Trong 3 phiên giao dịch thì TPB có 2 phiên giảm (4/5 và 6/5), tuy nhiên nhờ phiên 5/5 tăng kịch trần 6,9% mà giá cổ phiếu này không bị giảm so với cuối tuần trước. Ngày 5/5 cũng là ngày TPBank kỷ niệm thành lập ngân hàng, trong phiên giao dịch, thanh khoản cổ phiếu này "bùng nổ", đạt hơn 7,8 triệu đơn vị, gấp 3-4 lần các phiên giao dịch liền trước.
Trong khi đó, 26 cổ phiếu ngân hàng giảm giá tuần qua, nhiều mã ngập trong sắc đỏ trong cả 3 phiên.
STB giảm mạnh nhất tuần này, đóng cửa ở mức 25.500 đồng/cp, giảm 7,9%. Các mã giảm mạnh tiếp theo là PGB (-7,3%), OCB (-7,1%), VPB (-6,9%), NAB (-6,1%),..
Các cổ phiếu lớn khác cũng giảm mạnh như VCB (-1,9%), CTG (-2,7%), ACB (-5,2%),…
Hiện 9 cổ phiếu ngân hàng có thị giá giảm xuống dưới 20.000 đồng/cp, có những mã xuống dưới 15.000 đồng/cp như ABB (12.400 đồng/cp), VAB (11.800 đồng/cp), VBB (13.800 đồng/cp).
Một số cổ phiếu có giao dịch thỏa thuận đáng chú ý như TCB, STB. Trong đó, TCB có hơn 9,7 triệu cp được trao tay theo phương thức này với tổng giá trị gần 440 tỷ đồng. STB cũng có gần 7 triệu cp được giao dịch thỏa thuận, giá trị gần 200 tỷ đồng.
Các ngân hàng vừa kết thúc mùa công bố báo cáo tài chính quý 1/2022 và đại hội đồng cổ đông thường niên 2022. Bất chấp những thông tin tích cực về kết quả kinh doanh và kế hoạch tăng trưởng cao trong năm nay, cổ phiếu ngân hàng liên tục giảm mạnh trong bối cảnh thị trường chung diễn biến tiêu cực trong hơn 1 tháng trở lại đây.
Trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng quý II/2022, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng ngành ngân hàng đang có mức định giá hấp dẫn so với mức tăng trưởng lợi nhuận, cùng nhiều yếu tố hỗ trợ có thể diễn ra sẽ giúp các cổ phiếu ngành ngân hàng tăng trưởng vượt trội hơn so với mặt bằng chung của VN-Index.
Theo đó, BSC kỳ vọng tốc độ tăng trưởng của ngành ngân hàng sẽ tốt hơn so với dự báo trước đó, cụ thể lên mức 36,4% (so với mức 22,2% trước đó) nhờ kinh tế phục hồi sau dịch và mức nền lợi thấp hơn trong năm 2021.