Tỉnh Vĩnh Long mới có 105 xã, 19 phường
Ngày 25.4, tin từ UBND tỉnh Vĩnh Long, tỉnh vừa hoàn thiện phương án bản đồ sáp nhập 3 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre thành tỉnh Vĩnh Long mới và phương án bản đồ tỉnh Vĩnh Long sắp xếp đơn vị hành chính mới. Các phương án này sẽ được trình HĐND tỉnh thông qua vào hôm nay.

Trung tâm hành chính tỉnh Vĩnh Long hiện hữu
ẢNH: NAM LONG
Theo đó, tỉnh Vĩnh Long mới được sáp nhập bởi 3 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre, có diện tích gần 6.300 km2 , với gần 4,2 triệu dân. Số đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp là 105 xã, 19 phường. Trung tâm hành chính - chính trị đặt tại tỉnh Vĩnh Long hiện nay.
Sau sắp xếp, tỉnh Vĩnh Long mới có hơn 26.600 cán bộ, công chức viên chức, dự kiến sẽ có 792 người được nghỉ hưởng chế độ do tinh giản biên chế theo quy định. Sau khi đơn vị hành chính mới chính thức đi vào hoạt động, dự kiến có hơn 800 cán bộ, công chức, viên chức ở Trà Vinh và Bến Tre đến Vĩnh Long làm việc.

Cán bộ, cán bộ, công chức, viên chức từ Trà Vinh, Bến Tre đến Vĩnh Long làm việc sẽ được bố trí chỗ ở
ẢNH: NAM LONG
Tỉnh Vĩnh Long đã bố trí 355 phòng ở để số cán bộ, công chức, viên chức này đến ở và làm việc. Theo đó, các trụ sở được bố trí chỗ ở như: trụ sở cũ các phòng, ban ở TP.Vĩnh Long, ký túc xá Trung tâm giới thiệu việc làm và dạy nghề thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh; ký túc xá Trường cao đẳng Sư phạm (cũ); trụ sở các trường học cũ, nhà khách công đoàn... Riêng các cán bộ là Ủy viên Ban Chấp hành và Ban Thường vụ tỉnh được bố trí nhà công vụ.

Bản đồ phương án sáp nhập 3 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre
ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Ngoài ra, HĐND tỉnh ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức tại Bến Tre và Trà Vinh đến làm việc tại tỉnh Vĩnh Long (chế độ đi lại, thuê nhà)...
Lý do chọn Vĩnh Long làm trung tâm chính trị
Theo đề án, tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long có điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội tương đồng, mỗi tỉnh có lợi thế riêng có thể bổ sung để mở rộng không gian phát triển; có sự gắn kết chặt chẽ về cộng đồng dân cư, vị trí địa lý, lịch sử hình thành đơn vị hành chính; có hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy phát triển đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển ngày càng cao của tỉnh mới và kết nối với khu vực.

Bản đồ phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở Vĩnh Long
ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Tỉnh Vĩnh Long mới là nơi kết nối với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL và các vùng kinh tế trọng điểm phía nam bằng các tuyến giao thông huyết mạch như: QL1, QL53, QL53B, QL57, QL57B, QL57C, QL60, QL54, QL80, cầu Mỹ Thuận, cầu Rạch Miễu, cầu Cổ Chiên, cầu Hàm Luông, cầu Đại Ngãi, cầu Cần Thơ... Đặc biệt là các tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ được kết nối thông suốt. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông đường tỉnh, đường huyện được tập trung đầu tư, nâng cấp góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của mỗi tỉnh trong những năm qua tạo điều kiện thuận lợi để giao lưu, phát triển du lịch, thương mại, hợp tác đầu tư trong và ngoài nước.

Tỉnh Vĩnh Long được chọn đặt trung tâm hành chính - chính trị sau sáp nhập với Trà Vinh và Bến Tre
ẢNH: NAM LONG
Địa danh Vĩnh Long có lịch sử lâu đời, là tên của 1 trong 6 tỉnh đầu tiên được thành lập ở vùng Nam bộ. TP.Vĩnh Long có lịch sử hình thành, vị trí địa lý, điều kiện kết nối hạ tầng giao thông phù hợp để trở thành trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh sau sắp xếp. Việc sáp nhập tỉnh giúp tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương để mở rộng không gian phát triển, nhất là phát triển kinh tế biển, nông nghiệp tuần hoàn, các dự án về năng lượng tạo thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại, dịch vụ, tạo kết nối và giao lưu phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương.