Tài chính

Gần 283.000 tỷ đồng trái phiếu sắp đáo hạn: Doanh nghiệp nhọc nhằn xin giãn nợ

Gần 273.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm nay

Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ đáo hạn trong quý 1/2023 ước đạt 30.655 tỷ đồng (giảm 40,3% so với quý 4/2022 và tăng 246,7% so với cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên, áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh trở lại trong quý 2 và quý 3/2023 với giá trị lần lượt đạt 93.139 tỷ đồng (tăng 169% so với cùng kỳ) và 89.488 tỷ đồng (tăng 49,9% so với cùng kỳ). Sau giai đoạn này, giá trị đáo hạn trong quý 4/2023 sẽ hạ nhiệt 33,4% so với quý trước về mức 59.571 tỷ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ).

Các chuyên gia phân tích của VNDIRECT ước tính, trong năm 2023, giá trị đáo hạn TPDN sẽ đạt khoảng 272.853 tỷ đồng (tăng 76,6% so với cùng kỳ). Tỷ lệ TPDN đáo hạn của ngành bất động sản, tài chính – ngân hàng và các ngành khác lần lượt là 37,6%, 37% và 25,5% bao gồm các đợt phát hành TPDN riêng lẻ từ năm 2019 tới nay và bao gồm cả các doanh nghiệp phát hành đã thực hiện mua lại trái phiếu trước thời gian đáo hạn.

Gần 283.000 tỷ đồng trái phiếu sắp đáo hạn: Doanh nghiệp nhọc nhằn xin giãn nợ - Ảnh 1.

Gần 273.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong năm nay (Ảnh minh họa: KT)

Trong khi áp lực đáo hạn trái phiếu là rất lớn, thì trái phiếu phát hành mới vẫn đóng băng (không có lô TPDN nào được phát hành trong 3 tuần đầu tháng 1/2023). Thêm vào đó, thị trường bất động sản, các kênh huy động vốn (chứng khoán, tín dụng, huy động vốn từ người mua nhà…) đều khó khăn khiến doanh nghiệp phát hành khó tìm nguồn vốn đảo nợ.

Ngay đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp đã phải "khất nợ" trái phiếu đến hạn thanh toán. Cụ thể, vừa qua, Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) đã xin lùi thời gian trả nợ trái phiếu hơn 181 tỷ đồng. Đây là lô trái phiếu mã 30122017-01, phát hành ngày 30/12/2017 và đáo hạn vào ngày 30/12/2022 (kỳ hạn 5 năm). Lô gồm 134 trái phiếu mệnh giá 1 tỷ đồng, tổng huy động 134 tỷ đồng, lãi suất 10%/năm, kỳ hạn thanh toán lãi 6 tháng/lần.

Theo văn bản công bố, DLG còn phải thanh toán tiền gốc hơn 117 tỷ đồng, lãi hơn 64 tỷ đồng, tổng cộng hơn 181 tỷ đồng. Công ty cho biết đang đàm phán và thỏa thuận với trái chủ để gia hạn, kéo dài thời gian trả nợ gốc và lãi theo quy định của pháp luật. Về nguyên nhân chậm thanh toán, DLG cho biết, do ảnh hưởng bởi thiên tai dịch bệnh kéo dài, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đồng thời lãi suất tăng cao, tín dụng siết chặt… dẫn đến dòng tiền còn hạn chế, chưa đáp ứng theo kế hoạch thanh toán nợ.

Tương tự, cũng trong tháng 1/2023, Công ty cổ phần Hưng Thịnh INCONS thông báo về việc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu HTNBH2122002 đáo hạn vào ngày 31/12/2022. Lô trái phiếu này có giá trị phát hành 300 tỷ đồng, Công ty mới thanh toán được tiền lãi và 90 tỷ đồng tiền gốc, hiện vẫn còn nợ nhà đầu tư 210 tỷ đồng nợ gốc. Thay vì thanh toán đúng hạn vào ngày 3/1/2023, Hưng Thịnh INCONS đã “khất” nhà đầu tư trả một nửa tiền gốc đầu tháng 3/2023 và nửa còn lại cuối tháng 3. Nguyên nhân được công ty này đưa ra là tín dụng bị thắt chặt, các thị trường vốn khác (chứng khoán, trái phiếu) không tích cực, các chủ đầu tư không thu xếp kịp nguồn để thanh toán cho công ty khiến nguồn tiền bị ảnh hưởng.

Các chuyên gia của FiinRatings cho rằng, khó khăn thanh khoản sẽ tiếp diễn trong năm nay. Ước tính đáo hạn TPDN riêng lẻ sẽ có điểm rơi vào năm 2023 và 2024, lần lượt ở mức 157.970 và 341.270 tỷ đồng.

“Thị trường có thể chứng kiến thêm nhà phát hành mất khả năng thanh toán, đặc biệt là doanh nghiệp liên tục tăng cường đòn bẩy trong ít nhất 3 năm và có dòng tiền yếu”, chuyên gia của FiinGroup nhận định.

