Kỹ năng sống

Bị ăn bớt tiền lẻ

Người phụ nữ 41 tuổi không muốn mất thêm thời gian đôi co hoặc đứng chờ họ đi đổi tiền lẻ. Có điều, chị cũng không biết làm gì với những chiếc kẹo ngoài việc mang về nhà thả vào hộp. Lâu dần, trong nhà chị có một hộp kẹo to, đủ loại, mang tên "kẹo tiền thừa".

Nhưng chồng chị, anh Huy Hoàng (45 tuổi) không thỏa hiệp, kiên quyết đòi trả lại dù chỉ một, hai nghìn đồng. "Không thể mặc định là siêu thị không đủ tiền lẻ để không trả lại hoặc dùng kẹo rẻ tiền thay thế", anh Hoàng nói.

Một lần đi siêu thị cùng vợ, thấy nhân viên đưa kẹo, anh hỏi thẳng: "Nếu tôi mua hàng thiếu 1.000 đồng, trả bằng kẹo có được không?". Người bán hàng lắc đầu. "Vậy tại sao tôi phải nhận kẹo của bạn?". Lúc này, người bán với thái độ bực dọc khinh khỉnh, lôi tiền lẻ từ ngăn kéo ra trả đủ cho vợ chồng anh.

Thu Hoài, sống ở Cầu Giấy, Hà Nội cũng hay bị người bán hàng thản nhiên bớt vài nghìn đồng tiền lẻ như thế. Lần đi taxi gần đây, đồng hồ trên xe chỉ 64.000 đồng, cô đưa tài xế 70.000 đồng, chờ một lúc không thấy tài xế trả lại, Hoài đành xuống xe, dù trong lòng rất khó chịu.

"Coi như tiền tip, đòi có khi còn bị mắng là bủn xỉn", cô nói.

Một tài xế nhận được kẹo thay cho tiền lẻ trả lại khi trả phí cho tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành, tháng 2/2022. Ảnh: Anh Đức

Một tài xế bức xúc khi nhận được kẹo thay cho tiền lẻ trả lại trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây nên chụp ảnh và kiến nghị lên cơ quan quản lý, tháng 2/2022. Ảnh: Anh Đức

Không trả lại tiền thừa cho khách, đổi bằng kẹo hoặc ỉm đi như trường hợp của Hoài và Vân không phải hiếm gặp, nhiều người cũng đã phản ứng. Vụ việc gây chú ý dư luận gần đây nhất là hồi tháng 2/2022, nhân viên của một số trạm thu phí BOT trên tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đưa một, hai viên kẹo thay cho 1.000 - 2.000 đồng tiền thối. Các tài xế tỏ ra khó chịu và kiến nghị lên cơ quan quản lý (Công ty VEC E) yêu cầu ngừng việc này.

Theo khảo sát của VnExpress với hơn 600 độc giả, 52% số người được hỏi khẳng định đã từng trải qua tình huống tương tự, trong đó 8% thường xuyên bị ăn chặn tiền thừa từ người bán hàng.

"Thản nhiên bỏ qua việc trả lại tiền thừa rồi tỏ ra khinh thị khi khách đợi lấy tiền lẻ là hành động mắc hai lỗi ứng xử văn hóa cơ bản: coi thường đồng tiền và coi thường người khác", chuyên gia văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên giảng viên ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, nhận xét.

Theo ông Vĩ, người Việt rất coi trọng việc phân minh, rạch ròi trong làm ăn, buôn bán, dù trong một số quan hệ bình thường có thể cho nhau mà không cần tính toán. Nếu nghĩ mấy đồng tiền lẻ chẳng đáng bao nhiêu để không trả lại cho khách, là phạm phải tính công bằng. Khi khách hàng cho, cần cảm ơn bằng sự trân trọng, nếu không cho cũng không được quyền ỉm đi hoặc đòi hỏi người ta phải cho mình.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đỗ Minh Cương, Phó viện trưởng Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, tiền "thối", tiền "thừa" cần được trả lại đầy đủ. Trường hợp người bán không đủ tiền lẻ để thối, cũng cần có một lời giải thích với người mua, như vậy mới chuyên nghiệp. Điều này khẳng định người bán tôn trọng quyền sở hữu tài sản của người mua, dù đó chỉ là vài trăm, vài nghìn đồng bạc lẻ.

"Ví dụ chuyến xe ôm 47.000 đồng, khách đưa 50.000 đồng, nếu hết tiền lẻ, nên lịch sự mở lời xin. Tôi tin chắc khách hàng nào cũng vui vẻ đồng ý. Ngược lại im ỉm, mặc định coi đó là tiền tip, có ngày xảy ra chuyện không hay", ông Cương nói, thêm rằng việc cho tiền thừa hay không là vấn đề tự nguyện chứ không thể biến nó thành "sự hiển nhiên bất đắc dĩ".

