Chia sẻ với Tiền Phong trước khi kỳ họp diễn ra, bên cạnh chương trình của kỳ họp, nhiều đại biểu, chuyên gia bày tỏ mong muốn, Quốc hội quan tâm, dành nhiều thời gian thảo luận hơn về những vấn đề được cử tri quan tâm như việc thực hiện các chương trình phục hồi phát triển kinh tế, xã hội; các giải pháp đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong lĩnh vực y tế, đất đai, chứng khoán…
Chống tiêu cực đã mở rộng ra cả khu vực ngoài nhà nước, đúng nghĩa là không có vùng cấm ẢNH: Như ý
Ðẩy nhanh thực hiện chương trình phát triển kinh tế, xã hội
Ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết: Kỳ họp thứ 3 diễn ra trong bối cảnh mới là chúng ta đã kiểm soát được dịch COVID-19, các hoạt động kinh tế, xã hội gần như đã trở lại trạng thái bình thường. Để chuẩn bị cho kỳ họp quan trọng này, trong thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để hoàn thiện các báo cáo trình ra Quốc hội.
Qua các cuộc tiếp xúc cử tri và cũng như qua nắm bắt từ dư luận thì thấy rằng vấn đề được nhiều người quan tâm là việc triển khai thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, xã hội. Một số nội dung của chương trình, trước đây khi trình và được Quốc hội được thảo luận kỹ lưỡng, yêu cầu rất cao, song đến nay việc triển khai vẫn còn có những vấn đề nhất định, có một số nội dung thực hiện chậm. Điều quan trọng tới đây làm sao việc triển khai chương trình phải nhanh và phát huy hiệu quả. Nếu triển khai chậm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc phục hồi phát triển kinh tế, xã hội.
Ví dụ như gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, khi chúng tôi đi tiếp xúc cử tri thì thấy mọi người rất quan tâm. Công nhân quay trở lại làm việc rồi, đời sống gặp rất nhiều khó khăn do giá cả, hàng hóa tăng cao, nhất là xăng dầu nhưng đến nay chính sách hỗ trợ vẫn triển khai chậm. Chính phủ, các bộ, ngành cần có giải pháp để đẩy nhanh việc hỗ trợ cho người lao động, giảm bớt khó khăn. Bên cạnh đó, tình trạng giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm. Nhiều dự án lớn đòi hỏi tiến độ thực hiện nhanh để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Ngoài ra, những vấn đề liên quan đến vụ Việt Á, các vụ việc tiêu cực trong lĩnh vực chứng khoán, đất đai, trái phiếu cũng là những vấn đề cử tri quan tâm và mong muốn Quốc hội thảo luận, có những biện pháp ngăn chặn. Đặc biệt, một trong những nội dung được rất nhiều cử tri quan tâm là công tác quy hoạch.
Trong kỳ họp này, Đoàn giám sát của Quốc hội sẽ báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Có thể nói, thời gian qua, bên cạnh những tích cực thì công tác quy hoạch cũng còn rất nhiều vấn đề, cần sớm có biện pháp tháo gỡ để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cũng như tạo thuận lợi cho người dân.
Bịt lỗ hổng dẫn đến tham nhũng, tiêu cực
ĐBQH Phạm Văn Hòa - Đồng Tháp cho hay, trước kỳ họp thứ 3, một trong những vấn đề được cử tri quan tâm nhiều nhất là tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Hội nghị tiếp xúc nào, cử tri cũng nhắc đến vụ kit xét nghiệm Việt Á.
Cử tri cho rằng, tình trạng tham ô, tham nhũng, lãng phí chưa được giải quyết đến nơi, đến chốn. Các cơ quan chức năng xử lý rất nhiều vụ, nhưng tham nhũng, lãng phí đang ngày càng có những dấu hiệu bất thường. Người dân đặt vấn đề là, cơ quan chức năng vào chỗ nào là phát hiện ra vi phạm chỗ đó? Không vào thì thôi, vào là phát hiện ra ngay.
Vậy nguyên nhân ở đâu? Như vụ Việt Á, có quá nhiều vi phạm, liên quan đến nhiều cán bộ ở các bộ, ngành và địa phương. Cho nên nhân dân gửi gắm mong muốn Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng về tình trạng tham ô, tham nhũng, lãng phí để có giải pháp bịt kín những lỗ hổng về cơ chế, chính sách, để cán bộ không thể tham nhũng. Cử tri cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan.
Quan tâm thảo luận để phát huy nguồn lực đất đai
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam nói:
Tại kỳ họp này, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ có báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội. Có thể nói, trong thời gian qua, cử tri và nhân dân bày tỏ sự tin tưởng vào quyết tâm của Đảng, Nhà nước và đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực “không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm”. Nhờ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt mà Đảng ngày càng có được niềm tin vững chắc trong nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, cử tri và nhân dân còn trăn trở, băn khoăn, lo lắng về nhiều vấn đề. Điều khiến người dân bức xúc là tình trạng tham nhũng, lãng phí từ đất đai vẫn diễn ra nghiêm trọng. Có nhiều cán bộ cấu kết với doanh nghiệp lợi dụng chính sách để làm giàu từ đất đai. Khiếu kiện đất đai diễn biến phức tạp, trong khi đó, nguồn lực đất đai chưa được sử dụng đúng mục đích. Vừa qua, Trung ương đã thảo luận và yêu cầu sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 và các luật pháp có liên quan để khắc phục những hạn chế, yếu kém tồn tại kéo dài lâu nay. Cho nên tại kỳ họp thứ 3 này, Quốc hội cần rà soát xem pháp luật về đất đai để có giải pháp để bịt những kẽ hở, chặn đứng tham nhũng đất đai. Làm sao để quan chức không thể móc ngoặc với nhau để tham nhũng, làm giàu từ đất.
Xem xét quyết định đầu tư nhiều dự án giao thông quan trọng
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội (QH) khóa XV diễn ra từ ngày 23/5 và dự kiến bế mạc vào ngày 16/6. Trong kỳ họp này, QH sẽ xem xét thông qua 5 dự án luật, gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; thông qua Dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam và Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, phát triển tỉnh Khánh Hòa…
Quốc hội cũng xem xét, thảo luận báo cáo kinh tế, xã hội và ngân sách Nhà nước. Cùng với đó, Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư các dự án, gồm: Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 TPHCM; Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa -Vũng Tàu; Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng…