Công nghệ

Google, Microsoft xử lý ổ cứng cũ thế nào

Mick Payne nhớ lại khoảnh khắc điên rồ khi đứng trước một trung tâm dữ liệu lớn tại London đầu năm nay. Ông là CEO của Techbuyer, công ty chuyên xử lý tài sản công nghệ ở Harrogate. Ông choáng ngợp bởi xung quanh là hàng nghìn ổ cứng đã qua sử dụng thuộc sở hữu của một công ty thẻ tín dụng. Ông đề nghị một khoản tiền sáu con số (USD) để mua lại với ý định xóa sạch dữ liệu trong đó và bán ổ cứng dưới dạng tân trang.

Nhưng câu trả lời Payne nhận lại là sự từ chối. Một xe tải chở cỗ máy hủy thiết bị chuyên dụng được điều đến. Toàn bộ số ổ cứng bị nghiền nát tại chỗ sau đó.

"Tôi bước ra ngoài và nghĩ: Thực sự điên rồ. Sao họ không xử lý dữ liệu tại chỗ rồi bán cho người thực sự cần. Đó là sự lãng phí quá mức", Payne nói.

Các ổ cứng trong một trung tâm dữ liệu tại Anh sắp bị nghiền nhỏ. Ảnh: Financial Times

Các ổ cứng trong một trung tâm dữ liệu tại Anh sắp bị nghiền nhỏ. Ảnh: Financial Times

Payne là một trong những người tận mắt nhìn thấy các công ty lớn hủy bỏ hàng nghìn ổ cứng. Thực tế, mỗi ngày, khi người dùng gửi email, chụp ảnh hoặc lưu dữ liệu trên "đám mây", chúng sẽ được truyền về máy chủ dịch vụ. "Đám mây" này thực chất là các trung tâm dữ liệu, bên trong là ổ cứng lưu trữ.

Chẳng hạn, Google hiện có khoảng 70 triệu ổ cứng nằm trong 23.000 trung tâm dữ liệu trên thế giới. Một số trung tâm có diện tích mặt sàn tương đương hàng chục bể bơi tiêu chuẩn Olympic. Bên trong, mỗi máy là một hộp thép có kích thước bằng một bồn rửa nhà bếp, được tạo thành từ tất cả các loại kim loại quý, khoáng chất và nhựa.

Sau khi hết tuổi đời sử dụng, các công ty như Google, Amazon và Microsoft, cũng như ngân hàng, dịch vụ, cảnh sát và các cơ quan chính phủ, cắt nhỏ hàng triệu thiết bị lưu trữ dữ liệu mỗi năm thay vì tái chế. Thông tin này có được sau khi Financial Times phỏng vấn hơn 30 người làm việc trong ngành.

Tại sao ổ cứng bị nghiền nhỏ?

Các trung tâm dữ liệu có thể chọn cách xóa dữ liệu an toàn trên máy tính và bán cho bên thứ cấp. Felice Alfieri, một quan chức của Ủy ban châu Âu, cho biết họ cũng bắt đầu quan tâm đến tính bền vững và đang thúc đẩy soạn thảo dự luật "xóa dữ liệu" thay vì hủy thiết bị.

Nhưng các công ty lớn không nghĩ thế. Theo các chuyên gia, "băm nhỏ" ổ cứng là việc nên làm để tránh dữ liệu bị rò rỉ. Nếu chuyện đó xảy ra, họ có nguy cơ đối mặt với sự an toàn công ty, sự giận dữ từ khách hàng cũng như khoản phạt khổng lồ từ cơ quan quản lý.

