Bất động sản

Kon Tum mạnh tay xử lý các dự án chậm tiến độ, vi phạm quy định pháp luật

Kon Tum mạnh tay xử lý các dự án chậm tiến độ, vi phạm quy định pháp luật - Ảnh 1.

Một dự án nông nghiệp công nghệ cao chậm tiến độ tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Ngọc Tân

Xử lý nghiêm các vi phạm

Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn vừa chỉ đạo các sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Công Thương; UBND các huyện, thành phố căn cứ theo chức năng nhiệm vụ xử lý, hoặc tham mưu UBND tỉnh xử lý các vi phạm đối với các dự án theo nội dung Báo cáo kết quả kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật của nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn các huyện, thành phố đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư Kon Tum thực hiện trong tháng 9 vừa qua.

Đồng thời, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án trên thực tế. Trong đó, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương liên quan tháo gỡ hoặc phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để xử lý dứt điểm những vướng mắc của một số dự án như: Dự án Nhà máy bột giấy và giấy Tân Mai Tây Nguyên, các dự án thủy điện Đăk Mek 3 - Plei Kần Hạ - Đăk Psi 1 - Đăk Psi 2 - Đăk Psi 6…

Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Yêu cũng yêu cầu lãnh đạo các sở ngành, địa phương chấn chỉnh, phê bình nghiêm khắc đối với tổ chức, cá nhân có liên quan; có giải pháp khắc phục đối với các dự án vi phạm trên địa bàn tỉnh, tránh để xảy ra các trường hợp vi phạm tương tự; báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Nội vụ để tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh xử lý các vi phạm.

Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Kon Tum yêu cầu các nhà đầu tư có dự án chậm tiến độ cam kết triển khai và hoàn thành việc đầu tư dự án trên thực tế theo quyết định chủ trương đầu tư và các văn bản có liên quan. Trường hợp nhà đầu tư không thực hiện đúng nội dung cam kết, dự án đầu tư sẽ bị chấm dứt và không được bồi thường các chi phí đã thực hiện dự án.

47/48 dự án chậm tiến độ

Theo Báo cáo kết quả kiểm tra toàn diện các dự án đầu tư trên địa bàn các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Kon Tum (48 dự án, tổng vốn đăng ký là hơn 3.726 tỷ đồng) do Sở Kế hoạch và Đầu tư Kon Tum thực hiện, có đến 47/48 dự án đầu tư chậm tiến độ theo quyết định chủ trương đầu tư. Trong đó có những dự án phải điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện đầu tư hoàn thành dự án.

Kon Tum mạnh tay xử lý các dự án chậm tiến độ, vi phạm quy định pháp luật - Ảnh 2.

Dự án Nhà máy bột giấy và giấy Tân Mai – Kon Tum chậm tiến độ nhiều năm. Ảnh: Quang Thái

Có 11/48 dự án chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục để cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, chưa được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, chủ yếu các dự án khai thác mỏ cát, sạn sỏi, sét làm gạch ngói tại các huyện thị và 2 dự án trồng dược liệu tại huyện Tu Mơ Rông.

Có 8/48 dự án đầu tư chậm đưa đất vào khai thác sử dụng hơn 24 tháng kể từ ngày được giao đất ngoài thực địa. Trong đó bao gồm dự án Nhà máy bột giấy và giấy Tân Mai – Kon Tum, Nhà máy cấp nước sạch Đắk Tô, Thuỷ điện Đăk Psi 1 và Thuỷ điện Plei Kần Hạ. Cùng với đó, có 19/48 nhà đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án theo quy định.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Kon Tum, bên cạnh một số nguyên nhân khách quan như giải phóng mặt bằng gặp khó, ảnh hưởng dịch Covid-19, thì một phần quan trọng do các nhà đầu tư chưa thực hiện đúng quy định pháp luật trong lĩnh vực đầu tư. Quá trình thực hiện hồ sơ, thủ tục pháp lý chưa tích cực chủ động, làm kéo dài thời gian thực hiện dự án…Bên cạnh đó, có một số cơ quan có thẩm quyền (Sở Tài nguyên và Môi trường) chưa hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện thủ tục ký quỹ, đảm bảo điều kiện cho thuê đất.

Đồng thời, năng lực tài chính, năng lực kinh nghiệm của một số nhà đầu tư còn hạn chế, việc huy động nguồn lực về tài chính, nhân lực để đầu tư dự án còn gặp nhiều khó khăn.

Tại báo cáo này, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị chấm dứt hoạt động 9 dự án gồm: Dự án đầu tư khai thác và chế biến đá xây dựng thông thường tại thôn 1B (xã Đăk La, huyện Đăk Hà); Dự án khai khoáng sản cát, sạn, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường tại thôn 3, 5 (thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy) và thôn 10, xã Đăk Tờ Re (huyện Kon Rẫy); Dự án đầu tư khai thác khoáng sản sét làm gạch, ngói tại thôn 2 (xã Kroong, TP. Kon Tum); Dự án trang trại nấm Mi Ba; Dự án nhà máy sản xuất phân bón vi sinh hữu cơ; Dự án chế biến nhà máy mủ tờ; Dự án đầu tư nhà máy chế biến đá thạch anh nhân tạo của CTCP khoáng sản Lộc Thiên Phú; Dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng của CTCP Nông nghiệp công nghệ cao An Bình Kon Tum.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm