Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Ngày Chuyển đổi số quốc gia là ngày toàn dân, toàn quốc cùng hướng đến, cùng nhau hành động, cùng nhau nỗ lực hành động hơn nữa".
Theo Bộ trưởng, chuyển đổi số là phương thức mới nhằm giải quyết các vấn đề cuộc sống. Trong thế giới thực, con người đang gặp các vấn đề như cạn kiệt tài nguyên, khoảng cách giữa nông thôn, thành thị và các cá nhân trong việc sở hữu công nghệ cao.
"Bộ não mỗi con người không đủ chỗ lưu trữ tri thức nhân loại. Chuyển đổi số đặt ra một không gian sống mới là không gian số. Trong không gian này, những vấn đề cơ bản của thế giới thực sẽ được giải quyết", ông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay. Trong xu hướng đó, con người tạo nên tài nguyên dữ liệu, khoảng cách nông thôn và thành thị trong việc tiếp cận y tế, giáo dục... sẽ được xóa bỏ. Công nghệ cao được cung cấp dưới dạng dịch vụ giá rẻ như điện như nước, ai cũng có thể tiếp cận để sáng tạo.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phát triển, đánh giá và công bố 16 nhóm nền tảng chuyển đổi số phục vụ nhu cầu người dân. Hơn 100 nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã được tập huấn cơ bản về chuyển đổi số. Hơn 5 triệu lượt người dân được tiếp cận, được phổ biến kỹ năng số cơ bản.
Tại phiên họp đầu tiên của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tháng 11 năm ngoái, Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh chuyển đổi số tác động tới mọi người dân nên phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho chuyển đổi số. Người dân cũng cần tham gia quá trình chuyển đổi số. Có như vậy, chuyển đổi số mới mang tính toàn dân và toàn diện, mang lại lợi ích thiết thực.
Ngày 22/4, Thủ tướng ra quyết định lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia.
Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia - Bộ Thông tin và Truyền thông, nếu 2020 là năm khởi động nhận thức về chuyển đổi số, 2021 bắt đầu triển khai, trải nghiệm trong bối cảnh đại dịch, thì 2022 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện. Giai đoạn từ nay đến 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.
"Chuyển đổi số là một hành trình dài. Trên hành trình đó, có những thứ chúng ta chưa biết, chưa rõ cách làm. Năm 2021, 2022, chúng ta cùng nhau trải nghiệm, khám phá, chia sẻ những câu chuyện thành công và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Con đường chuyển đổi số của Việt Nam từ đó đã dần được định hình", Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Hội thảo Tăng tốc chuyển đổi số ngày 9/10.