Nên có chương trình “hoãn nợ” quốc gia

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, tình trạng chậm trả nợ gốc, lãi của doanh nghiệp còn tiếp diễn bởi khối lượng trái phiếu đáo hạn năm nay là rất lớn. Dù nhiều doanh nghiệp nỗ lực bán tài sản để thanh toán nợ cho trái chủ và đàm phán gia hạn kỳ hạn trả nợ, song với tình hình thị trường bất động sản hiện nay, việc bán tài sản cũng không dễ.

Gần 283.000 tỷ đồng trái phiếu sắp đáo hạn: Doanh nghiệp nhọc nhằn xin giãn nợ - Ảnh 2.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính

Để giải tỏa áp lực trái phiếu đáo hạn, trong khi nguồn lực tài chính còn hạn chế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các nhà phát hành cần ngồi lại với các trái chủ và thông báo tình trạng thực tế của doanh nghiệp, kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp, kế hoạch trả nợ và tăng quyền lợi cho các trái chủ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên thương lượng để nhờ ngân hàng bảo lãnh, dù cửa này rất hẹp.

“Đối với những doanh nghiệp có thể trả một phần nợ trái phiếu trước hạn hoặc có tài sản đảm bảo là cổ phiếu thì nên để các trái chủ chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu doanh nghiệp. Ngoài ra, các nhà phát hành có thể bán lại tài sản cho các trái chủ với mức chiết khấu sâu”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.

Cũng theo ông Hiếu, Chính phủ nên có chương trình “hoãn nợ”. Đây là một chương trình hoãn nợ quốc gia dành cho các doanh nghiệp làm ăn bài bản đúng với quy định của pháp luật được hoãn nợ trong vòng 1 - 2 năm. Bên cạnh đó, trong thời gian hoãn nợ, các nhà đầu tư, các trái chủ không được đưa họ ra tòa để khởi kiện, để tòa án áp dụng Luật phá sản.

“Chính phủ cần phải có những biện pháp mạnh như vậy để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, TS. Hiếu đề xuất.

Cùng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia lo ngại, lượng TPDN đáo hạn trong 3 năm tới (2023-2025) lên tới 700.000 tỷ đồng, chưa kể tiền lãi. Nếu đổ vỡ xảy ra, hệ lụy sẽ rất phức tạp, vì mối liên thông ngân hàng - chứng khoán - bất động sản là khá lớn. Hiện nay, các ngân hàng không chỉ đầu tư vào TPDN khá lớn (khoảng 284.000 tỷ đồng), mà còn cho vay bất động sản hơn 2,3 triệu tỷ đồng, chưa kể bất động sản chiếm tới 65% tài sản đảm bảo của ngân hàng. Điều này có nghĩa, khi thị trường bất động sản và trái phiếu đổ vỡ, ngân hàng cũng không tránh khỏi hệ lụy.

Gần 283.000 tỷ đồng trái phiếu sắp đáo hạn: Doanh nghiệp nhọc nhằn xin giãn nợ - Ảnh 3.

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia

“Để giảm áp lực đảo nợ trái phiếu cuối năm cho các doanh nghiệp, Chính phủ và các cơ quan bộ ngành phải sớm giải quyết các vụ việc vi phạm, tiếp tục khơi thông kênh tín dụng ngân hàng, phát hành trái phiếu. Đồng thời, các doanh nghiệp phải xem xét, cơ cấu lại danh mục tài sản, cố gắng hết sức để có dòng tiền trả nợ đúng hạn. Nếu quá khó khăn, doanh nghiệp có thể đàm phán với trái chủ gia hạn, hoặc có thể chấp nhận bán đi một phần tài sản nào đó để thực hiện đúng cam kết, củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư", TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị.

Hiện nay, nhiều chuyên gia và cơ quan quản lý kêu gọi doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn vốn huy động để đảo nợ trái phiếu. Song trong bối cảnh hiện nay, việc tìm kiếm nguồn vốn mới không đơn giản khi niềm tin suy giảm, tín dụng bị kiểm soát chặt, thị trường chứng khoán không mấy sôi động. Việc bán tài sản bất động sản của doanh nghiệp cũng không dễ dàng khi giá giảm tới 30-40%. Ngay cả doanh nghiệp tốt cũng phải lao đao tìm vốn.

Điểm sáng của thị trường lúc này là Dự thảo sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP có nhiều quy định tích cực, trong đó có đề xuất cho phép doanh nghiệp phát hành được gia hạn kỳ hạn trái phiếu thêm 2 năm, một số quy định khác cũng được tạm “hoãn” 1 năm thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ đang lấy ý kiến trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65/2022/NĐ-CP. Về lâu dài, để phát triển thị trường TPDN an toàn, bền vững, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, rà soát lại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ nhằm tháo gỡ các khó khăn phát sinh hiện nay./.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm