"Mục đích kiểm tra nhằm phát hiện, chấn chỉnh, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh", Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM Phạm Khánh Phong Lan cho biết, ngày 22/4.
Kế hoạch kiểm tra được tiến hành trong bối cảnh Bộ Công an vừa triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa bột giả các loại dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai, doanh thu gần 500 tỷ đồng. Đường dây sản xuất sữa giả này có hệ sinh thái phủ cả nước. Từ hai doanh nghiệp chính là Rance Pharma và Hacofood Group, nhóm đã lập thêm 9 công ty để sản xuất, phân phối sữa bột giả.
Bộ Y tế ghi nhận khoảng 10% trong 573 nhãn hiệu sữa giả được công bố chất lượng tại Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội, hơn 300 nhãn hiệu công bố ở Hòa Bình, hơn 200 nhãn hiệu công bố ở Vĩnh Phúc và địa phương khác.
Hiện TP HCM chưa ghi nhận những nhãn hiệu trong danh sách giả như trên. Theo bà Phong Lan, kế hoạch của Sở An toàn Thực phẩm thành phố là kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa chế biến, sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt. Các hạng mục kiểm tra ngoài hồ sơ giấy tờ còn có nội dung công bố sản phẩm, vệ sinh nhà xưởng, trang thiết bị dụng cụ... Cơ quan chức năng cũng lấy mẫu sản phẩm kiểm nghiệm để đánh giá chất lượng hàng lưu thông trên thị trường.

Công nhân đóng hộp thành phẩm sữa giả tại cơ sở sản xuất, chuẩn bị bán ra thị trường. Ảnh: CAND
Trước đó, Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, yêu cầu các địa phương rà soát việc công bố sản phẩm đối với 11 công ty trong đường dây sản xuất sữa giả. Bộ cũng yêu cầu các bệnh viện rà soát sữa và sản phẩm dinh dưỡng đang tư vấn bệnh nhân dùng, sau khi Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 rồi Đa khoa tỉnh Bắc Kạn thông báo dừng tư vấn sử dụng và thu hồi sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus, Hapomil do phát hiện chúng thuộc công ty sản xuất sữa giả.