Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về bất động sản sáng 17/2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho rằng, thời gian qua, áp lực lớn đối với vốn tín dụng ngân hàng cho lĩnh vực bất động sản không phải do điều hành tín dụng mà do những khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Nguyên nhân là do doanh nghiệp phát hành trái phiếu để phát triển bất động sản nhưng chọn điều kiện phát hành dễ và không quản lý tốt dòng tiền nên bị động khi sự cố xảy ra.
"Về giải pháp, doanh nghiệp cần có bộ phận theo dõi, đánh giá, tổng hợp, dự báo tình hình để chủ động điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh để không bị động, không nên đầu tư dàn trải nhiều dự án cùng lúc", NHNN đánh giá.
Bên cạnh đó, nhà điều hành cho rằng, doanh nghiệp phải chú trọng việc xây dựng kế hoạch, kiểm soát, theo dõi dòng chu chuyển tiền tệ để có giải pháp chủ động không để lâm vào tình trạng bị động, tắc nghẽn dòng tiền,... Ngoài ra cần đẩy mạnh cơ cấu doanh nghiệp, nâng cao năng lực tài chính.
Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục dành vốn tín dụng cho dự án đủ điều kiện pháp lý, dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ. Đồng thời kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với bất động sản cao cấp, không có nhu cầu thực, kinh doanh đầu cơ, làm giá,...
Cũng tại Hội nghị, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiến nghị, NHNN nên cân nhắc sớm cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng ngay trong tháng này để tổ chức tín dụng chủ động triển khai thực hiện sớm.
Đồng thời, NHNN kiểm soát rủi ro tín dụng bằng cách điều chỉnh lại hệ số rủi ro đối với các phân khúc bất động sản.Cân nhắc điều chỉnh Thông tư 16, Thông tư 22 và khi sửa Thông tư 39 theo hướng cho phép các tổ chức tín dụng đầu tư nhiều hơn vào trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm an toàn đối với trái phiếu doanh nghiệp và cho vay góp vốn, tài trợ chuyển nhượng dự án.
Ông Lực cũng kiến nghị NHNN cân nhắc cho phép các doanh nghiệp cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ với thời hạn, đối tượng phù hợp.
Trước đó, trong cuộc họp sáng 8/2, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã thông tin, trong năm 2023 NHNN thống nhất sẽ tiếp tục sử dụng công cụ room tín dụng.
"Ban lãnh đạo cũng giao cho các đơn vị chức năng nghiên cứu để xem lộ trình như thế nào, nhưng vẫn đảm bảo điều hành tín dụng, đáp ứng vốn cho nền kinh tế và đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng. Định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 14 – 15%, có điều chỉnh tùy theo tình hình.
Nếu diễn biến lạm phát cho phép thì việc điều hành tín dụng có thể sẽ linh hoạt hơn. Nhưng nếu lạm phát có nguy cơ rủi ro tăng cao thì lúc đó NHNN sẽ có điều chỉnh phù hợp”, Thống đốc nhấn mạnh.