Ổ cứng cũ sau khi bị nghiền nát. Ảnh: Financial Times

Ổ cứng cũ sau khi bị nghiền nát. Ảnh: Financial Times

Tháng trước, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã phạt ngân hàng Morgan Stanley 35 triệu USD vì lỗi "đáng kinh ngạc" trong việc bảo vệ dữ liệu khách hàng. Cụ thể, ngân hàng bán các máy chủ và ổ cứng ngừng hoạt động mà không xóa sạch dữ liệu bên trong đúng cách. Năm 2020, Morgan Stanley cũng bị phạt 60 triệu USD và bị kiện tập thể với khoản bồi thường tương tự. Một số ổ cứng chứa dữ liệu ngân hàng sau đó bị bán đấu giá trực tuyến.

Dù sự cố bắt nguồn từ việc không xóa sạch dữ liệu trước khi bán, các ngân hàng hiện chọn cách an toàn hơn là yêu cầu mọi thiết bị lưu trữ của mình phải bị phá hủy, phần lớn là tại chỗ.

Một nhân viên Amazon Web Services tiết lộ, công ty sẽ hủy ổ cứng nếu chúng có tuổi đời từ ba đến năm năm trở lên. "Nếu chúng tôi chỉ để lọt một phần dữ liệu, hậu quả sẽ rất lớn, nhất là việc mất niềm tin khách hàng", người này nói.

Trong khi đó, một nhân viên Microsoft cho biết tại hơn 200 trung tâm dữ liệu Azure trên toàn cầu, mọi thứ sẽ bị cắt nhỏ sau khi không sử dụng. "Chúng tôi làm vậy để đảm bảo quyền riêng tư về dữ liệu khách hàng", đại diện Microsoft cho biết.

Các tổ chức chính phủ cũng chọn cách hủy ổ cứng sau khi ngừng sử dụng. Bộ Giáo dục Anh, Bộ Công việc và Lương hưu Anh, Cảnh sát Scotland và Sở Cảnh sát Bắc Ireland cho biết họ vẫn làm điều này thường xuyên.

Ổ cứng cũ bị loại bỏ ngày một nhiều

Những năm gần đây, áp lực thay ổ cứng tại các trung tâm dữ liệu ngày một cao. Hầu hết thiết bị cũ "ngốn" nhiều năng lượng. Do đó, nhiều nơi chọn các thế hệ ổ cứng SSD đời mới thay cho HDD cũ nhằm giảm điện năng tiêu thụ.

Theo Financial Times, lưu lượng truy cập Internet toàn cầu đã tăng gấp 15 lần từ 2010 đến 2020. Dung lượng lưu trữ của trung tâm dữ liệu theo đó cũng nhân lên 25 lần. Hiện 70 triệu máy chủ trên khắp thế giới đang hoạt động, tổng trọng lượng tương đương 192 tháp Eiffel. Trong khoảng 3-5 năm, chúng sẽ được nâng cấp. Có nghĩa là khoảng 11 triệu máy chủ từ năm 2017 sẽ ngừng hoạt động trong năm nay.

Các chuyên gia đánh giá, rất khó thống kê chính xác bao nhiêu ổ cứng ngừng hoạt động trên toàn cầu mỗi năm. Nhưng theo nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Năng lượng Tái tạo Quốc gia Mỹ, riêng nước này đã có ít nhất 20 triệu ổ cứng bị phá hủy.

Sau quá trình hủy, các vật liệu được tái chế trở lại cũng hạn chế. Theo Julien Walzberg, nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Năng lượng Tái tạo Quốc gia Mỹ, khả năng tái chế rơi vào khoảng 70%, chủ yếu lấy được nhôm, thép và một số kim loại trong bảng mạch. Ngoài ra, chi phí tái chế cũng chiếm một nửa, khiến nó không hấp dẫn trong mắt các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá các ổ đĩa thông thường vẫn có thể được xóa dữ liệu và tái sử dụng một cách an toàn. "Cố gắng cắt nhỏ mọi thứ chỉ để đảm bảo duy nhất sự an toàn là tính toán sai lầm", Fredrik Forslund, Phó chủ tịch Blancco, một công ty sản xuất phần mềm xóa dữ liệu, cho biết.

(theo Financial Times)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm