Trước năm 2002, việc thi tuyển sinh ĐH, CĐ do các trường tự tổ chức thi và xét tuyển, mỗi trường tổ chức thi vào một thời điểm khác nhau ngay sau kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Từ năm 2002 - 2014 tổ chức thi "3 chung": chung đề, chung đợt thi và sử dụng chung kết quả thi; chia làm 3 đợt; tổ chức thi tại các trường ĐH, CĐ ở Hà Nội và TP.HCM; sau đó tổ chức thêm các cụm thi ở Cần Thơ, Bình Định, Nghệ An, Hải Phòng.
Năm 2015, Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để các cơ sở giáo dục ĐH sử dụng xét tuyển đầu vào. Thí sinh (TS) phải thi 4 môn, gồm 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử và địa lý. TS có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ. Riêng TS đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ đăng ký thi các môn tuyển sinh ĐH, CĐ.
Năm 2017 Bộ GD-ĐT quyết định chỉ tổ chức một loại cụm thi tại mỗi tỉnh, thành do sở GD-ĐT chủ trì; các trường ĐH, CĐ phối hợp tổ chức theo điều động của Bộ GD-ĐT. Tổ chức thi theo bài thay vì theo môn, với 3 bài thi độc lập: toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp (khoa học tự nhiên và khoa học xã hội). TS thi 4 bài để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn trong 2 bài thi tổ hợp. TS có thể dự thi cả 2 bài tự chọn, điểm bài thi nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT .
Năm 2020 đến nay, kỳ thi THPT quốc gia đổi thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, tập trung vào mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá mặt bằng chất lượng HS phổ thông cả nước. Kỳ thi bắt buộc thi 3 môn toán, văn, ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp. Học sinh vẫn được chọn một trong 2 môn (khoa học xã hội hoặc khoa học tự nhiên) để làm bài nhưng không được chọn cả 2 bài thi như trước.
Sau 10 năm đổi mới thi, tuyển sinh đại học , quyền tự chủ của các trường đại học ngày càng được mở rộng. Cùng với đó, thí sinh cũng có thêm nhiều quyền lợi hơn.
Với các trường ĐH, từ việc chỉ có một lựa chọn tuyển sinh là kết quả kì thi 3 chung, đến nay, đã có tới ít nhất 20 phương thức được các trường sử dụng để lựa chọn những thí sinh phù hợp với yêu cầu đào tạo.
Trước 2015, chỉ tiêu do Bộ GD&ĐT xác định. Nhưng từ 2015, khi các trường được giao quyền tự chủ, việc mở ngành, tự xác định chỉ tiêu nằm trong tay các trường. Bộ GD&ĐT chỉ ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí và “hậu kiểm”. Như vậy “quyền lực” của Bộ chỉ dừng đúng ở quản lí cấp nhà nước, không còn tình trạng “xin – cho” như trước đây. Quyền của các trường ĐH được tăng lên.
Với thí sinh, thay vì dự ít nhất 2 kì thi cấp quốc gia là thi tốt nghiệp THPT và thi 3 chung thì chỉ còn phải dự 1 kì thi THPT quốc gia (hiện nay là thi tốt nghiệp THPT) và tham gia tự nguyện một số kì thi riêng của các trường ĐH tổ chức để lấy kết quả xét tuyển. Thí sinh có thể biết được cơ hội trúng tuyển ĐH trước khi dự thi tốt nghiệp THPT. Chính vì vậy, giảm chi phí, giảm thời gian, và đặc biệt là giảm áp lực tâm lí cho thí sinh.
Quan trọng hơn, thí sinh được lựa chọn những ngành học mình yêu thích để theo học, thay vì việc tìm mọi cách để có được 1 cơ hội trúng tuyển ĐH.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, thí sinh cũng gặp một số khó khăn khi tuyển sinh từng bước đổi mới như nhầm lẫn phương thức xét tuyển dẫn đến việc nhiều thí sinh phải cầu cứu Bộ GD&ĐT. Những hạn chế này đã được Bộ GD&ĐT điều chỉnh.