Không dưới chục lần, Minh Thụy, sống tại Hải Phòng phải chịu đựng sự "hiển nhiên bất đắc dĩ" này. Hai ngày trước, khi lấy đồ của shipper, tổng đơn 197.000 đồng, đưa 200.000 đồng nhưng không thấy trả tiền thừa, Hoàng đòi lại. Hàng xóm đi qua thấy vậy, khuyên anh: "Thời gian cãi nhau đó nghĩ gì để kiếm tiền nhiều hơn là so đo vài đồng bạc lẻ". Lời qua tiếng lại, Hoàng bị hàng xóm nói là bủn xỉn, keo kiệt.

"Tôi tự hỏi, tại sao mình phải ngại khi nhận số tiền chính đáng, trong khi người thu tiền không thấy ngại khi không trả lại?", người đàn ông 37 tuổi thắc mắc. Anh nhấn mạnh, không có tiền lẻ thì phải nói để thông cảm, chứ không thể bắt người khác chấp nhận. Buôn bán cần sự sòng phẳng, rạch ròi. Không ai giàu vì vài đồng lẻ nhưng nó thể hiện sự không trung thực của người bán."Cuối cùng, từ thượng đế, tôi trở thành kẻ keo kiệt chỉ vì cố đòi mấy đồng tiền thừa", người đàn ông chua chát.

Tuy vậy, Minh Thụy không hề đơn độc khi anh thuộc 68% trong hơn 600 độc giả tham gia khảo sát quả quyết sẽ không thỏa hiệp với người ăn chặn tiền thừa. Còn tư duy "bỏ qua vì vài đồng chẳng đáng gì" chỉ chiếm 13%.

"Tiền mình kiếm được, mình hoàn toàn có quyền quyết định và trân trọng dù đó là giá trị nhỏ nhất, không sợ bị đánh giá là keo kiệt", ông Hùng Vĩ khẳng định.

Theo chuyên gia, những người thỏa hiệp với hành vi "ăn chặn tiền thừa" có một số mắc bệnh sĩ diện, dù bản thân chưa chắc giàu có. Chắc chắn sẽ có lần họ muốn đòi lại tiền thừa, nhưng trước mặt nhiều người lại sợ bị mất mặt, phải đắn đo nhận lại số tiền đó hay không. Nhưng cũng có người không chấp nhặt với lý do bận việc mà phải đợi lâu để nhận tiền thừa nên lựa chọn bỏ qua, dành thời gian cho việc quan trọng hơn. Hoặc cũng có thể họ muốn mang lại niềm vui nho nhỏ, tạo động lực cho đối tượng đã phục vụ mình với số tiền thừa đó.

Bởi vậy, không có một quan niệm chung nhất về đồng tiền và việc tiêu tiền. Tiền thừa, tiền cho tặng thuộc về ứng xử cá nhân. Trong ứng xử đó, mỗi người tùy thuộc vào hoàn cảnh và đối tượng cụ thể để giao tiếp, không có một mẫu nhất quán buộc ai cũng phải tuân theo.

"Nên hành xử theo cách người cho được hạnh phúc bởi lòng thiện tâm và người nhận mang hạnh phúc bởi được từ thiện", ông Vĩ nói.

Với sự khó chịu gây ra cho khách hàng khi bị ăn chặn tiền thừa, chuyên gia Đỗ Minh Cương đưa ra giải pháp mỗi người nên chuẩn bị sẵn tiền lẻ và trả đúng số tiền cần thanh toán. Ngoài ra, nên đẩy mạnh việc thanh toán điện tử, hạn chế sử dụng tiền mặt... Đối với những cửa hàng, siêu thị cần có triết lý kinh doanh hướng tới phục vụ và tôn trọng khách, bằng cách thanh toán sòng phẳng, công khai minh bạch.

"Những thái độ coi thường khách dù bất cứ tình huống nào cũng tạo ra bất lợi lớn cho người bán. Đừng vì lợi ích nhỏ trước mắt mà mất đi lòng tin lâu dài", ông Cương nhấn mạnh.

Một số siêu thị thường dùng kẹo cao su để trả lại khách hàng với lý do không có tiền lẻ. Ảnh minh họa: Yahoo Japan

Một số siêu thị thường dùng kẹo cao su để trả lại khách hàng với lý do không có tiền lẻ. Ảnh minh họa: Yahoo Japan

Làm nghề shipper đã 5 năm nhưng mỗi ngày đi làm, Việt Hưng ở Hà Nội đều đổi 100.000 đồng tiền lẻ mệnh giá 1.000, 2.000 và 5.000 đồng. Quan điểm của tài xế này là không được phép trả thiếu tiền khách, dù chỉ một đồng. Theo anh, tùy thuộc vào sự hào phóng của khách hoặc khi họ thỏa mãn về thái độ phục vụ, nếu cho thêm thì nhận, không thì thôi. "Như thế đôi bên cùng vui", Hưng nói.

Còn với Thu Hoài, sau lần đi taxi truyền thống bị quỵt tiền thừa, cô chuyển sang taxi công nghệ thanh toán bằng thẻ. Thậm chí giờ khi đi chợ, người phụ nữ này cũng hỏi người bán xem họ có nhận thanh toán chuyển khoản không để tránh trường hợp không có tiền lẻ trả lại.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm