cũng phải lắp thiết bị giám sát, ông cho rằng nếu triển khai sẽ tác động rất lớn đến người dân. Tác động ở đây không chỉ chuyện kinh phí mà nhiều vấn đề cần phải bàn như vận hành ra sao, những ai được truy cập vào thiết bị này, chế tài như thế nào nếu thiết bị hư hỏng…
Để có thông tin đa chiều, chúng tôi đã liên hệ và gửi câu hỏi tới Cục CSGT để làm rõ những nội dung trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Chúng tôi sẽ thông tin đến bạn đọc sớm nhất khi nhận được câu trả lời từ cơ quan này.•
Góc nhìn bạn đọc Nhận định sau bài viết của Pháp Luật TP.HCM, bạn đọc 71427 cho rằng: “Xe cá nhân là tài sản của cá nhân, tự bảo vệ bản thân khi có tình huống bất lợi là quyền lợi của họ. Còn điều tra, giải quyết, xử lý... là nghĩa vụ của cơ quan chức năng. Mà cái gì thuộc về quyền lợi thì người ta có thể chọn đồng ý hoặc từ chối. Còn nghĩa vụ thì bắt buộc phải thực hiện, mà đã bắt buộc thì cơ quan chức năng phải tự tìm cách hoặc tuyên truyền, khuyến cáo người ta để nhận được sự hưởng ứng... Chứ sao nghĩa vụ của mình mà lại muốn ép buộc người khác phải nghe theo?”. Bạn đọc Tam Lam nêu ý kiến: “Quy định phải gắn camera thì cả camera sẽ là một bộ phận gắn liền, không tách rời và được kiểm tra khi CSGT dừng xe. Vậy rồi phải có quy định tiêu chuẩn camera, nhà cung cấp, bảo hành, sử dụng... Khi xe đang tham gia giao thông mà camera bị lỗi, hư thì sao? Rồi khi nào và ai sẽ kiểm định camera? Đúng sai không bàn, chỉ nêu vấn đề làm khó cho cả hai bên”. |