Vào giữa lớp 11, Trần Lâm Hà (SN 2002, Hà Nội) quyết định đi du học sớm. Điều này có nghĩa Hà sẽ không học lớp 12 rồi thi tốt nghiệp và lấy bằng như các bạn khác. Thay vào đó, Hà sang Úc, dành một năm học dự bị đại học (khóa Extended Foundation Program) tại QUT College - trường Cao đẳng trực thuộc Đại học Công nghệ Queensland, rồi lên thẳng khóa học Cử nhân tại trường Đại học này.
Quyết định đó của em nhận nhiều sự ái ngại, thậm chí phản đối. Lý do đơn giản là mọi người cho rằng việc không có bằng cấp 3 quá "mạo hiểm", sẽ trở thành trở ngại khá lớn khi xin việc sau này.
Tuy nhiên, nhìn lại hành trình đã đi qua, Hà chia sẻ mình chưa từng hối hận. Hiện, Hà là sinh viên năm cuối ngành Truyền thông tại Đại học Queensland, thuộc thành phố Brisbane, bang Queensland, nước Úc. Đây là một trong những trường đại học hàng đầu, nhận được sự tin tưởng của các công ty, tập đoàn lớn trên thế giới với tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao.
Có 4 lý do khiến Hà cho rằng quyết định bỏ ngang cấp 3 của mình ngày đó là một lựa chọn chính xác.
1. Rũ bỏ gánh nặng thi cử
Sẽ rất ít người phủ nhận được rằng năm lớp 12 tại Việt Nam rất căng thẳng - học sinh không chỉ cố gắng duy trì kết quả khả quan, thậm chí xuất sắc trên trường mà còn vùi mặt vào luyện đề, ôn tập để hoàn thành thật tốt cả bài thi tốt nghiệp, bài thi Đại học, và vào được ngôi trường trong nguyện vọng.
Đặc biệt, những học sinh dự định đi du học sẽ phải làm những điều này song song với quá trình chuẩn bị hồ sơ gian nan để apply vào ngôi trường mong muốn. Việc đi sớm giúp giảm thiểu những căng thẳng này. Hà không cần ôn thi Đại học - một bài thi khó mà mình không nhất thiết phải hoàn thành, vì em không dự định sẽ học Đại học trong nước.
2. Đặt nền móng vững chãi cho 3 năm đại học
Theo Hà, học dự bị không “nặng đô" như Đại học; nó cung cấp cho mình những kiến thức và kỹ năng bổ trợ để những năm Cử nhân trở nên suôn sẻ hơn, không ít thì nhiều. Đặc biệt là đối với một người với tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai như Hà, thì đây là năm cần thiết để làm quen với ngữ điệu và trau dồi kĩ năng nghe-hiểu tại nước Úc, không chỉ trong môi trường sư phạm mà còn với giao tiếp thường ngày.
Không chỉ thế, Hà cảm thấy như được tặng thêm một năm để trải nghiệm nền văn hoá Úc và kết bạn với những người ở mọi đất nước khác nhau.
3. Giảm gánh nặng tâm lý
Vì học dự bị nhẹ nhàng hơn Đại học nên Hà có rất nhiều thời gian để khám phá và làm quen, tránh tình trạng vừa sang đã lao vào học bận rộn, mà còn phải giải quyết vấn đề “sốc văn hóa" - rất áp lực và có thể ảnh hưởng với tâm lý và chất lượng cuộc sống.
4. Tiết kiệm thời gian
Một điểm khá quan trọng mà bạn nên cân nhắc là: không phải tất cả học sinh đã tốt nghiệp THPT ở Việt Nam đều được tuyển thẳng vào Đại học ở Úc. Tùy thuộc vào trường cấp 3 và GPA của bạn, có thể bạn vẫn cần học một năm Cao đẳng trước khi đạt tiêu chuẩn vào Đại học. Hà đánh đổi lớp 12 của mình để học dự bị đã giúp tiết kiệm được một năm so với những người khác.
Dự bị Đại học Úc là khóa học ngắn hạn chỉ kéo dài trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm. Mục đích của chương trình học này chính là giúp học sinh trang bị các kiến thức và kỹ năng với một tâm thái tự tin bước vào giảng đường Đại học.
Với khóa dự bị Extended Foundation Program, điều kiện đầu vào cho học sinh Việt Nam như sau: Học sinh lớp 11: GPA cả năm 7.5/10; Học sinh lớp 12: GPA 5.0/10. IELTS 5.5 và không điểm nào dưới 5. Hà apply và nhận được học bổng AUD$2,512 (tương đương khoảng 40 triệu đồng) cho 1 năm học.
Theo Hà, đi du học sớm bằng cách học dự bị đại học là một lựa chọn không phổ biến ở Việt Nam bởi sự “mạo hiểm” của nó. Nhưng thực chất, lựa chọn này đem lại rất nhiều lợi ích - đáng để bạn cân nhắc nếu có dự định lấy bằng Cử nhân tại một trường đại học nước ngoài.
Hà gợi ý, nếu đủ tiêu chuẩn điểm GPA năm lớp 10 hoặc 11, bạn có thể chọn học 1 năm Cao đẳng thay vì dự bị đại học - cũng với lợi ích tương đương nhưng tiết kiệm hơn về mặt kinh tế. Và với những chứng chỉ như IELTS, nên ôn thi càng sớm càng tốt, bởi vì càng về cuối cấp 3 thì khối lượng kiến thức trên trường sẽ ngày càng dày đặc, khiến bạn bận rộn hơn rất nhiều.