Dự báo tỷ giá US tăng 4%
Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới công bố, CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định tỷ giá USD/VND sẽ có diễn biến phức tạp trong thời gian tới, chủ yếu chịu tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ cùng các yếu tố kinh tế toàn cầu.
Theo KBSV, trong quý I, tỷ giá USD ghi nhận mức tăng nhẹ 0,5–0,7%, dao động trong biên độ 25.080–25.640 VND/USD. Tuy nhiên, áp lực lên tỷ giá tăng đáng kể sau khi Mỹ công bố mức thuế đối ứng lên tới 46% đối với hàng hóa Việt Nam. Động thái này làm dấy lên lo ngại về triển vọng xuất khẩu và dòng vốn FDI, đẩy tỷ giá tiệm cận mức trần 26.000 VND/USD.
Áp lực phần nào được giải tỏa sau khi Mỹ quyết định tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày, đồng thời USD suy yếu khi chỉ số sức mạnh USD (DXY) giảm xuống vùng 99–101 điểm. Trên thị trường tự do, tỷ giá biến động mạnh hơn, có thời điểm vượt 26.130 đồng/USD, một phần do nhu cầu trú ẩn vào vàng khi giá vàng thế giới vượt 3.200 USD/ounce.
Trong khi đó, chỉ số NEER (tỷ giá danh nghĩa đa phương) giảm 2,7%, cho thấy VND mất giá so với rổ tiền tệ chính. Trong khi đó, REER (tỷ giá thực đa phương) ban đầu giảm do hàng hóa Việt Nam cải thiện sức cạnh tranh về giá, nhưng tăng trở lại vào cuối quý bởi áp lực lạm phát nội địa.

(Nguồn: KBSV)
Trước những diễn biến nói trên, KBSV dự báo tỷ giá USD/VND có thể tăng khoảng 4% so với cuối năm 2024. Mức tăng này chủ yếu đến từ các yếu tố như căng thẳng thương mại kéo dài, ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại vào Việt Nam, cũng như biến động của đồng USD trên thị trường quốc tế.
Theo KBSV, hai yếu tố chính chi phối tỷ giá trong thời gian tới là cung – cầu ngoại tệ và xu hướng của đồng USD toàn cầu. Tính đến ngày 15/4, chỉ số DXY đã giảm 8,2% so với thời điểm đầu năm và so với mức giảm 4,8% cùng kỳ năm trước.
Song, các chuyên gia KBSV nhận định trong bối cảnh hiện tại sức ép từ DXY lên tỷ giá dự kiến sẽ không quá lớn như trong năm 2024 do thị trường lo ngại suy thoái và kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất 2 lần (mỗi lần 0,25 điểm %) từ tháng 6/2025.
Áp lực tỷ giá sẽ được xoa dịu khi sức mạnh của đồng USD suy yếu. Tuy nhiên, nếu căng thẳng thương mại tiếp tục kéo dài và làm suy giảm nguồn cung ngoại tệ, tỷ giá vẫn có nguy cơ chịu áp lực tăng trong các quý còn lại của năm.
Trong kịch bản tỷ giá tăng vượt ngưỡng kỳ vọng (trên 4%), các chuyên gia KBSV cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể can thiệp thị trường thông qua việc bán ngoại tệ dự trữ, phát hành tín phiếu hoặc thậm chí điều chỉnh tăng lãi suất để ổn định thị trường.
Đồng quan điểm, PGS. TS Nguyễn Hữu Huân nhận định trong kịch bản tỷ giá biến động quá mạnh, NHNN có thể buộc phải điều chỉnh chính sách tiền tệ, có thể chuyển từ nới lỏng sang thắt chặt để ổn định vĩ mô.
Trong kịch bản đó, thanh khoản hệ thống có thể bị siết lại, đòi hỏi các ngân hàng phải chủ động dự phòng thanh khoản và xây dựng các kịch bản ứng phó linh hoạt để tránh rơi vào thế bị động khi thị trường biến động mạnh.
Lãi suất chịu sức ép trong dài hạn
Cũng trong báo cáo, nhóm phân tích KBSV nhận định chính sách thuế quan sẽ tạo ra áp lực lên tăng trưởng kinh tế, từ đó buộc Việt Nam phải đẩy mạnh các động lực trong nước như đầu tư công, sản xuất và tiêu dùng nội địa. Trong bối cảnh đó, hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong việc khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế.
Trong ngắn hạn, khi áp lực tỷ giá chưa quá lớn, mặt bằng lãi suất cho vay dự kiến vẫn ổn định. Các ngân hàng tiếp tục triển khai các chương trình cho vay ưu đãi, góp phần kéo mặt bằng lãi suất đi xuống. NHNN được kỳ vọng sẽ duy trì chính sách điều hành linh hoạt, ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng thông qua việc giữ lãi suất ở mức thấp và nới room tín dụng.
"NHNN nhiều khả năng sẽ chấp nhận mức biến động tỷ giá lớn hơn trong năm nay để ưu tiên cho tăng trưởng trong nước", báo cáo KBSV nhận định.

(Nguồn: KBSV)
Các chuyên gia KBSV nhận định hiện tại thanh khoản toàn hệ thống ở trạng thái dồi dào, các ngân hàng thương mại không chịu nhiều áp lực tăng lãi suất huy động để cạnh tranh nguồn vốn, qua đó góp phần duy trì mặt bằng lãi suất ổn định ở mức thấp, phù hợp với định hướng chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng trong thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, về dài hạn, nếu tỷ giá và lạm phát tăng mạnh (trên 4%), chính sách giữ lãi suất thấp sẽ trở nên khó khăn. Trong kịch bản này, lãi suất huy động có thể tăng 1–2%, trong khi lãi suất cho vay có thể tăng nhẹ với biên độ 0,5–1%.
Dù vậy, KBSV cho rằng mặt bằng lãi suất nhiều khả năng vẫn được duy trì ở vùng thấp tương đối, qua đó tiếp tục đóng vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2025.
Theo số liệu từ NHNN, tính đến hết quý I/2025, mặt bằng lãi suất huy động mới gần như không thay đổi chỉ tăng 0,08%, trong khi mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm 0,4% so với cuối năm 2024 cho thấy nỗ lực của hệ thống ngân hàng trong việc hỗ trợ nền kinh tế.