Không hình sự hóa, không chuyển trạng thái đột ngột
Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc "tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” sáng 17/2, ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng - cho biết, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong thời gian qua phát hành một lượng trái phiếu rất lớn (hàng chục, hàng trăm ngàn tỷ đồng) và có hạn trả nợ vào cuối năm 2022 và năm 2023. Đây là khó khăn, áp lực rất lớn cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong thời gian tới.
Nêu quan điểm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, ông Sinh nhấn mạnh cần coi trọng việc giám sát, điều tiết thị trường; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự; bảo vệ cán bộ, những người làm đúng; bảo vệ, hài hòa lợi ích nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Cùng với đó, kiên trì phát triển hệ sinh thái bất động sản lành mạnh, bền vững; không siết chặt các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, chứng khoán dành cho bất động sản một cách bất hợp lý nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý nhà nước. Tập trung bảo đảm hiệu quả, quản lý chặt chẽ giá cả, thị trường; không điều hành chính sách “giật cục”, không chuyển trạng thái đột ngột từ “nới lỏng” sang kiểm soát chặt chẽ hoặc ngược lại.
Về giải pháp cụ thể, ngoài việc hoàn thiện và báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội thông qua dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Bộ Xây dựng sẽ xây dựng và báo cáo Chính phủ đề trình Quốc hội ban hành “Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội”. Bộ cũng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu đề xuất gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn.
Đề nghị giãn nợ gốc, lãi vay cho doanh nghiệp
Với Ngân hàng nhà nước, Bộ Xây dựng đề nghị có chỉ đạo giãn nợ gốc, lãi vay cho các doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng (ưu tiên doanh nghiệp, dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại với giá phù hợp, cải tạo chung cư cũ, văn phòng cho thuê, bất động sản phục vụ tiêu dùng, sản xuất, công nghiệp, du lịch...).
Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn; đồng thời có biện pháp giảm lãi suất để hỗ trợ đầu tư kinh doanh bất động sản.
Bộ Tài chính rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2023. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn việc chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp và tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát hành và xử lý nợ trái phiếu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi); hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành “Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai”; hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan đến thủ tục về đất đai.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Đầu tư. Tăng cường kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp các quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư, đấu thầu dự án bất động sản.
Đại diện Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền giám sát, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản, hoạt động môi giới bất động sản và hành vi đưa thông tin không chính xác, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường.