Đây là nội dung trong góp ý của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) gửi Thủ tướng Chính phủ về khoản 6 Điều 1 Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, bổ sung Điều 32a Nghị định 43/2014/NĐ-CP. Nếu góp ý được thông qua, có thể 100.000 căn condotel trong 8 năm qua sẽ được cấp sổ hồng.
Theo HoREA, hiện có 100.000 căn condotel trong 8 năm qua chưa được cấp sổ hồng
HoREA cho hay, một thực trạng là trong 8 năm qua, các địa phương vẫn chưa cấp "Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải là nhà ở theo quy định tại Điều 104 Luật Đất đai và Điều 32 Nghị định 43/2014/NĐ-CP". Trong đó, có khoảng 100.000 căn condotel chưa được cấp giấy chứng nhận theo các quy định pháp luật về đất đai.
Có một số địa phương đã tùy tiện cấp "Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ du lịch" và tự đặt ra khái niệm "đất ở không hình thành đơn vị ở". Việc này đã được các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương kiểm tra, thanh tra, kết luận là trái với các quy định của Luật Đất đai 2013.
Chính vì thế, hầu như các chủ sở hữu công trình xây dựng là khách sạn, căn hộ - khách sạn, văn phòng lưu trú, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng, nhà nghỉ du lịch và công trình khác (là các công trình phục vụ mục đích lưu trú, du lịch) trong 8 năm qua chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải là nhà ở, phục vụ mục đích lưu trú, du lịch.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nhận định, việc chậm cấp sổ hồng cho "công trình xây dựng không phải là nhà ở, phục vụ mục đích lưu trú, du lịch", trong đó có căn hộ condotel, hoàn toàn không phải do quy định của Luật Đất đai gây ra, mà nguyên nhân chủ yếu là do Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản chưa quy định cụ thể. Bên cạnh đó, Luật Du lịch cũng chưa đồng bộ, chưa liên thông. Ngoài ra, còn có nguyên nhân do công tác thực thi pháp luật của các địa phương.
Do vậy, HoREA đề nghị sửa đổi khoản 6 Điều 1 "Dự thảo Nghị định" bổ sung "Điều 32a" Nghị định 43/2014/NĐ-CP như sau: "Điều 32a. Cấp Giấy Chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng là khách sạn, căn hộ - khách sạn, văn phòng lưu trú, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng, nhà nghỉ du lịch và công trình khác (công trình phục vụ mục đích lưu trú, du lịch) trên đất thương mại, dịch vụ".
Theo các chuyên gia, nếu các BĐS du lịch nghỉ dưỡng được sử dụng đất lâu dài sẽ thu hút các nhà đầu tư thứ cấp
Ông Châu đề xuất thêm khi xem xét sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Luật Xây dựng 2014, Luật Đất đai 2013, Luật Du lịch 2017 thì xem xét bổ sung các quy định pháp luật để điều chỉnh đồng bộ hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh, quản lý vận hành đối với loại hình "công trình xây dựng không phải là nhà ở, phục vụ mục đích lưu trú, du lịch".
Góp ý thêm về việc này, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - cũng cho rằng Chính phủ nên có một văn bản sau khi đã xin ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội về cách áp dụng pháp luật hiện hành để giải quyết các dự án đang bị ách tắc.
Về lâu dài, để khơi thông thị trường bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng, ông cho rằng phải có chính sách thu hút vốn đầu tư một cách hiệu quả, tạo ra sự hấp dẫn về lợi ích cho các bên tham gia và tăng thu ngân sách.
"Nếu các bất động sản du lịch nghỉ dưỡng được sử dụng đất lâu dài sẽ thu hút các nhà đầu tư thứ cấp", ông Võ nói.
Bà Hoàng Thị Vân Anh, vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết dự thảo nghị định hướng dẫn Luật đất đai sắp tới sẽ bổ sung quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu (sổ đỏ) cho các dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Các địa phương sẽ tiến hành thẩm định kỹ tính pháp lý các dự án trước khi thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho người mua bất động sản nghỉ dưỡng.