Hành trình sáng tạo ra nghề xé quần
Đi dọc con đường Hồ Xuân Hương (Quận 3, TP.HCM), nhiều người sẽ bắt gặp hình ảnh một ông chú trung niên đang mải mê dùng con dao rọc giấy khứa từng đường sắc lẹm lên chiếc quần jeans màu xanh bạc. Dừng lại hỏi chuyện, PV được biết ông tên là Trương Tấn Viễn (58 tuổi), làm nghề xé quần jeans , tạo kiểu thủ công đầu tiên và duy nhất trên mảnh đất Sài Gòn.
Trước khi bắt đầu công việc này, ông Viễn từng là họa sĩ nghiệp dư nhưng thu nhập ít ỏi từ nghề vẽ tranh không giúp ông đủ trang trải cuộc sống. Vì vậy, ông đã quyết định chuyển hướng sang lĩnh vực kinh doanh quần jeans cũ, theo cách gọi thân quen là "hàng si-đa".
Từng là một họa sĩ, ông Viễn chuyển hướng sang nghề xé quần jeans tạo kiểu vì cơm áo gạo tiền.
Những năm đầu buôn bán, thu nhập của ông khá tốt nhưng thời gian trôi qua, xu hướng thời trang cũng đã thay đổi, người Việt bắt đầu theo đuổi những bộ trang phục mới mẻ do các công ty may mặc sản xuất.
Năm 1995, những chiếc quần jeans rách trở thành "mốt thời thượng", ông Viên nảy ra ý tưởng thiết kế lại những chiếc quần jeans cũ, giúp chúng một diện mạo mới hấp dẫn hơn. Với kiến thức hội họa có sẵn, ông Viễn mày mò sáng tạo đủ kiểu.
“Thật ra thời điểm tôi bắt đầu mày mò và tạo kiểu cho những chiếc quần jeans là từ rất lâu rồi. Nhưng khi ấy, tôi chỉ làm cho vui, làm cho chính bản thân mình mặc. Chỉ mãi đến năm 1995, bắt đầu có người nhờ tôi tạo kiểu cho quần jeans của họ và tôi bắt đầu nhận được những đồng thù lao đầu tiên từ công việc này thì trong đầu tôi mới nảy sinh suy nghĩ theo đuổi công việc”, ông chủ U60 kể về cơ duyên đến với nghề xé quần tạo kiểu.
Ông Viễn mải mê cầm con dao rọc giấy khứa từng đường tỉ mỉ trên chiếc quần jeans của khách hàng.
Ông Viên thuần thục sử dụng dao rọc giấy để rạch quần.
Bén duyên với nghề "thợ xé" tình cờ là vậy nhưng công việc này cũng đã gắn bó với ông trong suốt 30 năm. Mỗi ngày, ông Viễn sẽ mang chiếc ghế xếp cùng sào quần jeans của mình ra khu vực vỉa hè đường Hồ Xuân Hương đón khách. Công việc sẽ kéo dài từ khoảng 3 giờ chiều và kết thúc vào 6 giờ tối cùng ngày.
Vào những năm cuối thập niên 90 - đầu năm 2000, khách hàng tìm đến ông Viễn đa phần là những người trẻ, có gu thời trang cá tính hoặc một số văn nghệ sĩ như Lâm Hùng, Phương Thanh, Châu Gia Kiệt,...
Tuy nhiên, thời thế thay đổi, suy nghĩ của người Việt về thời trang cũng cởi mở hơn trước, thời trang giờ đây không còn bị giới hạn bởi độ tuổi, giới tính hay địa vị xã hội. Chính vì lý do đó mà lượng khách hàng tìm đến ông Viễn ngày một đông hơn và độ tuổi cùng đa dạng hơn.
“Bây giờ không chỉ người trẻ, kể cả người lớn tuổi khoảng 50, 60, 70 tuổi cũng bắt đầu tìm đến tôi và nhờ tôi làm mới chiếc quần jeans của họ. Thật ra, trước đây, không phải người già họ không mặc quần jeans rách mà chỉ là họ chưa tìm được kiểu dáng khiến họ ưng ý thôi.
Quần jeans rách do các công ty may mặc sản xuất thường có vết xé hơi lớn và mang phong cách khá xì tin. Trong khi đó người lớn tuổi họ chỉ thích những vết xé có độ rộng vừa phải và tôi đã đáp ứng được yêu cầu đó của họ nên số lượng khách hàng lớn tuổi tìm đến tôi ngày càng nhiều hơn”, ông Viễn hào hứng khi kể về những "thượng đế" mình đã phục vụ.
“Dù có làm thêm bao nhiêu năm nữa tôi cũng không chán công việc này”
Để tạo ra một chiếc quần jeans đặc biệt, ông Viễn mất khoảng 45 phút cho đến 1 giờ đồng hồ hoàn thành. Tùy thuộc vào độ rộng cũng như mức độ phức tạp của vết rách mà khách hàng yêu cầu, mỗi sản phẩm hoàn thành, ông Viễn sẽ nhận được số tiền công dao động từ 80.000 -100.000 đồng.
Với thời gian làm nghề tính bằng chục năm và số lượng sản phẩm làm ra mỗi ngày không phải ít, nhiều người thắc mắc, liệu ông Viễn có gặp vấn đề trong việc tìm kiếm ý tưởng sáng tạo hay không.
Ông Trương Tấn Viễn điềm tĩnh trả lời: “Tôi không lo ngại về việc không có ý tưởng vì thực chất ý tưởng đến từ yêu cầu của khách hàng. Một khi khách hàng cầm chiếc quần jeans lành lặn của họ đến cho mình xé thì chắc chắn họ là một người có gu nên họ sẽ đưa ra những yêu cầu rất cụ thể, chi tiết. Điều đó giúp tôi rất nhiều trong việc tạo ra những vết xé ấn tượng”.
Ông Trương Tấn Viễn bên cạnh những sản phẩm sáng tạo từ đôi bàn tay.
Ông Viễn làm nghề này từ khi tóc vẫn còn xanh, nay đã chuyển sang bạc. Gần 30 năm tận tụy với nghề, ông vẫn nhớ như in những cột mốc thời gian từng đi ngang qua đời mình. Ông có thể kể lại rành mạch từng chi tiết với giọng điệu vô cùng hào hứng.
Chứng kiến ông say mê với nghề là vậy, PV đặt câu hỏi: “Trong từng ấy năm làm nghề chú có bao giờ cảm thấy chán nản và muốn nghỉ làm chưa?”
Không cần đến thời gian suy nghĩ, ông Viễn ngay lập tức trả lời ngắn gọn “Dĩ nhiên là chưa từng chán rồi và dù có làm thêm bao nhiêu năm nữa tôi cũng không chán. Tôi sẽ làm công việc này cho đến khi không còn sức nữa mới thôi. Thậm chí, bây giờ có ai muốn đến xin học nghề tôi cũng sẵn lòng chỉ dạy luôn, tôi không tiếc rẻ gì hết”.
Là người đầu tiên và duy nhất mưu sinh bằng nghề xé quần jeans tạo kiểu trên đất Sài Gòn, ông Viễn luôn cảm thấy vui vẻ với công việc mình đang làm. Ông Viễn còn tự tay thiết kế ra 1 số sản phẩm thời trang khác như túi đeo, giày thể thao, bóp vải,...Công việc này không chỉ mang lại thu nhập chính cho ông Viễn mà còn giúp giảm bớt lượng rác thải ra môi trường.