Hanna Horvath là chuyên gia tài chính có nhiều năm kinh nghiệm. Trong một bài viết đăng trên Business Insider, bà chỉ ra rằng:
Có thể bạn đã nhận thấy hóa đơn hàng tạp hóa của mình đã tăng lên, hoặc những chiếc vé máy bay bạn đang muốn đặt đã đắt hơn rất nhiều. Nếu giá cả tăng cao đã xuất hiện trong tâm trí bạn trong vài tháng qua, thì bạn không đơn độc. Tỷ lệ lạm phát đã và đang tiếp tục tăng cao, trong đó ở Mỹ đạt tới 8,5% hồi tháng 3. Đây cũng là mức tăng nhanh nhất trong hơn 40 năm qua. Lúc này, bất kể chi tiêu hay các khoản đầu tư nào cũng đều cần được cân nhắc.
Lạm phát cao hơn đồng nghĩa với việc giá cả mọi thứ đều cao hơn, từ thực phẩm, khí đốt cho đến quần áo. Trên thực tế, mọi người đang chi tiêu trung bình nhiều hơn 10% cho hàng tạp hóa và nhiều hơn 48% cho xăng so với chỉ 1 năm trước (số liệu ở Mỹ).
Lạm phát gia tăng cũng ảnh hưởng đến các nhà đầu tư - bất kỳ khoản đầu tư nào không thu được lợi nhuận trên 8,5% đều mất sức mua. Trong khi có một số dấu hiệu cho thấy lạm phát dường như đang chậm lại, mọi người vẫn nên thực hiện các bước để chuẩn bị tiền bạc, tài chính nhằm ứng phó với tỷ lệ lạm phát cao hơn nữa, bao gồm cả danh mục đầu tư của bạn.
Là một nhà lập kế hoạch tài chính, bà Hanna Horvath tin tưởng vào việc chủ động sử dụng tiền của bạn, bao gồm cả việc xây dựng một danh mục đầu tư có khả năng phục hồi. Nếu bạn muốn thực hiện cụ thể hành động và phòng hộ chống lại lạm phát, dưới đây là một lựa chọn đáng được ưu tiên.
Trái phiếu là một khoản đầu tư ổn định
Trái phiếu được xem là một tài khoản đầu tư có rủi ro thấp - ở Mỹ thì tỷ lệ lãi trái phiếu liên bang được thiết kế đặc biệt để bảo vệ tiền của nhà đầu tư khỏi lạm phát. Gần đây, Bộ Tài chính Mỹ thông báo rằng trái phiếu được phát hành tới cuối tháng 10 mà bà Hanna đầu tư sẽ kiếm lãi suất hàng năm lên đến 9,62% trong 6 tháng – cao hơn mức lạm phát hiện tại ở Mỹ.
Những trái phiếu là danh mục đầu tư tương đối an toàn để gửi tiền của bạn và tránh bị mất giá do lạm phát. Lãi suất trên những trái phiếu này thường xuyên được điều chỉnh theo lạm phát - và nếu điều đó vẫn chưa đủ, trái phiếu loại I ở Mỹ còn được miễn thuế thu nhập tiểu bang và địa phương.
Trái phiếu Series I là trái phiếu do Chính phủ phát hành, được hưởng lãi suất theo hai cách: lãi suất cố định và lãi suất thay đổi được điều chỉnh hai lần một năm dựa trên tỷ lệ lạm phát.
Với trường hợp lãi suất thay đổi, có nghĩa là nó có thể giảm trong tương lai, lãi suất sẽ không xuống dưới 0%. Vì vậy không giống như cổ phiếu, bạn được đảm bảo hoàn vốn đầu tư ban đầu khi mua lại trái phiếu của mình.
Ở Việt Nam, các trái phiếu chính phủ, trái phiếu ngân hàng đã và đang được nhiều nhà đầu tư cá nhân lựa chọn.
Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng trái phiếu không phải khoản đầu tư cho quỹ khẩn cấp vì bạn sẽ không thể nhận được tiền trong ít nhất 12 tháng.
Các khoản đầu tư chống lạm phát khác
Nếu bạn đang tìm kiếm các cách khác để bảo vệ tiền của mình khi giá cả tăng cao, đây là một số lựa chọn khác:
1. Bất động sản, địa ốc
Bất động sản có xu hướng trở thành một danh mục đầu tư hoạt động tốt hơn trong thời kỳ lạm phát cao - khi giá cả tăng lên, giá trị của bất động sản cũng có xu hướng tăng.
Một cách hiệu quả để đầu tư vào bất động sản là bạn nên nhìn rộng ra khi mua bất động sản, không nhất thiết phải chi tiền vào các tài sản đắt đỏ đang nóng mà nhà đầu tư nào cũng muốn “tranh nhau”. Hơn thế nữa, cần có sự cân nhắc, hết sức cẩn thận để tránh bong bóng nhà đất, bong bóng bất động sản.
2. Đầu tư vào hoạt động kinh doanh hàng hóa, cổ phiếu hàng hóa
Tài sản hữu hình di chuyển lên xuống về giá trị theo nhịp trống của chính chúng và ít bị ảnh hưởng bởi những thứ như lạm phát. Ví dụ, vàng từ lâu đã được coi là hàng rào chống lại lạm phát. Các ví dụ khác về hàng hóa bao gồm nguyên liệu thô như dầu và cây trồng, các nguyên liệu thiết yếu.
Hãy nhớ rằng giá trị của hàng hóa dựa trên cung và cầu, khiến việc đầu tư vào hàng hóa trở nên rủi ro. Nếu bạn muốn đầu tư vào hàng hóa thì lưu ý là hãy chỉ rót vào số tiền mà bạn có thể chịu được nếu không may mất trắng.